Pháp - Bồ Đào Nha: Trận chiến của những toan tính chiến thuật
Cho tới nay, có thể nhận ra 3 trận đấu thú vị nhất về yếu tố chiến thuật tại EURO 2016, đó là chiến thắng của Italia trước Tây Ban Nha ở vòng 1/8, trận hòa 1-1 của Italia trước Đức tại tứ kết và trận Đức thua Pháp 0-2 hôm thứ Năm.
Tuy nhiên, trận chung kết EURO 2016 vào lúc 2h00 rạng sáng mai hứa hẹn sẽ là một cuộc đụng độ hấp dẫn khi Pháp và Bồ Đào Nha đều có những lý do khác nhau để tạo ra khác biệt.
Suốt giải đấu trên sân nhà, HLV Didier Deschamps đã không hoàn toàn làm việc với hệ thống tối ưu của mình mà liên tục thay đổi với hai cách thiết lập rất khác nhau.
Trong khi đó, người đồng nghiệp Fernando Santos bị mắc kẹt trong một hình dạng không bình thường, có nghĩa là tùy chỉnh theo từng thời điểm và đối thủ.
Đội tuyển Bồ Đào Nha cơ bản sử dụng hàng hậu vệ 4 người cùng hàng tiền vệ hình kim cương, một cách tiếp cận mà không hề nhận thấy ở 23 đội bóng khác tham dự EURO 2016.
Đặc biệt hơn, đó có thể là những biến thể 4-1-3-2 hay 4-3-1-2 với William Carvalho đứng phía trước hàng hậu vệ, còn lại Joao Mario, Adrien Silva và Renato Sanches thay nhau chuyển đổi linh hoạt, di chuyển lên phía trên, tạo không gian tấn công.
Bồ Đào Nha không thực sự giỏi về khả năng kiểm soát bóng, nhưng tất cả đều phải dè chừng ở khả năng chuyển đổi sang thế trận tấn công với sự cơ động của Cristiano Ronaldo và Nani, những người có tốc độ của cầu thủ chạy cánh nhưng được biến thành chân sút thực thụ.
Về cơ bản, Bồ Đào Nha sẽ tập trung số đông ở hàng tiền vệ và sử dụng chất cơ bắp của mình để chống lại bộ đôi Paul Pogba - Blaise Matuidi bên phía Pháp.
Tính chất thiên về phòng ngự đó có thể khiến đội chủ nhà gặp khó khăn trong việc phát triển bóng. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là Seleccao duy trì được hiệu suất đó ở mức độ ra sao khi tất cả đều biết rằng Pogba và Matuidi ở một đẳng cấp cao như thế nào.
Rất khó để HLV Deschamps vận hành sơ đồ 4-3-3 quen thuộc của mình ở đầu giải. Thành công trong trận thắng Đức cũng như những sự điều chỉnh trước đó (chẳng hạn như hiệp 2 trận gặp Ireland) là cơ sở thúc đẩy DD theo đuổi hệ thống 4-2-3-1.
Sơ đồ này vừa giúp Antoine Griezmann phát huy tối đa sở trường chơi ở trung tâm, vừa tạo điều kiện để Moussa Sissoko tỏa sáng trong vai trò hoạt động rộng bên cánh phải.
Rõ ràng, sự chuyển đổi của Deschamps và việc các cầu thủ thích ứng nhanh chóng đã trở thành bí quyết cho thành công của Les Bleus, đặc biệt trong những tình huống khó khăn.
Tuy nhiên, một khi “phù thủy” Fernando Santos được cho là sao chép phong cách của Antonio Conte ở đội tuyển Italia, những toan tính thực dụng của Bồ Đào Nha có thể khiến cho đội chủ nhà khốn đốn, ít nhất trong thời điểm nào đó.