Boxing Việt Nam đầu tư hạng cân nhỏ để hái "quả ngọt Nguyễn Thị Tâm"
Hồi cuối tháng 10/2021, tay đấm Nguyễn Thị Thu Nhi chiến thắng vang dội trước đối thủ Etsuko Tada qua đó giành đai WBO thế giới hạng mini-flyweight. Đây là lần đầu tiên một tay đấm của Việt Nam giành đai thế giới trên sàn boxing chuyên nghiệp.
Còn cách đây ít phút, Nguyễn Thị Tâm đã đánh bại Laura Fuertes ở tứ kết hạng cân 50 kg qua đó giành quyền vào bán kết giải Boxing nữ vô địch thế giới 2023 tại Ấn Độ. Đáng chú ý, trên hành trình của mình Nguyễn Thị Tâm còn lại nhà cựu VĐTG Nazym Kyzaibay với tỷ số thuyết phục 5-0 ngay từ vòng 1.
Giờ thì võ sỹ 28 tuổi của boxing Hà Nội đã chắc chắn sở hữu tấm huy chương thế giới, bất kể kết quả của vòng bán kết tới đây ra sao. Tất nhiên, cá nhân Nguyễn Thị Tâm và boxing Việt Nam còn tiến xa hơn thành tích tay đấm Nguyễn Thị Hương giành HCĐ cũng ở giải VĐTG hồi năm 2019 tại Nga. Và điều này không phải không có cơ sở.
Nguyễn Thị Tâm đã vô địch 2 kỳ SEA Games liên tiếp, 2 lần vô địch châu Á mà lần gần nhất ở Jordan hồi tháng 11 năm ngoái. Và cô cũng từng giành suất chính thức dự Olympic Tokyo.
Xuyên suốt sự nghiệp, tay đấm gốc Thái Bình chỉ thi đấu ở những hạng cân nhỏ phù hợp như 50 kg hay 51 kg hoặc 52 kg. Đây là lựa chọn phù hợp với yếu tố thể hình, thể trạng của người Việt Nam - không chỉ ở boxing mà còn ở nhiều môn thể thao đối kháng khác - và hơn ai hết các nhà quản lý, những người làm công tác chuyên môn hiểu rõ nhất điều này.
Trong cuộc phỏng vấn của Webthethao.vn với ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT), kế hoạch lựa chọn đầu tư cho những hạng cân đã được phân tích, chia sẻ rất cụ thể.
-->>> Võ sĩ Boxing Nguyễn Thị Tâm vươn lên Top 1 BXH thế giới như thế nào?
Webthethao.vn: Kính thưa ông Hoàng Quốc Vinh, võ sỹ Thu Nhi đã giành đai WBO thế giới hạng mini flyweight, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của chiến thắng này với boxing nói riêng và các bộ môn võ đối kháng ở Việt Nam nói chung?
Ông Hoàng Quốc Vinh: Từ năm 2016 trở lại đây quyền anh Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa, nhà nghề, ở một số nội dung hạng cân đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt một số công ty tổ chức sự kiện, CLB thể thao, nhà tài trợ lớn như VSP, Cocky Buffalo, SSC hay ONE Championship đã vào cuộc khi họ thấy tiềm năng rất mạnh cũng như tinh thần thi đấu dũng cảm, máu lửa của VĐV boxing Việt Nam.
Ngay từ năm 2016 đã có đơn vị đã ký kết với Liên đoàn quyền anh Việt Nam về thỏa thuận phát triển boxing nhà nghề tại Việt Nam. Từ đó đã tạo ra cơ hội, sân chơi thi đấu nhà nghề chất lượng để các võ sỹ như Trương Đình Hoàng, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương hay Nguyễn Thị Thu Nhi thể hiện tài năng.
Thực tế Thu Nhi cũng đã thi đấu chuyên nghiệp và có những chiến thắng ấn tượng từ cách đây khá lâu. Tại sự kiện Victory 8 ở TP HCM vào năm 2018 Thu Nhi từng đánh bại đối thủ rất mạnh Gretchen Abaniel trong trận đấu được treo thưởng tới 400 triệu đồng.
Còn chiến thắng của Thu Nhi ở trận tranh đai WBO thế giới hồi tháng 10/2021, hay thành tích ấn tượng của tay đấm Nguyễn Thị Tâm trên sàn boxing amateur tiếp tục khẳng định võ sỹ Việt Nam hoàn toàn có đủ trình độ, đẳng cấp để thi đấu trước những tay đấm hàng đầu thế giới. Đây là sự khích lệ rất quan trọng với boxing chuyên nghiệp Việt Nam và cả các môn võ đối kháng khác.
-->> Nguyễn Thị Thu Nhi vọt lên Top 4 thế giới, phá vỡ thế thống trị của Boxing Nhật Bản
Webthethao.vn: Việc tuyển chọn, đào tạo VĐV, tổ chức thi đấu trong nước cũng như tham dự quốc tế của boxing Việt Nam hiện diễn ra thế nào thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Vinh: Trong quyền anh có hai hệ thống thi đấu. Một là tuân thủ theo chương trình thi đấu của IOC (Ủy ban Olympic thế giới), AIBA (giờ là IBA, Hiệp hội quyền anh nghiệp dư quốc tế) mà chúng ta vẫn quen gọi là "đấu amateur". Và hệ thống thứ hai là đấu chuyên nghiệp, nhà nghề, như chúng ta đã thấy các võ sỹ như Đình Hoàng, Thu Nhi thi đấu từ 6 đến 12 hiệp.
Với hệ thống đội tuyển quốc gia hiện vẫn tập trung theo chương trình thi đấu của IOC, AIBA, và việc tuyển chọn VĐV được sàng lọc qua các giải quốc gia, giải trẻ. Những gương mặt xuất sắc nhất sẽ được gọi vào đội tuyển.
Còn những VĐV theo hướng chuyên nghiệp hóa, nhà nghề cũng được tuyển chọn kỹ càng thông qua Ban chuyên môn của Liên đoàn quyền anh, với sự hợp tác của một số CLB chuyên nghiệp, đơn vị tài trợ. Họ sẽ phân tích, sàng lọc tìm ra một số VĐV tiềm năng để định hướng thi đấu nhà nghề rồi đăng ký với những tổ chức quyền anh chuyên nghiệp như WBA, WBO...
Trong Luật Thể dục thể thao cũng đã nêu rất rõ việc khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển thể dục thể thao, đặc biệt theo hướng chuyên nghiệp. Thời gian qua chúng ta đã thấy một số đơn vị tài trợ, công ty tham gia đầu tư vào việc giúp VĐV phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
-->> Ông Vũ Đức Thịnh: Cần cải tổ và có cơ chế hợp tác để chuyên nghiệp hóa Boxing Việt Nam
Webthethao.vn: Từ góc độ quản lý nhà nước, theo ông tới đây cần làm gì để tạo ra môi trường giúp boxing chuyên nghiệp, amateur phát triển hơn nữa ở Việt Nam để từ đó tạo ra nhiều hơn những tay đấm chất lượng thi đấu nhà nghề và những võ sỹ có thể cạnh tranh huy chương thế giới, Olympic?
Ông Hoàng Quốc Vinh: Từ năm 2016 quyền anh Việt Nam đã phát triển theo hướng toàn diện với cả nghiệp dư lẫn nhà nghề. Bản thân võ sỹ Thu Nhi cũng đã tập luyện theo định hướng chuyên nghiệp từ những năm đó mới có nền tảng trình độ thích hợp với môi trường nhà nghề như hiện tại. Còn với Nguyễn Thị Tâm đó là kết quả của sự chắt lọc, lựa chọn từ đầu vào để phát hiện tài năng, chăm lo đầu tư của các đơn vị nhà nước giúp võ sỹ trưởng thành và phát triển tốt.
Với boxing chuyên nghiệp, chỉ những VĐV ở nội dung, hạng cân nào có tiềm năng, tố chất, thể trạng phù hợp với đấu nhà nghề thì Tổng cục, Bộ môn sẽ phối hợp với Liên đoàn cũng như CLB chuyên nghiệp, nhà tài trợ mới lựa chọn, định hướng, đầu tư cao cho những VĐV đó theo hướng thi đấu nhà nghề.
Từ đó có thể mời những HLV, chuyên gia hàng đầu về boxing chuyên nghiệp, tạo ra môi trường tập luyện chuyên nghiệp và mời những đối thủ nhà nghề thi đấu cọ xát để rồi cuối cùng nhắm đến những trận đấu chuyên nghiệp, trận tranh đai.
Webthethao.vn: Bên cạnh những chiếc đai Trương Đình Hoàng hay Nguyễn Thu Nhi giành được, hai võ sỹ Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Thị Tâm từng giành vé dự Olympic, trong đó Nguyễn Thị Tâm đã vô địch châu Á (và mới đây giành huy chương thế giới), vậy ông có thể chia sẻ về kế hoạch đầu tư cho boxing tới đây cũng như những kỳ vọng cho bộ môn này?
Ông Hoàng Quốc Vinh: Boxing Việt Nam với những tín hiệu thành tích đáng mừng vừa qua cho thấy các VĐV với tố chất thể lực, tinh thần, sự quả cảm đều có thể thi đấu tranh chấp tốt ở môi trường chuyên nghiệp đối kháng đỉnh cao.
Chúng ta từng có 2 suất chính thức dự Olympic Tokyo của Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Thị Tâm, có VĐV giành huy chương giải boxing vô địch thế giới 2019 (và giờ là trường hợp của Nguyễn Thị Tâm ở giải VĐTG 2023).
Những VĐV này cũng đều có chính sách được đầu tư từ rất sớm mới có thể vượt qua vòng loại Olympic và thi đấu tốt ở cấp châu lục, thế giới. Muốn giữ được phong độ, trình độ tốt ở những năm sau, các VĐV vẫn cần tiếp tục được đầu tư, thi đấu thật nhiều để tích lũy kinh nghiệm dày dạn, trui rèn bản lĩnh.
Thành tích mà chúng tôi kỳ vọng ở boxing trong năm tới và tương lai gần để dựa vào đó tính toán đầu tư vẫn là ở các hạng cân nhỏ, nhẹ, đặc biệt là một số hạng cân của nữ phù hợp với thể trạng, sự khéo léo cũng như tố chất dũng cảm của người Việt Nam như Thu Nhi, Nguyễn Thị Tâm... Hiện chúng ta có nhiều VĐV tiềm năng và câu chuyện là cần có chính sách đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm để các em được tập luyện, thi đấu cọ xát nhiều và tốt nhất có thể.
Webthethao.vn: Xin cảm ơn ông!