IMMAF - Con đường cho MMA nghiệp dư trên thế giới
IMMAF – International Mixed Martial Arts Federation hay Liên đoàn MMA Quốc tế là tổ chức phi lợi nhuận chuyên quản lý các hoạt động về võ tổng hợp (MMA) ở cấp độ nghiệp dư trên toàn thế giới. Thành lập năm 2012, đến nay IMMAF đã quy tụ được 63 liên đoàn, hội nhóm đại diện cho các quốc gia ở cả 5 châu lục trên toàn thế giới.
Tại sao lại là “Liên đoàn MMA Thế Giới”?
Trên thực tế, khán giả theo dõi MMA đa phần biết tới môn thể thao này qua các giải đấu như UFC, Bellator, PFL (Bắc Mỹ), ONE Championsip, Road FC (Châu Á), Cage Warriors, M-1 Global (Châu Âu, Nga), PRIDE, RIZIN (Nhật Bản).
Tuy nhiên, tất cả những giải đấu trên đều hoạt động với tư cách các công ty, thương hiệu tư nhân với mục tiêu hàng đầu là thu về lợi nhuận cho các chủ đầu tư. Các Ủy ban Thể thao chỉ có nhiệm vụ giám sát hoạt động chứ không tham gia vào công tác quản lý, đào tạo và tổ chức giải đấu.
Trái lại, IMMAF nhấn mạnh vào hoạt động “phi lợi nhuận”, hướng tới mục tiêu phát triển và liên kết phong trào MMA dưới sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước. Đây được xem như sự khác biệt rõ ràng nhất giữa “Liên đoàn MMA Thế giới” với các tổ chức toàn cầu như UFC hay ONE Championship.
Nghiệp dư và bộ luật thi đấu
Đúng như tiêu chí, IMMAF tập trung vào “đào rộng trước khi đào sâu”, hỗ trợ tổ chức ở những quốc gia mà MMA chưa tồn tại một cách chính thức. Ngoài ra, IMMAF nhấn mạnh yếu tố “nghiệp dư” thay vì chuyên nghiệp như UFC hay ONE Championship.
Về mặt này, IMMAF cũng đang đóng vai trò như AIBA (Hội đồng Quyền Anh Quốc tế) ở bộ môn Boxing. Việc tách biệt về mục tiêu quản lý giúp IMMAF tìm kiếm các võ sĩ và phát triển phong trào rộng hơn, dễ tiếp cận hơn, với yêu cầu ít khắc nghiệt hơn so với các giải đấu chuyên nghiệp.
Yếu tố “nghiệp dư” mà IMMAF muốn hướng tới thể hiện rõ nhất cách thức tổ chức các trận đấu. Tại IMMAF, các võ sĩ sẽ tranh tài với găng bảo hộ dày hơn, bắt buộc phải sử dụng trang phục thi đấu gồm bảo hộ ống quyền, bộ quần áo thi đấu tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, IMMAF sử dụng một luật thi đấu giản lược so với Bộ luật MMA thống nhất đang được các tổ chức MMA chuyên nghiệp sử dụng.
Một số điều cấm mà Luật IMMAF bổ sung so với Luật MMA thống nhất:
- Võ sĩ không được sử dụng cùi chỏ, bắp tay để tấn công dưới mọi hình thức
- Các đòn khóa gót chân (heel hook), vặn xương sống (twister) hay bất kì đòn khóa nào tác động vào xương sống.
- Các đòn gối vào đầu ở bất kì hình thức nào.
- Các trận đấu tại IMMAF cũng chỉ kéo dài 3 phút so với 5 phút như các trận đấu MMA chuyên nghiệp.
Ngoài ra, bất kì một võ sĩ nào từng tham gia thi đấu, có thành tích hoặc thượng đài với các võ sĩ chuyên nghiệp theo Bộ luật MMA Thống nhất, cũng sẽ không được tham gia vào hệ thống thi đấu của IMMAF.Có thể thấy, IMMAF nhắm tới yếu tố kĩ thuật, thể thao và chú trọng nhiều vào an toàn của các võ sĩ.
Hướng tới Olympic
Sở dĩ, IMMAF lại tập trung mở rộng theo hướng nghiệp dư chính bởi mục tiêu của tổ chức này là được sự công nhận của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Điều này đã được khẳng định trong tầm nhìn ở tất cả các kì đại hội và được đưa lên ngay trang chủ của IMMAF.
Thành lập liên đoàn với đủ số lượng thành viên, cơ cấu hoạt động bài bản nhằm thay đổi suy nghĩ về MMA với giới quản lý và cả thế giới, IMMAF xem đây là mục tiêu cao nhất của tổ chức trong thời gian tới. Sau 2 năm thành lập, từ 2014, IMMAF cũng đã tổ chức các giải đấu toàn thế giới với hình thức vòng loại, trao huy chương tương tự như hệ thống của Olympic.
Là mối liên kết giữa những vận động viên nghiệp dư, giải đấu chuyên nghiệp và hướng tới mục tiêu đưa MMA trở thành môn thể thao Olympic, IMMAF được xem như con đường tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại cho các quốc gia mới bắt đầu phong trào MMA, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, không vì thế mà IMMAF chỉ tập trung vào hệ thống MMA nghiệp dư, bởi tổ chức này cũng có được sự ủng hộ và là đối tác trực tiếp của UFC – giải MMA lớn nhất hành tinh. Các võ sĩ từng có thành tích ở IMMAF hoàn toàn có cơ hội tiến lên đấu trường nhà nghề, tương tự như với các môn thể thao khác như Boxing hay Muay Thái.