Ký ức tấm HCB Olympic 2000 của Trần Hiếu Ngân và vai trò của Hàn Quốc với Taekwondo Việt
Trong số các môn võ tại Việt Nam, Taekwondo luôn được đầu tư trọng điểm bởi đây là một trong số các môn tranh huy chương tại Olympic. Tuy luôn có các thế hệ vận động viên tham gia các lần Đại hội, nhưng chưa võ sĩ nào từng giành được thành tích như đàn chị Trần Hiếu Ngân 20 năm về trước.
Quay trở lại Olympic 2000 trên đất Sydney, Australia, Việt Nam có 7 vận động viên tham dự ở 4 môn, trong đó, riêng Taekwondo đã có 2 ứng cử viên là Trần Hiếu Ngân (hạng dưới 57kg) và Nguyễn Thị Xuân Mai (48kg). Riêng điều đó đã cho thấy sự đầu tư cũng như kì vọng của Taekwodno Việt Nam trong lần ra quân đó.
Thậm chí, năm đó, Xuân Mai mới là cái tên được kì vọng nhiều hơn bởi Trần Hiếu Ngân rơi vào hạng cân có rất nhiều đối thủ mạnh, thậm chí là cả “cái nôi” của Taekwondo – Hàn Quốc.
Thế nhưng, Trần Hiếu Ngân dù khó khăn nhưng lại vượt qua cả 3 trận vòng loại và tiến thẳng vào chung kết. Tại trận đấu cuối cùng, cô gặp lại chính bại tướng của mình ở giải VĐTG 1998 Jung Jae Un.
Đáng tiếc thay, nữ võ sĩ quê Phú Yên không thể lặp lại thành tích 2 năm trước. Với một đối thủ không quá chênh lệch về trình độ, thể hình, Trần Hiếu Ngân chỉ để thua 1-3 trước Jae Un, tỉ số sát nút nhất trong tất cả các trận đấu ở kì Đại hội năm đó.
“Người ta bảo rằng lọt vào trận chung kết với huy chương bạc cao quý nên tôi hài lòng và không cố gắng trong trận chung kết. Tuy nhiên, có ai không muốn một lần đoạt huy chương vàng Olympic. Cả trăm huy chương bạc cũng đâu bằng một cái vàng”, Hiếu Ngân chia sẻ tâm sự về thành tích lớn nhất, và cũng là nuối tiếc nhất của cô.
“Tôi còn thiếu một cái gì đó mà đến giờ suy ngẫm lại vẫn chưa có lời giải. Tôi vẫn cảm thấy hối tiếc vì không đoạt được huy chương vàng”.
Dù chỉ đứng vị trí thứ 2, nhưng tấm huy chương đầu tiên của Việt Nam tại một kỳ Olympic là quá đủ để Trần Hiếu Ngân ghi dấu vào lịch sử thể thao Việt Nam nói chung. Còn với riêng Taekwondo, đây cũng là tiền đề để bộ môn nhận ra hiệu quả của việc đầu tư cùng sự hợp tác với các chuyên gia Hàn Quốc, đẩy mạnh phát triển Taekwondo sau này.
Trước thềm Olympic, Trần Hiếu Ngân đã có cơ hội cùng đội tuyển sang Hàn Quốc để tập huấn. Đây là mấu chốt quan trọng bởi trong chuyến đi này, cô đã có cơ hội tiếp xúc, thậm chí thi đấu cọ xát với đội tuyển các nước trên thế giới.
Bởi như bất kì môn võ nào khác, đất nước sản sinh ra môn võ đó luôn sở hữu những bí quyết huấn luyện võ sĩ đạt trình độ cao nhất. Riêng đối với Hàn Quốc và Việt Nam, chúng ta là một trong những đội tuyển được nước bạn ưu ái tạo điều kiện tập huấn ở xứ sở kim chi.
Tại khóa tập huấn tiền Olympic, Trần Hiếu Ngân trong quá trình rèn luyện đã nhân cơ hội nắm được “tẩy” của các võ sĩ có khả năng là đối thủ của mình. Đặc biệt, trong đó có nhà vô địch Châu Âu người Hà Lan – đối thủ sau đó đã thua Hiếu Ngân ở bán kết Olympic 2000.
Kết thúc Olympic 2000, Trần Hiếu Ngân không tiếp tục thi đấu mà chuyển sang công tác huấn luyện, điều khiến nhiều đồng nghiệp và thậm chí đối thủ bất ngờ. Tuy nhiên, mục tiêu của "người mở màn lịch sử" là đào tạo ra nhiều vận động viên có thể viết tiếp, vượt qua thành tích của mình tại một kỳ Olympic.
Kể từ sau tấm HCB lịch sử của Trần Hiếu Ngân, Taekwondo Việt Nam bắt đầu khởi sắc với những tấm HCV ASIAD, liên tục giành vé đi Olympic. Tiếc thay, dù luôn có sự hỗ trợ từ nước bạn Hàn Quốc, đội tuyển của chúng ta vẫn chưa thể vượt qua, thậm chí là lặp lại kì tích đứng trên bục huy chương của Thế vận hội mùa hè của Trần Hiếu Ngân 20 năm về trước.