Lên sàn - Phần 5: Chú ý đến nhịp tim
Nhịp tim là một thông số quan trọng trong việc tập luyện võ tổng hợp, đặc biệt là quá trình tập luyện thể lực, sức bền với cường độ cao. Khác với cơ bắp hay xương khớp, tim bạn rất nhạy cảm với những biến đổi của hoạt động cơ thể, và cũng là bộ phận thường xuyên bị quá tải, có thể dẫn tới những chấn thương.
Sức chịu đựng nhịp tim của bạn sẽ giảm dần theo số tuổi. Có một thông số bạn cần đặc biệt chú ý là nhịp tim tối đa. Đây chính là con số mà nếu bạn chạm tới, bạn có thể hứng chịu nhiều vấn đề về tim mạch, tuần hoàn. Bạn có thể dễ dàng tính ra nhịp tim tối đa của bạn bằng công thức 220 trừ cho số tuổi. Tuy vậy, con số này không hẳn chính xác vì nó tùy thuộc vào thể chất cá nhân cũng như lịch sử bệnh của bạn.
Để đảm bảo an toàn, hãy nhớ rằng hầu hết các hoạt động thể chất bình thường chỉ nên giới hạn ở mức 50 - 69% nhịp tim tối đa của bạn. Mức 70% - 90% nhịp tim tối đa là mức thích hợp để tập luyện nặng hơn, nhưng đừng vượt con số đó. Sở dĩ con số này còn chừa lại 10% trước khi chạm giới hạn tối đa là để... tránh sai số khi tính nhịp tim tối đa (nhịp tim tối đa bạn đo được thực tế vẫn cao hơn sức chịu đựng của bản thân.
Hãy luôn sử dụng máy đo nhịp tim cá nhân (loại dùng cho thể thao) để theo dõi nhịp tim cơ thể, đồng thời dựa vào nhịp tim đo được để biết bạn đang ở mức "tập luyện bình thường" (50-69%) hay "tập luyện ở cường độ cao" (70-90%), vì đôi khi cơ thể và tâm lý vẫn đang lừa dối cảm nhận của bạn. Nhịp tim không biết nói dối, nó thể hiện chính xác tình trạng của bạn.
Hãy ghi nhớ các con số "mục tiêu" trong bảng dưới đây - tùy theo số tuổi của bạn. Trong các bài tập sức bền (chẳng hạn như chạy bộ), hãy theo dõi máy đo nhịp tim cá nhân. Nếu nhịp tim đã rơi vào con số lý tưởng, hãy giữ nhịp tập luyện đó. Dừng tập luyện ngay lập tức và thả lỏng cơ thể nếu chạm đến con số giới hạn.