MMA - Võ tổng hợp, nhưng lại có đặc trưng riêng không thuộc môn võ nào! (Phần kết)

chủ nhật 3-2-2019 3:00:43 +07:00 0 bình luận
Điểm hấp dẫn của MMA chính là sự tiến hóa không ngừng nghỉ của nó, hễ một chiêu thức mới ra đời, thì chỉ cần chưa đến một, hai tuần sau, hầu hết các lò võ đều đã đưa cách hóa giải chiêu thức đó vào bài tập đối luyện thường nhật của mình.

MMA - Võ tổng hợp, nhưng lại có đặc trưng riêng không thuộc môn võ nào! (Phần 1)

MMA - Võ tổng hợp, nhưng lại có đặc trưng riêng không thuộc môn võ nào! (Phần 2)

Quá trình hình thành và phát triển của MMA, để có một chỗ đứng như ngày hôm nay, đều gắn liền với những truyền thuyết. Sẽ chẳng một fan gạo cội nào có thể quên được tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của môn thể thao đầy hấp dẫn này.

Nếu như thập niên 90 là thập kỷ huy hoảng của các grapplers thuần túy, với những Royce Gracie, Ken Shamrock…, thì những năm 2000s lại là đỉnh cao của các tay đấm loại hình sức mạnh với khả năng chống vật tuyệt vời, với đại diện là những Chuck Liddell, Wanderlei Silva hay ‘The Last Emperor’ Fedor Emelianenko. Sẽ chẳng là nói ngoa, nếu như có người khẳng định, rằng một chiêu thức, một lối đánh từng làm mưa làm gió trên võ đài chỉ có tuổi thọ tầm ba, bốn năm là cùng.

Thật vậy, điểm hấp dẫn của MMA, chính là sự tiến hóa không ngừng nghỉ của nó: Hễ một chiêu thức mới ra đời, thì chỉ cần chưa đến một, hai tuần sau, hầu hết các lò võ đều đã đưa cách hóa giải chiêu thức đó vào bài tập đối luyện thường nhật của mình.

Nếu không theo dõi MMA, chắc sẽ chẳng ai tin rằng người đàn ông mập mạp này lại chính là cơn ác mộng của hầu hết tất cả các tay đấm hạng nhất thế giới giai đoạn 2000-2010, Thiên Hoàng Võ Đài Fedor Emelianenko!

Những cự nhân làm mưa làm gió võ đài một thời những năm 2010s, những Cain Velasquez, hay Ronda Rousey, những tượng đài tưởng chừng như ‘bất khả chiến bại’ cùng những ẩn số về họ, đều đã có lời giải. Và hiện tại, chúng ta đang dần bước vào thế hệ thứ tư, thế hệ 2020s. Thế hệ mới, chắc chắn sẽ sản sinh ra các võ sĩ kiểu mới, thông minh hơn, tinh quái hơn, toàn diện hơn. 

Việt Nam, hiện tại đã đang và sẽ tiếp tục sản sinh ra những tên tuổi nặng ký từ kickboxing truyền thống, cho tới grappling. Hiện tại, ở mọi lĩnh vực trong thể thao đối kháng, chúng ta đều có những vận động viên đẳng cấp của mình. Với sự hiện diện của , chúng ta chắc chắn sẽ có những đại diện ưu tú để tham gia ‘góp vui’ cho đấu trường MMA khắc nghiệt bậc nhất Đông Nam Á.

Lão Người Băng Huyền Thoại Chuck Liddell, một trong những khai quốc công thần của UFC những năm 2000s, không có sự góp mặt của ông cùng với lối đánh máu lửa đậm chất giải trí, chắc chả có người Mỹ nào muốn phí thời gian cắm đầu vào TV để xem những màn ‘ôm ấp’ đầy tẻ nhạt cả.

Phần ba, cũng là phần kết của series về MMA, hy vọng sẽ phần nào giải quyết những câu hỏi đặt ra cho vấn đề: làm thế nào để một võ sĩ, bất kể là kickboxers hay grapplers, có được một sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trước khi lấn sân thi đấu MMA, đặc biệt là trong giai đoạn 2020s, cũng chính là giai đoạn khắc nghiệt bậc nhất trong lịch sử phát triển của bộ môn này.

Nhất lực, nhì tài, tam công phu
 

Nhà cựu vô địch hạng nặng, Stipe Miocic, (phải) trong nửa đầu của hiệp 1 đã hoàn toàn áp đảo Daniel Cormier (trái) từ những cú đấm cho đến grappling. Tuy nhiên, việc thể lực anh ngày càng sa sút vào nửa sau của hiệp 1 đã khiến DC, người vốn có nền tảng thể lực nhỉnh hơn, lật kèo bằng một chiến thắng Knockout!
Trong lần đối đầu đầu tiên vào năm 2016, Conor McGregor (phải) áp đảo Nate Diaz (trái) trong hiệp 1 bằng kỹ năng boxing của mình. Tuy nhiên bằng nền tảng thể lực tuyệt vời, Nate đã lật kèo trong hiệp 2, stun tay đấm người Ireland (đã mất khả năng phòng thủ do kiệt sức) bằng combo 2 đấm liên hoàn, và kết thúc trận đấu bằng đòn siết cổ.

Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn trường hợp, mà các võ sĩ có ưu thế ‘nhì tài, tam công phu’, nhưng lại kém xa về khoản thể lực. 

Thực chất, việc hụt hơi trong thi đấu, không nằm ở quá trình rèn luyện thể năng. Bởi lẽ, cả Stipe lẫn Conor đều là những tay đấm chuyên nghiệp, họ tập luyện nghiêm ngặt dưới sự giám sát của những huấn luyện viên fitness/ strength & conditioning hàng đầu.

Có hai nguyên nhân chủ yếu giải thích cho hiện tượng này, sự lỗi nhịp trong phòng thủ, và sự ‘hưng phấn’ một cách thái quá trong tấn công. 

Cơ thể người là một ‘cỗ máy ghi nhớ’ tuyệt vời. Mọi chuyển động, mọi kỹ năng, mọi bộ pháp, một khi đã được ghi nhớ bởi các nhóm cơ, thì có thể ‘thu phóng tùy ý’mà không sợ hao hụt thể năng. Lý giải cho điều này, đơn giản chỉ là: khi cơ thể đã quen với một chuyển động nhất định thông qua sự tập luyện một cách lặp đi lặp lại, nó sẽ thích nghi để trở nên hiệu quả hơn khi thực hiện chuyển động đó. Điều này đồng nghĩa với việc, số lượng calories bị đốt cháy để thực hiện chuyển động, sẽ ít hơn.
Lấy ví dụ về một võ sĩ lần đầu tham gia thi đấu, với kinh nghiệm hạn chế, bộ pháp phòng thủ của anh ta chỉ dừng lại ở mức di chuyển tiến và lùi.

Tuy nhiên, đối thủ của anh ta trong trận đầu, là một người có combo sở trường bodyshot và đá cao. Điều này dẫn đến việc, võ sĩ của chúng ta, thay vì di chuyển tiến lùi một cách thoải mái, thì lại bị ép phải di chuyển liên tục sang ngang trong mỗi lần đôi công để tránh sự đe dọa của những quả móc sườn, cũng như những cú đá cao được gài theo đòn bodyshot. 

Trong trường hợp của võ sĩ này, việc di chuyển sang ngang là một ‘động tác lạ’. Anh ta dành hàng giờ để rèn luyện thể lực, cũng như bộ pháp phòng thủ tiến, lùi của mình. Nếu trận đấu diễn ra theo chiều hướng chỉ có tiến và lùi, dĩ nhiên võ sĩ này sẽ không bao giờ, hoặc ít gặp phải vấn đề hao hụt thể lực. Song, việc liên tục bị dồn ép di chuyển sang ngang- một ‘động tác lạ’, đã khiến hàng rào phòng thủ của anh này bị ‘lỗi nhịp’. Cơ thể, do phải ‘gồng gánh’ để thích nghi với một động tác hoàn toàn mới, đã ngốn một lượng calories trên mức bình thường. Điều này đương nhiên sẽ dẫn đến hao hụt thể lực.

Tương tự, sự ‘phấn khích một cách quá mức’ trong tấn công cũng là một thủ phạm chính gây ra hiện tượng hụt hơi trong thi đấu. Cơ thể võ sĩ có thể đã quen với việc đánh bao, đánh pad hàng ngày ở phòng tập ở một nhịp độ nhất định, nếu trận đấu diễn ra ở nhịp độ đó, anh ta chắc chắn sẽ không phải chịu hiện tượng ‘hụt hơi’. Thế nhưng, những áp đảo ban đầu lên đối thủ, hay sự nôn nóng kết thúc trận đấu, có thể sẽ khiến võ sĩ này tung ra những đòn đánh ở tốc độ cao hơn, dồn lực nhiều hơn mức mà cơ thể anh đã thích nghi, dẫn đến việc hao mòn thể lực vì ‘động tác lạ, cơ thể chưa quen’.

Để khắc phục vấn đề này, ngoài việc tăng cường rèn luyện thể năng, võ sĩ cũng cần phải giữ cho mình một cái đầu lạnh để tránh ‘động tác lạ’. Điều này cần một sự đầu tư khá lớn về thời gian, và phải hy sinh khá nhiều ‘cái tôi cao ngạo’. ‘Đúng- Đủ- Hiệu quả’ bao giờ cũng chiếm ưu thế tuyệt đối trước ‘Nhanh- Mạnh- Áp đảo’.

Max Holloway (phải) là một mẫu võ sĩ điển hình cho việc áp dụng 3 Nên (Đúng- Đủ- Hiệu quả). Trong các trận đối đầu với Brian Ortega (trái) và Jose Aldo (2 trận toàn thắng), anh đã chứng minh sự đúng đắn của chân lý này. Không cần đấm mạnh, chỉ cần đấm trúng. Không cần đấm nhanh, chỉ cần đấm đủ. Không cần cố áp đảo, vì sự hiệu quả đã chính là một áp đảo rồi !

Clinch fighting - Ôm vật là... võ lưu manh?

‘90% of fights end up on the ground’ - "90% các trận đấu đều kết thúc dưới sàn", đây là câu khẳng định chắc nịch của Rener Gracie khi quảng bá cho chương trình học võ online Gracie University của mình. Đây cũng là câu cửa miệng của hàng loạt các grapplers, khi họ nói về vấn đề thực chiến cũng như thi đấu MMA. Liệu ‘định lý’ này có đúng?

Đúng thật! Nhưng đúng ở 20 năm về trước!

Ngày nay, với sự xuất hiện của các võ sĩ xuất sắc ở cả striking lẫn grappling, việc tiếp cận rồi đưa được họ về địa chiến, quả thật khó hơn lên trời. Thế nhưng, có một sự thực hiển nhiên nhưng ít ai để ý: mọi cú đánh hụt đều dẫn tới ôm vật clinch, mọi nỗ lực takedown khi thất bại đều dẫn tới clinch, khi một võ sĩ không còn đủ sức chống đỡ, anh ta cũng cố gắng để… clinch.

Clinch ở đây, chính là mấu chốt của vấn đề khi nó đóng vai trò quan trọng trong cả tấn công lẫn phòng thủ. Đây là một kỹ năng phải học và phải học thật giỏi, nếu bạn có ý định lấn sân lên sàn MMA.

Thần Thoại Võ Lâm Randy Couture (trái) là một bậc thầy clinch fighting. Nhờ kỹ năng dirty boxing cùng với khả năng kiểm soát, quật ngã đối thủ từ vị trí clinch của mình, ông đã chiến thắng những đối thủ sừng sỏ có lợi thế thể hình cũng như sức khỏe vượt trội.
Anh giáo làng Pinoy Anh Hùng Eduard Folayang (quần đỏ bóng), khéo léo sử dụng kỹ năng ép lồng trong clinch fighting để vô hiệu hóa ưu thế sải tay cũng như bào mòn thể lực của tay đấm mới nổi Singapore Amir Khan.
Anh mập Daniel Cormier, bằng một cú móc trong tư thế underhook của clinch fighting, đã hạ gục Stipe Miocic, từ đó trở thành nhà vô địch 2 hạng cân thứ hai của giải UFC.

Lật kèo khi bị ôm vật (Reversal), cùng Kiểm soát đối thủ trân sàn và đấm giã gạo (Ground and pound)

Như đã đề cập ở phần trước, trong một trận đấu MMA, việc ép buộc đối thủ phải tapout bằng một đòn khóa siết, là rất khó, và nhiều khi không khả thi, kể cả đối với những grappler lừng danh tầm cỡ như Marcelo Garcia. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung hơn vào việc kiểm soát đối thủ và reversal nhằm tiết kiệm sức lực một cách tối đa, đồng thời bào mòn thể lực đối thủ thay vì cố gắng kết thúc trận đấu trong vô vọng.

Huấn luyện viên tên tuổi Bob Anderson hướng dẫn cách lật kèo khi bị ôm vật (Reversal). Ông chính là sư phụ của Dan Henderson và Randy Couture.

Khabib Nurmagomedov là một bậc thầy Ground and Pound, bất kể trình độ BJJ của đối thủ ra sao, khi gặp anh đều ‘tắt điện’.

Kiểm soát đối thủ trân sàn và đấm giã gạo - Ground and pound - thường bị hiểu lầm là võ lưu manh, thế nhưng nó là một trong những kỹ năng đòi hỏi sự khéo léo bậc nhất trong bộ môn MMA. Đây là một kỹ năng nhấn mạnh sự kiểm soát, cũng như ‘weight shifting’- điều chỉnh sức nặng cơ thể để dồn ép đối thủ vào thế không thể vùng vẫy. Đây là một vũ khí lợi hại khi đối đầu với các grapplers.

Tuy nhiên, để tăng mức độ hiệu quả, cũng như tránh rủi ro tiêu hao thể lực và nguy cơ submission cũng như reversal từ đối thủ. Người võ sĩ cần phải đặt "control" - kiếm soát và sự hiệu quả trong từng cú đấm lên làm ưu tiên hàng đầu.

Tôn trọng đối thủ

Tôn trọng đối thủ, ở đây là sự đánh giá cao bộ kỹ năng của họ, điều này là tối quan trọng trong thi đấu, không chỉ riêng MMA, mà còn ở bất cứ bộ môn thể thao đối kháng nào.

Sẽ là sai lầm tai hại nếu đối thủ tiếp theo của bạn là một wrestler, mà bạn lại cứ chăm chăm tập đấm vì tự phụ, rằng mình sẽ đánh gục họ trước khi họ kịp vật mình. Khi đối thủ là một wrestler/grappler, việc bạn bị họ tiếp cận, quật ngã là điều gần như 100% không thể tránh khỏi. Vậy sao không nghĩ xa hơn? Hãy luôn vạch ra cho mình những tình huống xấu nhất, chẳng hạn như: khi sprawl thất bại, mình sẽ làm gì? Khi bị mount, mình sẽ làm gì? Khi bị kiểm soát và ground and pound, mình sẽ làm gì ?

Tương tự, khi bạn là một grappler đối mặt với các kickboxers/strikers, sẽ không có chuyện họ dễ dàng để bạn tiếp cận và quật ngã, khống chế. Hãy lường trước những tình huống xấu như: kiệt sức khi vào ôm vật quá nhiều mà không thành công, hay vấn đề điều phối thể lực dựa trên thời gian mỗi hiệp, để khi quật ngã được họ xuống rồi sẽ không có vụ ‘saved by the bell’, dẫn đến thể lực suy kiệt vào các hiệp đấu tiếp theo.

Lời kết

MMA, tuy là sự tổng hợp của nhiều môn võ khác nhau, nhưng trong một thời gian dài chọn lọc, nó đã có những nét đặc trưng riêng không thuộc bất kỳ bộ môn nào đi trước. Bạn có thể là một grappler lừng danh, hay một tay đấm vàng trong làng kickbox, nhưng nếu không biết thay đổi cho phù hợp, hay toàn diện hóa bản thân, ắt sẽ chịu thất bại cay đắng khi lấn sân MMA.  

Hãy đặt mình vào vị thế của một học giả, thay vì một kẻ chinh phục. Hãy miệt mài tìm tòi khám phá thay vì giữ khư khư cái tôi vị kỉ. Hãy dành cho đối thủ một sự tôn trọng, thay vì quá tự đắc về kỹ năng của bản thân. Có được những điều trên, những chiếc đai vàng danh giá không sớm thì muộn, sẽ được khoác trên vai mình, không mời mà đến.

Nguyễn thanh anh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội