Muay-Kickboxing Thái Nguyên: Vượt muôn khó bước vào giải Quốc Gia 2020
Bàng Thị Mai – Nữ võ sĩ giành 3 HCV ở 3 giải toàn quốc, tại 3 môn võ khác nhau (Tán Thủ - Kickboxing Muay) là một trong những bất ngờ của làng võ quốc nội năm 2020.
Nhưng sự chú ý dành cho Bàng Thị Mai không đơn giản đến từ thành tích cá nhân, mà còn nằm ở việc nữ vận động viên sinh năm 1999 đến từ Thái Nguyên – một đơn vị không quá nổi bật ở các môn võ mới như Muay hay Kickbox.
Không chỉ Bàng Thị Mai, tuyển Thái Nguyên còn để lại ấn tượng khi đứng nhất toàn đoàn tại giải Kickboxing trẻ toàn quốc hồi tháng 7. Một ví dụ cho thấy hiệu quả trong công tác đào tạo vận động viên trẻ của đơn vị.
Nhưng để có được thành tích như hiện tại, tuyển Thái Nguyên đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay từ công tác tuyển chọn, Thái Nguyên cũng “chảy máu” tài năng với các đơn vị khác.
“Khó khăn của Thái Nguyên đến ngay từ công tác tuyển chọn. Bởi không chỉ chúng tôi mà các đơn vị mạnh khác như Hà Nội, Quân Đội cũng lên đây để tuyển các vận động viên trẻ về thi đấu.”
Do Thái Nguyên có các em vận động viên với thể hình phù hợp với võ đối kháng nên rất nhiều đơn vị có ưu đãi hấp dẫn. Tiềm năng nhân lực vốn đã mỏng lại chịu sự cạnh tranh từ các đơn vị khác có cơ chế, ưu đãi tốt hơn.” – HLV Đỗ Thị Thúy, huấn luyện viên đội tuyển Thái Nguyên tâm sự.
Tìm người đã khó, giữ người còn khó hơn
Bởi nhân lực mỏng, nên chuyện “sang ngang” giữa các môn võ của các vận động viên Thái Nguyên là hết sức bình thường. Nếu các đơn vị khác có đủ quân số để rải đều các giải đấu, thậm chí còn cho các đội khác “mượn quân”, thì ngược lại, Thái Nguyên gần như chỉ có một nhóm nhỏ vận động viên đánh mọi thể thức.
“Việc Kickboxing và Muay là các môn mới, nhân lực lại mỏng, các em đều sẽ thi đấu qua lại giữa nhiều môn có kĩ thuật tương tự nhau. Ví dụ như Mai, em ấy hiện tại vẫn có mặt ở các giải Võ cổ truyền – Tán Thủ - Muay – Kick khi cần thiết.” – HLV Thúy tâm sự.
“May mắn là áp lực thi đấu này mang lại hiệu quả tích cực khi Mai đều giành được HCV ở các môn mình tham gia. Các vận động viên khác cũng thi đấu nhiều môn như vậy để tăng kinh nghiệm cọ sát.”
Thi đấu nhiều, áp lực lớn nhưng ưu đãi lại không bằng các đơn vị khác khiến việc giữ chân các vận động viên ở tuyển càng trở nên khó. Đơn cử, một võ sĩ đạt cấp kiện tướng như Bàng Thị Mai nhận khoản trợ cấp khoảng 5-6 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, các khoản như bảo hiểm y tế, các em đều phải tự chi trả nếu có nhu cầu.
“Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng cô trò vẫn hay nói với nhau rằng mình là “con nhà nghèo” nên tự cố gắng.” – HLV Đỗ Thị Thúy giãi bày tâm sự cùng các học trò.
Không khó để hiểu, với một đơn vị nhỏ và chưa nhiều thành tích như Thái Nguyên, sự đầu tư cho các môn thể thao mới vẫn còn hạn chế. Trước thực tế này, huấn luyện viên Đỗ Thị Thúy hiểu, thành công ở các giải đấu sắp tới là cơ hội để đội tuyển có thể chuyển mình, nhận nhiều sự chú ý từ lãnh đạo ngành thể thao tỉnh.
“Bản thân mình là huấn luyện viên cũng kêu gọi sự ủng hộ từ ban lãnh đạo với các vận động viên, thêm cơ chế để các em có thể yên tâm thi đấu. Tuy nhiên sự thay đổi cũng khó đến trong ngày một ngày hai được, bản thân mình cũng phải tự nỗ lực.”
Tại giải Vô địch Muay Quốc gia 2020 tháng 10 tới, đội tuyển Thái Nguyên sẽ có tổng cộng 14 võ sĩ tham gia các hạng cân nam và nữ. Sau thành công tại Cúp các câu lạc bộ và Giải Kickboxing trẻ, giải vô địch quốc gia là mục tiêu tiếp theo giúp đội ghi thêm dấu ấn trong năm 2020. Xa hơn là có các võ sĩ đủ điều kiện tham dự SEA Games 31 vào năm sau.