Nghịch lý võ thuật, phòng tập càng ‘tàn’, càng có nhiều nhà vô địch
Máy móc chuyên dụng
Yếu tố đầu tiên cần phải kể đến là những máy tập, dụng cụ tập chuyên dụng chỉ dành riêng cho võ thuật. Các dụng cụ đặc biệt này vốn là những thứ “vô dụng” đối với các phòng gym thông thường. Chẳng hạn như máy đo lường cú đấm theo giai đoạn, các kỹ thuật đo lường phản xạ, các loại máy đo xung não khi nhận tín hiệu lúc đấu…
Đây là những loại thiết bị cực kỳ đắt tiền và chỉ để phục vụ duy nhất cho võ thuật. Chẳng một gymmer thông thường nào lại có nhu cầu sử dụng những bộ máy này cả. Những phòng gym lớn chỉ cần những chiếc máy đo lực đấm tượng trưng như trong các khu vui chơi để tạo điểm nhấn cho phòng tập.
Các loại máy móc kể trên chuyên dụng đến nỗi chỉ có những HLV cực kỳ cao cấp, mới có thể biết tên và biết sử dụng nó. Những người này dù kinh tế có khá giả cỡ nào, họ cũng chẳng có nhu cầu hoặc khả năng để mở những phòng tập khổng lồ hạng sang với chi phí vận hành hàng tháng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Khả năng chi trả của võ sĩ
Võ sĩ thông thường có gia cảnh khá khó khăn. Phần vì võ thuật là bộ môn đòi hỏi nhiều đánh đổi trong tuổi trẻ, độ tuổi dễ lay động nhất, do đó các võ sĩ trẻ nếu có quá nhiều con đường để đi, họ thường sẽ bỏ lỡ hoặc phí phạm mất thời gian theo đuổi võ thuật đỉnh cao. Cái nghèo và sự thiếu hụt về những cơ hội làm việc, học vấn… chính là động lực để giữ cho các võ sĩ này tập trung toàn lực vào võ thuật.
Và vì chẳng có gì để “rao bán”, các võ sĩ chỉ có thể bán sức khỏe, mồ hôi và máu, những thứ mà các phòng tập hạng sang vốn không cần. Cơ hội duy nhất của họ là những phòng tập tồi tàn.
Nhu cầu của khách hàng
Nhìn vào môn thể thao vua là bóng đá, có thể dễ dàng nhận thấy rằng ai cũng thích chơi bóng, ai cũng biết chơi bóng dù ít nhiều. Tuy nhiên, những người mong muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay trong mỗi CLB trẻ.
Võ thuật, bộ môn kém phát triển hơn bóng đá, lại đòi hỏi về sự chịu đựng cao hơn sẽ càng khó để tìm ra những người muốn đi theo võ thuật chuyên nghiệp.
Loại hình kinh doanh khổng lồ nào cũng nhắm vào việc phục vụ cho nhu cầu số đông. Thi đấu võ thuật không phải là loại nhu cầu ai cũng cần. Đó là lý do các phòng tập lớn gần như loại bỏ hẳn đối tượng này ra khỏi tệp khách hàng của họ.
Dựa vào những lý do kể trên, có thể kết luận rằng phòng tập võ chuyên nghiệp chỉ có thể duy trì được ở mức vừa và nhỏ.
Sự thật về những tay đấm “gà cưng” của các phòng tập siêu sang
Thành thật mà nói, những tay đấm dạng “gà cưng” của những phòng tập hạng sang vốn không gắn bó với CLB ấy ngay từ đầu. Họ cũng khởi đầu từ những phòng tập tồi tàn. Khi đã thành danh, có tiền bạc và danh vọng, các CLB lớn thuê họ về làm gương mặt đại diện, hoặc chỉ đơn giản là vì các tay đấm khi đó đã đủ khả năng để chi trả cho việc tập luyện ở một nơi sạch sẽ, tươm tất hơn.
Vì thế, nếu muốn theo đuổi võ thuật, đừng tìm kiếm những phòng gym với cơ sở vật chất tối tân. Hãy tìm kiếm những phòng tập vừa phải với những HLV xuất sắc.