Sự xuất hiện của VBO đem đến thay đổi gì cho Boxing Việt Nam?
Giữa tháng 7 vừa qua, bên lề sự kiện WBO Global Prelude, Công ty Vietnam Boxing Organization (VBO) đã chính thức ra mắt công chúng. Đặc biệt, VBO đã tiến hành kí kết các thỏa thuận song phương với những tổ chức trong khu vực như JBC (Nhật Bản), PBC, GAB (Philippines), KBC (Hàn Quốc).
VBO đặt ra mục tiêu giúp các võ sĩ nước nhà có thể dễ dàng ra nước ngoài thi đấu, bảo vệ quyền lợi hoặc khiếu nại khi có kết quả bất lợi. Song song đó là tạo điều kiện cho các HLV, nhà quản lý và cả các trọng tài, giám định Việt Nam có cơ hội được làm việc tại các giải đấu quốc tế.
Hiện tại ở Việt Nam, đã có những công ty quảng bá võ thuật chuyên nghiệp (Shadown Entertainment, Saigon Sports Club, Cocky Buffalo Promotions, Trigger Promotions...) làm việc với các tổ chức quốc tế về Boxing chuyên nghiệp. Dưới sự hợp tác này, một số tên tuổi đáng chú ý đã giành được các danh hiệu quốc tế như Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo, Nguyễn Thị Thu Nhi, Lê Hữu Toàn, Đinh Hồng Quân, Nguyễn Ngọc Hải...
Một điểm đáng lưu ý trong các hoạt động gần đây, chính là việc Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan chuyên quản lý các hoạt động về Boxing chuyên nghiệp, có tính kết nối với các tổ chức quốc tế.
Tại sao việc có một tổ chức chuyên nghiệp lại quan trọng đến thế?
Đầu tiên, cần làm rõ hai khái niệm "công ty quảng bá (promotions)" và "tổ chức chuyên nghiệp (pro organizations)" trong môn Quyền Anh.
Các đơn vị kể trên tại Việt Nam vẫn đang hoạt động dưới hình thức công ty quảng bá, sản xuất các sự kiện và mời những tổ chức quốc tế về giám sát các trận đấu. Các công ty quảng bá vẫn có những võ sĩ do họ đào tạo, quản lý hoặc đại diện tham gia những sự kiện này.
Điều này, vô hình chung có thể tạo ra một mối quan ngại về tính công bằng trong các trận đấu. Liệu các võ sĩ "chủ nhà" thuộc công ty quảng bá tổ chức sự kiện, có được ưu ái hơn khi tìm đối thủ (lên kèo), hay khi kết quả trận đấu cần tới bảng điểm, dù cho đội ngũ trọng tài có thể là những cán bộ quốc tế. Lúc này, tính công bằng là điều sẽ được đem ra bàn luận.
Trái lại, tổ chức chuyên nghiệp ở thị trường Boxing quốc tế đóng vai trò trung gian: cấp phép, công nhận các trận đấu và danh hiệu, cung cấp lực lượng trọng tài, cán bộ kĩ thuật chuyên môn cho các sự kiện được tổ chức. Lúc này, các tổ chức chuyên nghiệp là bên đảm bảo tính chuyên môn và công bằng cho từng trận đấu.
Uy tín hợp tác quốc tế
Như đã đề cập ở trên, VBO đã tiến hành kí kết các thỏa thuận song phương với những tổ chức của các quốc gia có nền Boxing hàng đầu trong khu vực.
Để "hợp tác" thực sự có hiệu quả, VBO hướng tới việc tạo dựng một thị trường Boxing tại Việt Nam theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp trong mọi yếu tố: võ sĩ, huấn luyện viên, trọng tài, giám định, nhà quản lý, cán bộ. Từ đây, lực lượng nhân sự được công nhận bởi các tổ chức từ những quốc gia khác sẽ giúp tăng tính "quốc tế" của Boxing Việt Nam. Việc các nhân sự của chúng ta tham gia vào những sự kiện mang tính quốc tế sẽ được chính thức chấp nhận, tăng cường uy tín của nền Boxing Việt.
Nói cách khác, mục tiêu của VBO là đóng vai trò như một "đại sứ ngoại giao" của Boxing Việt Nam. Các giải đấu, sự kiện có thể được đặt tại Việt Nam nhiều hơn, tạo thêm cơ hội thi đấu cho các võ sĩ.
Hiện tại, VBO đang tham gia cấp chứng chỉ cho những võ sĩ tham gia thi đấu ở chuỗi sự kiện VSP Pro - đêm thi đấu Boxing chuyên nghiệp thường kì diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Các trận đấu tại VSP Pro được đặt dưới sự giám sát song song của đội ngũ chuyên gia từ VBO, cùng với KBC, WBO (Tổ chức Quyền Anh Thế giới), đây là tiền đề để xây dựng một tiêu chuẩn cho Boxing chuyên nghiệp.
Danh sách các trận đấu tại VSP Pro 6:
63,5kg: Phan Minh Quân vs. Đàm Ngọc Đức
61kg: Đoàn Văn Hiệu vs. Nguyễn Hoàng Quốc Huy
61kg: Nguyễn Hà Minh vs. Lê Nguyễn Hoàng Long
55kg: Lê Hoàng Hiệp vs. Nguyễn Ngọc Thắng
61kg: Hoàng Thùy Linh vs. Ngô Thanh Nhã
63,5kg: Thái Hoàng Huy vs. Phạm Minh Thắng
63,5kg: Trần Tấn Quang Đạo vs. Nguyễn Khắc Dũng