"Thiếu sự liên kết" - Nỗi niềm ông bầu Kim Sang Bum với Boxing chuyên nghiệp Việt Nam
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Boxing Việt Nam chứng kiến quá trình chuyên nghiệp – xã hội hóa mạnh mẽ. Những trận đấu, sự kiện chuyên nghiệp được tổ chức, đặc biệt, nhiều đai vô địch quốc tế đã được trao cho các võ sĩ Việt Nam.
Để phân biệt tính “chuyên nghiệp” và “bán chuyên” của Boxing, không nên chỉ hiểu rằng đây là sự chênh lệch về trình độ võ sĩ, mà phần chính nằm ở cách thức vận hành.
Với boxing “bán chuyên”, võ sĩ hoạt động dưới sự quản lý của các đội tuyển tỉnh, thành, ngành hoặc quốc gia, thi đấu các giải thuộc hệ thống AIBA, Olympic. Thu nhập chính của các võ sĩ sẽ tính theo lương – trợ cấp hàng tháng tùy theo chính sách từng đơn vị, cùng với số tiền thưởng thi đấu theo mỗi giải.
Ở boxing “chuyên nghiệp”, “nhà nghề”, võ sĩ kí hợp đồng với đại diện hoặc công ty quản lý. Những chủ thể này có nhiệm vụ tìm kiếm các trận đấu, thương thảo hợp đồng, tổ chức sự kiện, tìm nguồn tài trợ, đơn vị truyền thông, phương thức phát hành các trận đấu… tất cả các hình thức có thể mang lại lợi nhuận. Từ đây, thu nhập của võ sĩ sẽ được chia theo tỉ lệ hợp đồng với đơn vị mà họ hợp tác.
Có thể thấy, cách quản lý của một đơn vị boxing chuyên nghiệp yêu cầu lượng công việc lớn và phạm vi hoạt động rộng hơn nhiều so với boxing bán chuyên, nhằm tạo ra được thu nhập cho tất cả các bên. Không có khoản tiền “cứng” hay chính sách thường kì nào được “rót” xuống như hình thức boxing bán chuyên, tất cả đều đến từ các hoạt động kinh doanh, nơi những trận đấu, hình ảnh võ sĩ là sản phẩm.
Bù lại, nếu có thể tận dung quy mô thị trường và thị hiếu khán giả, boxing chuyên nghiệp có thể mang tới lợi nhuận lớn. Điển hình như các thị trường Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản, các trận đấu có thể thu về lợi nhuận từ hàng chục nghìn, thậm chí lên tới hàng trăm triệu đô la.
Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có một số đơn vị thực hiện mô hình chuyên nghiệp hóa ở môn Boxing như Cocky Buffalo, Saigon Sports Clubhay gần đây là VSP Boxing.
Đã có nhiều năm kinh nghiệm làm công việc đào tạo và quản lý, ông bầu Kim Sang Bum – người sáng lập Công ty TNHH Cocky Buffalo có những góc nhìn riêng về hành trình phát triển Boxing chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Kim, một trong những vấn đề mà Cocky Buffalo thường gặp nhất, chính là cơ hội tìm kiếm võ sĩ, mà theo ông một phần đến từ sự liên kết còn chưa chặt chẽ giữa hai hình thức – đơn vị quản lý.
“Tôi hy vọng sẽ sớm có một hệ thống quản lý có để liên kết các hệ thi đấu lại, điều này không chỉ giúp cho tôi (người quản lý và đào tạo) mà còn giúp cho võ sĩ trên đất nước của các bạn ngày một phát triển.” – Ông Kim chia sẻ.
“Bởi hiện tại, tôi phải đi tìm kiếm võ sĩ thông qua những giải đấu tại Việt Nam. Nhưng như bạn thấy, cũng không có quá nhiều giải đấu để tôi có thể thực hiện tốt việc này. Tôi khó có thể làm điều đó mà không có sự hỗ trợ hay đồng thuận của các ban ngành chuyên môn Quyền Anh.”
Tại Việt Nam, hiện tại có 3 giải đấu cấp Quốc gia bao gồm: Giải trẻ toàn quốc, Giải Cúp các Câu Lạc Bộ và giải Vô địch toàn quốc. Ngoài ra, các địa phương còn có những giải đấu cấp tỉnh – thành phố.
Thông thường, ở mỗi giải đấu, các võ sĩ chỉ đấu từ 2 tới 3 trận, thậm chí, nhiều tay đấm mạnh còn gặp tình trạng “không đấu vẫn Vàng” vì những đối thủ né tránh. Tình trạng này dẫn tới việc thiếu thông tin để các đơn vị tư nhân nắm bắt những tài năng trẻ, những võ sĩ tiềm năng.
Ở những nền boxing mạnh trên thế giới như Mỹ, Anh, Cuba, Nga… thực tế lực lượng võ sĩ chuyên nghiệp “đi lên” từ boxing bán chuyên vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, sự liên kết giữa các đơn vị quản lý nhà nước với các tổ chức tư nhân, sẽ giúp các bên có thể nắm thông tin nhiều hơn, những võ sĩ cũng có nhiều lựa chọn cho phương hướng phát triển sự nghiệp.
“Tôi thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Tôi là người nước ngoài nên có rất nhiều hạn chế như việc xin cấp phép tổ chức giải đấu, như tìm được nguồn tài trợ vì không có nhiều mối quan hệ.” – Ông Kim tâm sự về quá trình hoạt động boxing chuyên nghiệp trong thời gian qua.
“Vận động viên của Việt Nam thường khá e dè trong giao tiếp, nên đôi khi tôi cũng không nắm bắt được hết tâm tư của họ, đó đều là những khó khăn tôi phải vượt qua. Tôi chỉ ước nó có thể dể dàng hơn 1 chút.”
Để có thể thực sự đưa nền boxing chuyên nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, mối liên kết giữa các đơn vị bán chuyên – chuyên nghiệp, với các chính sách từ các cấp quản lý là điều cần thiết.
Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc hợp tác quản lý – đào tạo cũng đã được thực hiện. Năm 2020, một số nhà vô địch quốc gia tại Việt Nam như Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Đương đã có hợp đồng quản lý – đào tạo với VSP Boxing, được sự ủng hộ của Bộ môn Boxing – Kickboxing Tổng cục TDTT và Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam.
Hay với bản thân ông Kim Sang Bum, Cocky Buffalo hiện cũng đang có trong tay những tay đấm từng giành giải quốc gia như Sẳm Minh Phát, Nguyễn Thị Thu Nhi hay Đinh Hồng Quân.
“Tôi hy vọng những gì tôi đã làm có thể sẽ dễ dàng hơn cho các võ sĩ chuyên nghiệp sau này, và tôi cũng mong các võ sĩ chuyên nghiệp Việt Nam sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa, đổ nhiều mồ hôi hơn để có thể trở thành võ sĩ mạnh. Thua trên võ đài có nghĩa là đối thủ của bạn đã đổ nhiều mồ hôi hơn bạn. Quyền Anh chuyên nghiệp là vậy. Tôi hy vọng các Võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp sẽ chứng minh và không bỏ cuộc.
Điều cuối cùng tôi muốn nói rằng đó là một khoảng thời gian khó khăn cho tất cả mọi người do Covid 19. Tôi hy vọng rằng các VĐV sẽ chiến đấu tốt và mang lại sự thoải mái và sức mạnh cho mọi người. Mong rằng mọi người cũng sẽ ủng hộ và dành nhiều sự quan tâm cho các VĐV thi đấu với lá cờ Việt Nam trong trái tim mình. Xin cảm ơn.” – Ông Kim tâm sự.