Chơi Muay Thai: Võ sĩ thường đối mặt với những chấn thương nào?
Trong thi đấu và tập luyện Muay Thai, chấn thương là điều mà các võ sĩ không thể nào tránh khỏi. Vậy đâu là những chấn thương thường gặp nhất khi chơi Muay Thai?
Những ai biết đến môn võ Muay Thai chắc hẳn cũng sẽ biết được tính sát thương khi chơi môn võ này. Muay Thai vừa đa dạng đòn, vừa có lối đánh áp sát với những cự ly gần. Bên cạnh đó, Muay Thai còn có đòn chỏ, đòn gối - những đòn nguy hiểm và gây chấn thương cao.
Chính vì lẽ đó mà sau mỗi trận thượng đài, các võ sĩ Muay Thai hầu hết đều có dính chấn thương, chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng.
Bởi đặc trưng của Muay Thai là đa dạng đòn nên các chấn thương trong Muay Thai cũng rất đa dạng. Bài viết này sẽ đề cập đến những chấn thương thường gặp nhất trong Muay Thai:
Ngay cả "thánh Muay Thai" Buakaw cũng gặp chấn thương khi thi đấu.
Chấn thương vùng mặt:
Vùng mặt là nơi được các võ sĩ chọn làm điểm tấn công khá nhiều trong thi đấu Muay Thai. Tấn công vùng mặt giúp võ sĩ ghi được nhiều điểm, đồng thời có thể khiến đối phương choáng, hoặc tốt hơn nữa, có thể bị knockout.
Chính vì là nơi bị tập trung tấn công nên so với các vùng cơ thể khác, tần suất võ sĩ dính chấn thương vùng mặt là cao nhất. Các chấn thương vùng mặt cũng hết sức đa dạng; từ những vết cắt gần mắt, bầm mắt, chảy máu mũi, gãy mũi, cho đến các chấn thương nghiêm trọng hơn như lệch xương hàm, gãy xương hàm, lõm xương sọ trán...
Rách mí mắt là chấn thương thường gặp trong Muay Thai.
Chấn thương vùng bụng:
Vùng bụng và hai bên mạn sườn thường là mục tiêu của các đòn đá tầm trung (body kick) và đòn gối.
Đòn gối là một trong hai đòn đặc trưng của Muay Thai, cũng là đòn nguy hiểm và mang tính sát thương cao. Những cú lên gối vào vùng bụng có thể khiến võ sĩ chịu những chấn thương như: chấn thương nội tạng, tụ máu bầm vùng bụng.
Đòn body kick cũng có lực sát thương không kém. Khi trúng phải body kick, các võ sĩ thường gặp những chấn thương như bầm tím hai bên mạn sườn, rạn hoặc gãy xương sườn.
Chấn thương vùng bụng do đòn gối gây ra.
Chấn thương vùng đùi:
Đá đùi cũng là một trong những đòn được rất nhiều võ sĩ chọn làm đòn tấn công, nhất là các võ sĩ tham gia thi đấu ở Việt Nam. Điều này có sự khác biệt với các võ sĩ thi đấu Muay ở Thái Lan - họ ít sử dụng đòn đá đùi vì không được ghi điểm nhiều.
Võ sĩ bị tấn công vào vùng đùi thường gặp những chấn thương đơn giản như dập cơ, có các vết bầm tím ở đùi.
Bắp đùi bầm tím của một người tập Muay Thai
Ngoài các chấn thương do bị tấn công thì các võ sĩ Muay Thai còn gặp các chấn thương khi chủ động tấn công.
Đó là các chấn thương sau:
Chấn thương ống chân:
Khi sử dụng đòn đá tấn công, đối phương có thể dùng chân, tay để đỡ đòn (block) nên tùy vào góc độ và mức độ tấn công mà võ sĩ có thể bị bầm vùng ống chân, rạn, gãy xương ống chân.
Chấn thương ống chân là chấn thương thường gặp trong Muay Thai.
Chấn thương ở chỏ, gối:
Chỏ và gối là hai phần cứng trên cơ thể được võ sĩ Muay Thai dùng như những vũ khí trọng yếu" để tấn công đối phương. Mặc dù là phần cứng, nhưng khi va chạm với nhau bằng một lực mạnh thì chỏ, gối vẫn xảy ra chấn thương, thậm chí còn là những chấn thương không kém phần nghiêm trọng.
Chấn thương khi sử dụng đòn chỏ làm đòn tấn công.
Ngoài các chấn thương kể trên thì còn một số chấn thương khác như: chấn thương mu bàn chân, mắt cá chân hay kể cả... kẽ chân đôi khi cũng dính chấn thương bởi tung ra những cú đá.
Chấn thương kẽ ngón chân của Buakaw hồi 10/3, khi đấu với Joney Risco.
Để phòng tránh các chấn thương trên thì trong tập luyện các võ sĩ cần mang bảo hộ đầy đủ, kết hợp khởi động kỹ và bôi Vaseline để giảm ma sát. Còn trong thi đấu, cách duy nhất để hạn chế chấn thương là võ sĩ phải tập luyện thật chuyên và thật chăm để nâng cao trình độ - kỹ thuật. Có vậy, lúc lên đài mới đỡ bị "bem"!
Chúc cả võ sĩ tập luyện và thi đấu tốt!