Hợp đồng của một võ sĩ UFC sẽ có những gì?
Là giải MMA hàng đầu thế giới, UFC (dưới sự quản lý của WME-IMG) có những hợp đồng rất chặt chẽ và chuyên nghiệp với các võ sĩ để đảm bảo quyền lợi cả hai bên.
Các võ sĩ UFC thường không nhận được những bản hợp đồng giống nhau. UFC nghiên cứu rất kỹ các võ sĩ và tiềm năng của họ trước khi ký hợp đồng và đặt ra các điều khoản lợi nhuận chính xác với những gì họ kỳ vọng có thể khai thác được từ võ sĩ ấy.
Nick Diaz ký hợp đồng mới với UFC hồi 2014 khi anh trở lại sau một thời gian dài thi đấu ở các giải khác.
Ngoài ra, tùy tình hình của mỗi võ sĩ mà bên cạnh các con số, các điều khoản khác cũng có thể thay đổi, chẳng hạn như cam kết hỗ trợ giấy phép xuất nhập cảnh cho các võ sĩ ở những quốc gia khác nhau.
Bên cạnh những điều khoản hiển nhiên như quyền quản lý võ sĩ, các điều khoản chu cấp bảo hiểm... hợp đồng của UFC với các võ sĩ có những điều thú vị sau đây.
Có thể bạn không biết: Ben Nguyễn là một trong số rất ít võ sĩ được UFC để mắt và ký hợp đồng chỉ vì... một video clip trên Youtube khi anh đánh bại võ sĩ xăm trổ đầy mình - người đã cực kỳ "hổ báo" với anh tại buổi cân chính thức.
Bí mật hợp đồng
Điều thú vị nhất rằng ngay trong những dòng đầu tiên, UFC đã yêu cầu các võ sĩ có trách nhiệm giữ bí mật hợp đồng. Tuy không có lời giải thích nào thêm trong hợp đồng nhưng nhiều người cho rằng UFC làm thế để tránh việc các thương hiệu khác học theo và phát triển kỹ năng quản lý giải đấu.
Sau rất nhiều bất đồng với UFC, huyền thoại Randy Couture là một trong số ít võ sĩ quyết định rời bỏ giải đấu và công khai toàn bộ hợp đồng.
Các khoản lợi nhuận chính xác và rõ ràng
Võ sĩ UFC không được trả lương theo tháng mà được trả theo các "gói" trận đấu với giá trị và thời hạn khác nhau, chẳng hạn tối thiểu (nếu thua cuộc) 40.000 USD cho mỗi trận, 5 trận trong vòng 2 năm.
Điều đó có nghĩa rằng nếu võ sĩ ký hợp đồng này, võ sĩ có quyền được sắp xếp thi đấu 5 trận trong vòng 2 năm, và dù có thua cả 5 trận, anh ta vẫn nhận đủ 40.000 USD cho mỗi trận. Sau 2 năm, nếu UFC chỉ thu xếp được 4 trận đấu, công ty Zuffa vẫn phải trả 40.000 USD cho trận đấu thứ 5 cộng thêm tiền đền bù.
Trong khi các siêu sao thoải mái kiếm hàng triệu đô chỉ trong vài năm nhờ tiền pay-per-view thì các võ sĩ ít tên tuổi hoàn toàn phụ thuộc vào con số chắc chắn mà UFC ký trong hợp đồng.
Hợp đồng UFC còn quy định rõ việc nếu các võ sĩ thắng liên tục các trận, số tiền thưởng cũng sẽ tăng theo.
Chẳng hạn, trong hợp đồng đầu tiên giải MMA hàng đầu thế giới ký với Eddie Alvarez (và cũng là một trong số rất ít hợp đồng bị lộ ra ngoài), Alvarez được hưởng 70.000 USD nếu thắng trận đầu tiên và cộng thêm 5.000 USD theo mỗi trận thắng kế tiếp theo đó.
UFC đề nghị giữ kín hợp đồng cũng một phần để tránh các giải đấu khác "săm soi" võ sĩ của mình và lên kế hoạch chi tiền tuyển mộ.
Bên cạnh đó, tiền bản quyền truyền hình (pay-per-view) cũng được quy định chính xác.
Đây cũng là một trong số các điều lệ không hề có sự khác biệt giữa các võ sĩ, bởi lẽ dù họ hưởng phần trăm "hoa hồng" như nhau nhưng sẽ có được lợi nhuận khác nhau tùy vào số lượng người xem.
UFC quy định võ sĩ được nhận 1 USD trong mỗi đơn mua bản quyền trận đấu nếu như trận đấu đấu đó có 200.000 - 40.000 người xem (tương đương 20.000 - 40.000 USD) và 2.5 USD nếu số khán giả vượt quá 60.000.
UFC thường chỉ ký kết các hợp đồng từ 3 đến 5 trận để tiện thay đổi khi cần thiết nếu võ sĩ ấy đột nhiên có giá trị hơn, hoặc không còn giữ được phong độ đỉnh cao.
Khi đã kết thúc một hợp đồng, UFC và võ sĩ hoàn toàn không còn bất cứ sự ràng buộc. Võ sĩ ấy hoàn toàn có quyền rời khỏi giải đấu và cách duy nhất để giải MMA hàng đầu thế giới giữ chân võ sĩ là tăng giá trị ở hợp đồng tiếp theo.
Sự thất bại của CM Punk là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về lý do vì sao UFC không dám ký các hợp đồng dài hạn
Các điều luật về việc "sử dụng" võ sĩ
Vì là một giải đấu có lợi nhuận khá lớn so với mặt bằng chung của thế giới MMA nên UFC khá độc tài trong vấn đề bản quyền võ sĩ.
Cụ thể, công ty Zuffa và giải đấu UFC sẽ giữ toàn bộ quyền sử dụng hình ảnh, video clip và các hoạt động truyền thông - thương mại khác mà UFC tổ chức với sự tham gia của võ sĩ đó.
UFC mở hẳn một viện nghiên cứu, điều dưỡng và tư vấn tập luyện miễn phí cho tất cả võ sĩ UFC. Công ty Zuffa đã tốn hơn 14 triệu USD để xây dựng cơ sở này tại Las Vegas và thêm vài triệu USD mỗi năm để duy trì hoạt động.
Sau khi Reebok ký hợp đồng bảo hộ tài trợ với UFC, tình hình của các võ sĩ càng khó khăn hơn khi họ mất luôn quyền quảng cáo cho các thương hiệu thời trang - thể thao khác để kiếm thêm thu nhập.
Hợp đồng của Reebok ký với UFC hồi 2014 đã chấm dứt hoàn toàn cái thời mà các võ sĩ MMA có thể thoải mái đi làm "người mẫu" cho các thương hiệu đồ thể thao như Badboy, Hayabusha...
May mắn là các võ sĩ hoàn toàn không phải bỏ tiền túi ra tham dự các sự kiện ấy. Mọi buổi chụp ảnh, ghi hình để làm trailer, poster hay các cuộc họp báo... đều có khoản tiền tài trợ hoàn toàn chi phí đi lại, nghỉ ngơi và ăn uống cho các võ sĩ.
Không ai biết rõ liệu có thêm khoản "bồi dưỡng" nào hay không nhưng chắc chắn các võ sĩ phải tự giác tham gia các hoạt động này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lợi nhuận pay-per-view của trận đấu.
Ngoài ra, các võ sĩ phải luôn thông báo trước mọi hoạt động cá nhân của họ như đi du lịch, chăm sóc y tế, chuyển nhà, trả lời phỏng vấn hay tham gia các hoạt động xã hội cá nhân.
Kể cả cuộc gặp gỡ người hâm mộ tại Dagestan, Khabib Nurmagomedov vẫn phải gửi một tin nhắn thông báo cho người phụ trách quản lý mình. Tuy không phải xin phép nhưng các võ sĩ có trách nhiệm báo cáo cho UFC biết mình đang ở đâu, làm gì.
Quyền sa thải võ sĩ
Theo hợp đồng, UFC nắm quyền linh động trong việc xử lý những tình huống tiêu cực của võ sĩ, trừ các trường hợp như bị phát hiện chất cấm (do Ủy ban phòng chống doping Mỹ quản lý) hay phạm pháp (do cảnh sát địa phương hay quản lý).
Các yếu tố như thua trận liên tiếp, từ chối họp báo, từ chối trận đấu không rõ lý do, yêu cầu tạm ngưng hoạt động do chấn thương (sẽ có cơ quan y tế do công ty Zuffa chỉ định để kiểm tra) thường không trực tiếp dẫn đến việc sa thải võ sĩ.
Thay vào đó, UFC sẽ ghi lại mọi "điểm trừ" này, so sánh với giá trị của võ sĩ và cân nhắc phương án "nhẫn nhịn cho qua" (như với Conor McGregor) hay sa thải thẳng tay, và quyền đó thuộc về giải MMA hàng đầu thế giới.
Từng bị cảnh sát ốp còng, hai lần bị phát hiện chất cấm và vô số lần cố tình phạm lỗi trên võ đài, nhưng Jon Jones vẫn chưa bị sa thải vì anh vẫn là gương mặt hái ra tiền của UFC. Nếu một võ sĩ dưới top 10 vi phạm những điều trên, thậm chí anh ta có thể không kịp hoàn thành số trận trong hợp đồng của mình trước khi bị đuổi.
Chuyên nghiệp, gắt gao nhưng cũng đầy sự linh động và quyền tự chủ, UFC đã thể hiện rất cả những điều đó trong các bản hợp đồng. Đó cũng chính là những gì đã làm nên giải MMA hàng đầu thế giới ngày nay.