Sự khác biệt của những bộ luật MMA trên thế giới (Phần 1): Soccer-kick

thứ sáu 14-8-2020 22:40:00 +07:00 0 bình luận
Mặc dù cũng trên danh nghĩa “võ tổng hợp”, nhưng không phải lúc nào các giải đấu MMA trên thế giới cũng sử dụng chung một bộ luật giống nhau.

Sau hơn 25 năm phát triển, MMA (mixed martial arts hay võ tổng hợp) đã trở thành một hình thức thi đấu phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như như những bộ môn thi đấu khác, mỗi giải đấu MMA lại trải qua thời kì thay đổi và sử dụng các bộ luật khác nhau.

Nổi tiếng nhất trong làng MMA chắc chắn là UFC. Ở giai đoạn đầu từ năm 1993 – 2000, các sự kiện UFC liên tục áp dụng những luật thi đấu khác nhau. Từ việc thi đấu không luật (được phép túm tóc, đánh hạ bộ, đánh gáy…) cho tới thi đấu không giới hạn thời gian, MMA lúc đó được ví như hình thức thi đấu “hoang dã như thời Trung cổ”. Mặc dù sau đó, UFC có đưa ra những hạn chế tuy nhiên vẫn rất tùy tiện qua từ sự kiện, vẫn còn tồn tại những hình ảnh thiếu thông nhất về trang phục thi đấu, bảo hộ hay các kĩ thuật bị đánh giá là phi thể thao.

Bộ luật thống nhất MMA được sử dụng bởi UFC

Bắt đầu áp dụng từ sự kiện UFC 28 năm 2000, UFC sử dụng “Bộ luật MMA thống nhất” (Unified Mixed Martial Rules) được đề xuất bởi Ủy ban Thể thao bang New Jersey. Bộ luật sau này nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội Quyền Anh (ABC) và được áp dụng trên toàn khu vực Bắc Mỹ. Đây được xem như cánh cửa chính thức giúp UFC nhận được sự đồng thuận tổ chức của các bang. Và cá nhân nổi bật nhất trong việc xây dụng bộ luật này chính là trọng tài UFC “Big John” McCarthy.

“Big John” McCarthy là người góp công lớn trong việc xây dựng một bộ luật MMA hoàn chỉnh. (Ảnh: ESPN)

Luật thi đấu 5 phút/hiệp, quy định trang phục thượng đài hay các đòn cấm, Bộ luật Thống nhất MMA còn liên tục có những điều chỉnh. Tất cả đều với mục tiêu đưa MMA trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt khán giả, tránh khỏi những đánh giá như một hình thức thi đấu “muốn đánh thế nào cũng được”. Hiện tại, các giải MMA ở Bắc Mỹ như BELLATOR, PFL, LFA… hay các giải MMA Châu Âu như Cage Warriors, KSW, M-1 Global cũng sử dụng Bộ Luật MMA thống nhất.

ONE Championship, PRIDE Fighting Championship và soccer-kick

Là những đối trọng của UFC tại Châu Á, PRIDE FC và ONE Championship cũng sử dụng những bộ luật khác biệt với đối thủ của mình ở Bắc Mỹ. Đặc biệt nhất, khán giả vẫn còn nhớ tới luật thi đấu không kém phần bạo lực của PRIDE FC.

Khi UFC đã bỏ các đòn chân vào đầu đối thủ khi đang nằm, thì PRIDE FC tại Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì các kĩ thuật này. Khán giả không hề hiếm gặp hình ảnh những đòn đá “sút bóng” (soccer kick), “giậm đầu” (stomps)… vào đầu đối thủ khi đang nằm. Ác liệt là vậy, thế nhưng PRIDE FC lại cấm các võ sĩ sử dụng kĩ thuật cùi chỏ - một thứ vũ khi hữu hiệu trên sàn đấu.

Nhắc tới PRIDE là phải nhắc tới những cú soccer-kick hay stomps. (Ảnh: SciFighting)

Sử dụng luật thi đấu có phần khó hiểu và dị biệt, PRIDE FC giữ chân khán giả bằng chính yếu tố khốc liệt. Sử dụng đài dây, cho phép “soccer-kick” và “stomp” khiến các võ sĩ không dám câu giờ bằng việc nằm sàn như những đồng nghiệp tại Mỹ.

Ngoài ra, việc kiên quyết giữ luật thi đấu 10 phút cho hiệp đầu tiên và 5 phút cho 2 hiệp sau cũng khiến các võ sĩ ở PRIDE phải có thể lực cực kì tốt. Hoặc ngược lại, họ phải tìm cách hạ gục đối thủ thật nhanh trong hiệp đấu đầu tiên để tránh việc “cạn pin” khi 10 phút đầu tiên trôi qua. Những cái tên như PRIDE như Fedor Emelianenko, Shogun Rua hay Wanderlei Silva đã trở nên nổi tiếng với lối đánh “chém đinh chặt sắt” như vậy.

Thế hệ các lão tướng ở PRIDE được nhớ tới với lối đánh càn quét kết thúc nhanh. (Ảnh: Fight Sports)

Hình thành khá muộn so với PRIDE và UFC, ONE Championship là giải đấu hiếm hoi kiên quyết giữ lại các đòn chân vào đầu đối thủ khi đang nằm. Điều này cũng gây được ấn tượng không nhỏ khi giải đấu bắt đầu những sự kiện đầu tiên năm 2011.

Tuy nhiên, tương tự như tình cảnh của UFC và PRIDE, ONE Championship cũng phải thừa nhận hình ảnh bạo lực của các đòn đá như soccer-kick và stomps là không còn phù hợp. Tại sự kiện ONE Championship 45 năm 2016, giải đấu này chính thức loại các kĩ thuật đá vào đầu đối thủ khi đang nằm ra khỏi hệ thống kĩ thuật cho phép của mình. Nhưng bù lại, các võ sĩ vẫn được phép tung các đòn gối trong tư thế tương tự, đây được xem như khác biệt rõ nhất giữa luật thi đấu của ONE và UFC hiện tại.

ONE Championship vẫn cho phép võ sĩ tung đòn gối vào đầu đối thủ đang nằm. (Ảnh: ONE Championship)

Hơn 25 năm tồn tại, MMA được xem như “hình thức thi đấu” cũng bởi vì tính mở của nó. Không có kĩ thuật tiêu chuẩn mà chỉ “cấm các đòn đánh”, chính yếu tố này đã tạo nên sự đa dạng và phát triển không giới hạn của MMA.

Bên cạnh những bộ luật MMA mà các giải đấu nổi tiếng đang sử dụng, đã có những tổ chức MMA nghiệp nổi lên như IMMAF hay GAMMA. Sử dụng bộ luật nhiều hạn chế hơn, chặt chẽ hơn trong công tác kiểm soát võ sĩ, tất cả đều dưới một mục đích chung đưa MMA trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.

Lâm Gia
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội