Top 10 trường hợp phạm luật thường gặp tại UFC

thứ ba 13-12-2016 17:56:27 +07:00 0 bình luận
Nhiều khán giả vẫn không mấy quen thuộc với những đòn cấm, bởi UFC từng quảng cáo rằng những trận MMA không có một luật lệ nào hết.

Nhiều khán giả vẫn không mấy quen thuộc với những đòn cấm, bởi UFC từng quảng cáo rằng những trận MMA không có một luật lệ nào hết. Thực tế, cùng với sự phát triển của môn thể thao này, có đến 31 trường hợp ra đòn bị liệt vào danh sách vi phạm. Dưới đây là 10 trường hợp phạm luật thường gặp nhất tại UFC.

1. Đòn trúng vùng háng

Edson Barboza đá Paul Felder tại UFC on FOX 16

Ra đòn trúng vùng háng, kể cả đấm hoặc đá (low blow) là trường hợp bị xử phạt thường thấy nhất trong lồng sắt UFC.

Theo luật, mọi pha ra đòn vào vùng háng của đối thủ đều không được phép. Khi một võ sĩ bị đá trúng háng, trọng tài sẽ cho dừng trận đấu (Time-out) trong tối đa 5 phút. Nếu võ sĩ cảm thấy ổn trước thời gian đó, trọng tài có thể bắt đầu trận đấu trở lại. Nếu không, trận đấu sẽ dừng lại với kết quả No Contest hoặc xử thua (Disqualified) cho võ sĩ ra đòn phạm luật.

Clip Michael Bisping đá vào háng của Yoshihiro Akiyama tại UFC 120:

>

2. Chọc mắt

Travis Browne chọc mắt Fabricio Werdum tại UFC 203

Chọc vào mắt đối thủ (eye gouging, eye poking) cũng là một trong những trường hợp phạm luật rất nhiều tại UFC.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của cú chọc mắt, trận đấu sẽ được tạm hoãn (Time-out kéo dài 5 phút), kết thúc với TKO (nếu đòn chọc mắt không cố ý và võ sĩ bị chọc mắt không thể thi đấu tiếp) hoặc xử thua (Disqualified) cho võ sĩ ra đòn phạm luật nếu đòn chọc mắt được xác định là cố ý.

Để tránh tình trạng này, gần đây UFC đã phải ra một điều luật mới cấm các võ sĩ để mở bàn tay khi tiếp cận và tấn công đối thủ. Luật mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2017.

3. Móc bằng ngón tay

Bryan Caraway fish hook vào miệng Erik Perez tại UFC FN 42

Móc bằng ngón tay vào miệng, mũi, thậm chí là mắt (fish hook) và móc ngón tay vào vết thương hở miệng của đối thủ hoàn toàn bị cấm tại UFC.

Thông thường những trường hợp fish hook sẽ không gây thương tích, nên một khi trọng tài phát hiện một võ sĩ sai luật, trọng tài sẽ đợi đến hết hiệp để thông báo cho ban giám khảo trừ điểm của võ sĩ phạm luật. Nếu hậu quả của cú móc rất nghiêm trọng hoặc bị cố tình lặp lại nhiều lần, trọng tài có quyền trực tiếp thông báo trừ điểm hoặc chấm dứt trận đấu và xử thua (Disqualified) cho võ sĩ ra đòn phạm luật.

4. Đánh vào gáy của đối thủ

Clip Brock Lesnar đấm vào gáy Frank Mir tại UFC 81:

>

Trong trận đấu, các võ sĩ đôi khi sẽ nhận cảnh cáo không được đánh vào gáy của đối thủ. Nhận đòn vào vùng gáy là điều hết sức nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho cột sống cổ và hệ thống thần kinh trung ương, do đó mọi đòn đánh vào vùng gáy bị cấm.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của đòn đánh, trọng tài có thể có các trường hợp xử lý:

(1) Đợi đến hết hiệp để thông báo cho ban giám khảo trừ điểm của võ sĩ phạm luật;

(2) Cảnh cáo tại chỗ;

(3) Trường hợp nghiêm trọng hơn, trọng tài có thể yêu cầu tạm hoãn trận đấu (Time-out), trừ điểm trực tiếp của võ sĩ phạm luật (như trường hợp của trận Lesnar - Mir 1)

5. Quăng đối thủ xuống sàn mà đối thủ tiếp đất bằng đầu hoặc cổ theo phương thẳng đứng

Clip Randleman đập Fedor Emelianenko xuống sàn bằng suplex:

>

Quăng đối thủ xuống sàn mà để đối thủ tiếp đất bằng đầu hoặc cổ (spike, piledriving) từng là những đòn được phép tại PRIDE, nhưng đã bị cấm tại UFC. Nguyên nhân của đòn cấm này vẫn là do sự nguy hiểm của những chấn thương vùng cổ - gáy và đầu.

Trong trường hợp đòn "spike" diễn ra, trận đấu sẽ được tạm ngừng (Time-out). Tùy vào trạng thái của đối thủ và quyết định của trọng tài, võ sĩ phạm lỗi có thể bị trừ điểm, hoặc xử không có kết quả (No Contest) hoặc xử thua (Disqualified).

Một số đòn quăng khác như đòn suplex, thường được thực hiện với việc vai/gáy của đối thủ chạm mặt sàn hay đòn German suplex để lưng/gáy của đối thủ chạm mặt sàn vẫn chưa hoàn toàn bị cấm tại UFC. Nhưng thực tế những đòn này hiếm khi xảy ra, và mức độ cao nhất mà trọng tài có thể làm là nhắc nhở khi có võ sĩ thực hiện suplex.

6. Húc đối thủ bằng trán

 Darren Stewart (trái) húc vào mũi Francimar Barroso (phải) tại UFC FN 100

Húc đối thủ bằng trán (Headbutt) là được phép tại các giải Vale Tudo, nhưng bị cấm tại UFC và các giải MMA Mỹ khác như Bellator, WSOF.

Có nhiều lý do khiến việc húc bằng trán bị cấm. Đầu tiên là do các võ sĩ có thể bị những vết cắt sâu trên mặt. Tiếp theo là nguy cơ bị chấn động não sau những cú húc. Cuối cùng là do xu hướng của các khán giả Âu Mỹ cho rằng việc húc đối thủ bằng đầu "không có tính kỹ thuật" và "biến MMA giống như một trận đấu đường phố hơn là một môn thể thao".

Thực tế, những vụ húc đầu trong các trận đấu MMA thường xảy ra rất nhanh, nhiều trường hợp trọng tài không thể bắt kịp. Điển hình là vụ Darren Stewart húc vào mũi Francimar Barroso tại UFC FN 100. Trọng tài không hề biết khi Stewart húc vào mũi Barroso lúc thực hiện takedown, kết luận thắng TKO cho Darren Stewart. Chỉ đến khi Barroso nói rằng anh đã bị húc, người ta mới xem lại những pha quay chậm và xét kết quả No Contest cho trận đấu trên.

Một cú húc mạnh có thể buộc trọng tài hoãn trận đấu (Time-out); chấm dứt trận đấu; xử không có kết quả (No Contest) hoặc xử thua (Disqualified) cho võ sĩ ra đòn phạm luật.

7. Nắm tóc 

Clip Mike Bitonio nắm tóc Bart Vale tại World Combat Championship 1:

>

Những vấn đề về tóc, ví dụ như gây vướng víu khi tập luyện hay bị nắm tóc trong khi thi đấu là một trong những lý do các võ sĩ ưa cắt tóc ngắn hoặc tết tóc sát da đầu trong lúc thượng đài. Việc nắm tóc bị cấm hoàn toàn tại UFC, bởi nó gây đau đớn và có thể khiến đối thủ chiếm lợi thế hơn trong khi khóa siết.

Khi bắt được một võ sĩ phạm lỗi nắm tóc, trọng tài có thể đợi đến hết hiệp để thông báo cho ban giám khảo trừ điểm hoặc cảnh cáo tại chỗ và trừ điểm trực tiếp của võ sĩ phạm luật.

8. Chỏ cắm 12-6

Clip Jon Jones ra đòn chỏ phạm luật trong trận đấu với Matt Hamil:

>

Chỏ cắm 12-6 là đòn cấm gây tranh cãi rất nhiều trong thời gian gần đây.

Được định nghĩa là "đòn chỏ có quỹ đạo thẳng đứng hướng xuống dưới, khuỷu tay di chuyển từ số 12 xuống số 6 theo kim đồng hồ", chỏ cắm là đòn có tính sát thương rất lớn.

Tuy nhiên, theo luật, không phải đòn chỏ cắm nào cũng bị cấm: UFC chỉ cấm chỏ cắm 12-6. Trên thực tế, nếu võ sĩ hơi nghiêng người đi trong khi thực hiện chỏ, đòn chỏ cắm 12-6 sẽ biến thành chỏ cắm chéo 11-5 hay 1-7 hợp lệ. Chỏ cắm theo phương ngang, tức từ số 9 đến số 3 trên kim đồng hồ hoặc ngược lại, là hợp lệ. Do đó rất ít khi các võ sĩ bị bắt bởi vi phạm lỗi chỏ cắm 12-6.

Lỗi chỏ cắm 12-6 có thể buộc trọng tài hoãn trận đấu (Time-out); chấm dứt trận đấu; xử không có kết quả (No Contest) hoặc xử thua (Disqualified) cho võ sĩ ra đòn phạm luật.

9. Ra đòn vào đầu của võ sĩ đã ở trạng thái quỳ hoặc bò dưới sàn

Clip Michael Bisping lên gối vào đầu của Jorge Rivera tại UFC 127:

>

Việc đá, đạp và lên gối vào đầu của võ sĩ đã ở trạng thái quỳ hoặc bò dưới sàn (Grounded Opponent) từng được cho phép tại PRIDE và ONE FC nhưng bị cấm tại UFC. Gần đây, ONE FC cũng cho biết sẽ cấm soccer kick (đòn đá có tư thế tương tự như cầu thủ sút bóng).

Những đòn này bắt đầu bị cấm tại UFC từ năm 2000, sau khi các nhà làm luật cho rằng một cú đá với lực khoảng 1600 J tác động lên vùng cổ - gáy hoặc đầu của nạn nhân sẽ rất dễ gây gãy cổ. Hơn nữa, nhiều khán giả cho rằng tiếp tục tấn công vào đầu của một đối thủ đã gục là quá tàn bạo để áp dụng vào một môn thể thao đối kháng. 

Kể từ năm 2017, các nhà làm luật sẽ bổ sung thêm các chi tiết để xác định một võ sĩ ở trạng thái quỳ hoặc bò dưới sàn (grounded). Theo đó, bất cứ một võ sĩ có nhiều hơn 3 điểm chạm đất (một tay và hai chân) sẽ được tính là grounded. Điểm chạm đất thứ tư có thể là tay còn lại hoặc bất cứ bộ phận cơ thể nào khác.

Lỗi ra đòn vào đầu đối thủ đã ở trạng thái quỳ hoặc bò dưới sàn sẽ buộc trọng tài hoãn trận đấu (Time-out); trừ điểm tại chỗ và nghiêm trọng hơn là xử thua (Disqualified) cho võ sĩ ra đòn phạm luật.

10. Bám lưới sắt

Yoel Romero bám lưới trong trận đấu với Jacare Souza tại UFC 194

Đây là một trong những lỗi rất thường thấy tại UFC. Trên lý thuyết, các võ sĩ không được cố ý bám vào lưới sắt hoặc bám vào phần mút bọc phía trên lưới sắt, tuy nhiên không ít các võ sĩ đã bám lưới để có điểm tựa khi khóa siết, để chống takedown hoặc đơn giản là đứng lên sau khi trúng đòn nặng.

Thực tế lỗi bám lưới không phải là lỗi nặng, nên hiếm khi kết quả của một trận đấu lại bị ảnh hưởng bởi một võ sĩ mắc lỗi. Võ sĩ thực hiện việc bám lưới sẽ nhận cảnh cáo, bị bắt đầu trận đấu trở lại ở giữa lồng bát giác và nặng nhất là bị trừ điểm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội