Top những đòn kết liễu nhờ khóa siết uy lực phổ biến nhất MMA
Những kỹ thuật khóa siết (grappling) là không thể thiếu của các võ sĩ MMA. Dưới đây là những đòn khóa siết uy lực và phổ biến nhất giúp giành chiến thắng.
Được sử dụng rất nhiều trong lồng sắt MMA, những kỹ thuật khóa siết (grappling) là một phần không thể thiếu của các võ sĩ hiện đại. Thế nhưng vì Grappling vẫn còn tương đối xa lạ, không ít khán giả MMA vẫn phải “xoắn cả óc” mỗi khi các trận đấu chấm dứt bằng khóa siết: họ chẳng biết trận đấu đã kết thúc ra làm sao!
Dưới đây là những đòn kết liễu Submission phổ biến nhất mà ta hay gặp trên sàn MMA.
Siết cổ sau - Rear-naked choke
Đòn Siết cổ sau Rear-naked choke chiếm đến hơn một phần ba trên tổng số các pha kết liễu bằng Submission từng diễn ra tại UFC. Điều này có lý do của nó, bởi một khi đã vào khóa, cơ hội thoát ra của đối thủ là rất nhỏ.
Để thực hiện Rear-naked choke, đầu tiên một võ sĩ phải kiểm soát được phần lưng của đối thủ. Tiếp theo, khóa chặt phần hông đối thủ bằng hai chân - điều này đảm bảo đối thủ không thể giãy thoát khỏi đòn khóa. Sau đó, võ sĩ sẽ choàng một tay qua cổ đối thủ, bắt lấy cánh tay còn lại để thực hiện khóa.
Video Nate Diaz siết Conor McGregor bằng Rear-naked choke:
Với đòn Rear-naked choke, cẳng tay và cánh tay của võ sĩ tấn công sẽ chặn lại động mạch cảnh ở hai bên cổ của đối thủ, ngăn máu lên não, khiến đối phương ngất xỉu trong thời gian cực ngắn nếu không kịp đập tay xin thua.
Kẹp cổ trước - Guillotine
Guillotine đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng những đòn kết liễu phổ biến nhất, bởi võ sĩ có thể thực hiện nó cả ở tư thế đứng lẫn tư thế nằm.
Khác với Rear-naked choke tấn công từ phía sau, Guillotine được thực hiện từ phía trước. Võ sĩ giữ đầu đối thủ dưới nách, dùng toàn bộ cánh tay kẹp lấy cổ đối phương rồi siết. Nếu võ sĩ tấn công ở tư thế nằm, họ cũng cần dùng hai chân khóa lấy hông đối phương.
Video Guillotine của Brian Ortega trước Renato Moicano:
Tùy vào vị trí siết, đòn kẹp cổ Guillotine sẽ tạo áp lực lên khí quản hoặc động mạch cảnh. Cũng như Rear-naked choke, mục tiêu của Guillotine là chặn máu lên não, do đó không ít võ sĩ từng mô tả rằng họ cảm thấy choáng váng muốn xỉu sau khi bị siết bởi Guillotine.
Khóa bẻ tay - Armbar
Là một trong những đòn cơ bản của các bộ môn grappling như Judo, Jiu Jitsu, Brazilian Jiu Jitsu, Armbar đặc biệt dễ thực hiện, kể cả đối với người mới học. Nhưng đừng vì nó dễ mà cho rằng đòn khóa bẻ tay này không nguy hiểm: Armbar tác động trực tiếp vào khớp khuỷu tay, và hoàn toàn có thể xoắn đứt cơ, dây chằng, thậm chí cả gân.
Để thực hiện Armbar, võ sĩ cần khóa được toàn bộ cánh tay của đối thủ. Võ sĩ sẽ dùng hai chân giữ trên ngực đối phương, kẹp cẳng tay bằng đùi, khuỷu tay tựa lên hông và giữ cánh tay đối phương cố định sát với cơ thể mình.
Sau đó, võ sĩ chỉ cần hơi ngả ra phía sau, ưỡn hông đẩy cánh tay đối thủ lên trước, và như vậy là đòn khóa bẻ tay Armbar đã hoàn tất.
Video Demetrious Johnson bẻ Armbar trong trận đấu với Ray Borg:
Thông thường, khóa bẻ tay Armbar xuất hiện nhiều trong những pha địa chiến. Nhưng trong trường hợp đặc biệt, Armbar có thể diễn ra trên không như cú Flying Armbar độc đáo trên đây của nhà ĐKVĐ Flyweight Demetrious Johnson.
Khóa tam giác bằng tay - Arm triangle
Arm triangle là chọn lựa dễ dàng nhất, an toàn nhất để thực hiện đòn kết liễu khi võ sĩ đang có nửa thân trên của mình đè lên nửa thân trên của đối thủ từ phía bên cạnh (side control).
Thông thường, khi bị đặt trong thế side control, đối thủ sẽ cố gẳng thoát bằng cách lật hông, dùng cánh tay còn tự do đẩy võ sĩ ra, khiến võ sĩ tấn công không thể đè chặt một bên vai của đối phương được nữa. Trong khi đối thủ cố đẩy ra, võ sĩ tấn công choàng một tay ra sau gáy, tay kia luồn qua nách của đối thủ và siết.
Video đòn Arm triangle trong trận Chris Weidman vs. Kelvin Gastelum:
Với thế khóa Arm triangle, động mạch hai bên cổ của đối phương một bên bị ép bởi cánh tay của võ sĩ tấn công, một bên bị ép bởi cánh tay của chính anh ta. Cùng lúc, đối phương lại không thể giãy thoát khi cánh tay và một bên vai đã bị khóa chặt. Cách duy nhất để thoát là đập tay xin hàng.
Arm triangle cũng có thể được thực hiện khi võ sĩ đã cưỡi trên người đối thủ (mount position).
Khóa tam giác - Triangle
Tương tự với Arm triangle, đòn khóa tam giác Triangle cũng sẽ khóa cứng một bên vai và một cánh tay của đối thủ, nhưng thay vì dùng tay, võ sĩ sẽ dùng chân.
Khóa tam giác Triangle bắt đầu với việc võ sĩ nằm ở bên dưới, hai chân kẹp giữ lấy hông đối thủ (closed guard). Kéo một tay của đối phương về phía trước, thả chân, bật thật nhanh đưa một chân quàng qua vai của đối thủ. Cuối cùng, võ sĩ với lấy sau đầu của đối thủ, kéo về phía trước để hoàn tất đòn khóa.
Video Anderson Silva siết Chael Sonnen bằng Triangle Choke:
Để thực hiện Triangle, võ sĩ phải nằm ngửa dưới sàn, nhường vị trí kiểm soát bên trên (top position) cho đối thủ, nên đôi khi đòn khóa tam giác bị đánh giá là một đòn siết mạo hiểm. Dù vậy, sức hấp dẫn của Triangle vẫn rất lớn bởi đòn khóa này vô cùng linh hoạt: trong trường hợp đối thủ giãy thoát khỏi khóa tam giác, võ sĩ vẫn có thể biến chiêu thành đòn khóa bẻ tay Armbar hoặc vặn thành Omoplata.