Trùm môi giới Quyền Anh nhận định về mâu thuẫn giữa UFC và võ sĩ

thứ tư 31-8-2016 14:58:13 +07:00 0 bình luận
Gary Shaw, một nhà môi giới các trận đấu quyền Anh có tiếng với hơn 20 năm tuổi nghề, nhận xét về mối quan hệ giữa UFC và các võ sĩ của họ

UFC sở hữu các võ sĩ không khác gì các nô lệ

Gary Shaw, một nhà môi giới các trận đấu quyền Anh có tiếng với hơn 20 năm tuổi nghề, nhận xét về mối quan hệ giữa UFC và các võ sĩ của họ:

"UFC sở hữu các võ sĩ, giống như một kiểu nô lệ vậy. Bellator cũng thế."

"UFC có thể trả cho các võ sĩ bao nhiêu tùy họ. Trên thị trường quyền Anh, nếu một võ sĩ không thể làm việc với tôi, anh ta có thể đến với những tay môi giới khác như (Bob) Arum, K2, không thì Golden Boy. Còn với MMA, nếu anh không đánh cho ông vua của MMA, (UFC), anh còn đường nào khác mà đi?"

Theo bảng xếp hạng võ sĩ của Fight Matrix, có đến 85% các võ sĩ MMA thuộc top 10 vị trí đầu trên thế giới tụ về UFC. Toàn bộ top 3 của các võ sĩ nam cũng thuộc về UFC nốt. 

UFC quá lớn và trở nên độc quyền trên thị trường

Những đối thủ của UFC như WSOF (World Series of Fighting) hay Bellator quá bé nhỏ để cạnh tranh với gã King Kong của giới MMA. Tổng lợi nhuận của cả WSOF lẫn Bellator được cho là chỉ bằng 5% tổng lợi nhuận của UFC trong cả năm 2015. Không khó hiểu vì sao rất nhiều võ sĩ coi UFC như điểm đến trong mơ.

UFC đang hái ra tiền với giải đấu chính và vô số những thương hiệu con khác

Thương hiệu UFC đã trở nên rất lớn so với thương hiệu riêng của từng võ sĩ, bằng chứng là UFC có thể bán vé của những sự kiện mà thậm chí cặp đấu chính còn chưa được công bố. Các võ sĩ có thể bị rút khỏi sự kiện bởi chấn thương, phạm luật, dính doping,... nhưng hầu như chẳng có sự kiện nào bị hủy bởi sự vắng mặt của một hoặc một vài võ sĩ cả.

Theo khảo sát của Google Xu hướng (Google Trends), số lượt tìm kiếm từ khóa "UFC" trên Google còn cao hơn nhiều số lượt tìm kiếm từ khóa "MMA".

Với một thương hiệu đã quá nổi tiếng như vậy, sức ảnh hưởng của từng võ sĩ riêng lẻ đến cả thương hiệu UFC tương đối hạn chế. Vì vậy, các võ sĩ khó mà nắm được đằng chuôi trong những cuộc thảo luận về lương bổng.

Lối đi nào cho các võ sĩ?

Theo Gary Shaw, bước đầu tiên để lấy lại công bằng cho các võ sĩ MMA là sự minh bạch.

"Trong quyền Anh, chúng tôi thương lượng với nhau nhờ biết rõ giá trị của mỗi võ sĩ trong giới truyền thông. Chúng tôi biết ESPN sẽ trả bao nhiêu, FOX sẽ trả bao nhiêu, Showtime sẽ trả bao nhiêu."

"Họ (UFC) cần công bố giá trị tiền bản quyền truyền hình (pay-per-view) của mỗi võ sĩ. Một khi các võ sĩ biết rõ giá trị của chính mình, sẽ không có chuyện họ làm ra một cục tiền và để gã môi giới cầm đi 80%."

Đã có 2 tổ chức công đoàn được thành lập cho các võ sĩ MMA: Hiệp hội Võ sĩ Võ tổng hợp (Mixed Martial Arts Fighters Association - MMAFA) và Hiệp hội Võ sĩ Chuyên nghiệp (Professional Fighters Association - PFA). Thế nhưng cả hai Hiệp hội cũng mới chỉ dừng lại ở giai đoạn "lên tiếng bảo vệ võ sĩ" chứ chưa có nền tảng luật pháp nào cả.

Xây dựng luật như thế nào để bảo vệ quyền lợi võ sĩ cũng là một vấn đề. Hiệp hội Võ sĩ Võ tổng hợp MMAFA cổ súy việc áp dụng luật Ali Act của boxing vào MMA, trong đó quy định các võ sĩ phải hoạt động riêng lẻ, không phụ thuộc vào một tổ chức hay một giải đấu nào hết.

Tất nhiên điều này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ UFC, vì nó phủ nhận toàn bộ thể thức thi đấu của giải MMA lớn nhất thế giới. Nhiều khán giả cũng cho rằng UFC là điểm khiến các trận đấu MMA trở nên hấp dẫn hơn quyền Anh, bởi có một giải đấu thống nhất sẽ khiến khán giả dễ dàng theo dõi và đánh giá các võ sĩ hơn là phải soi đến 4-5 bảng xếp hạng như quyền Anh hiện nay.

Một phương án nữa là mở rộng thị trường tự do. Với sự có mặt và mở rộng của Bellator, ONE và RIZIN, các võ sĩ đã có nhiều sự lựa chọn hơn cho bản thân thay vì chỉ tập trung vào giải đấu lớn nhất thế giới.

Cung Lê là một trong những cựu võ sĩ hoạt động tích cực nhất tại MMAFA

Tóm lại, hành trình để các võ sĩ UFC giành lại công bằng cho mình vẫn còn là một con đường dài, nhưng cùng với sự phát triển của MMA và các tổ chức công đoàn, mong rằng các võ sĩ sẽ có được mức lương hợp lý hơn, có sự hỗ trợ về pháp lý và tái chính tốt hơn để họ yên tâm cống hiến trên sàn đấu đối kháng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội