Vì sao Kung-fu ít xuất hiện trong các trận đấu MMA?
Chủ tịch UFC Dana White từng nói Lý Tiểu Long (Bruce Lee) là ông tổ của MMA hiện đại. Thế nhưng, những kỹ thuật Kung-fu Trung Quốc gần như chỉ xuất hiện trong năm đầu tiên UFC thành lập.
Sang đến năm thứ hai, không còn một võ sĩ Kung-fu nào xuất hiện trong các trận đấu MMA tại UFC nữa. Vì sao?
Có nhiều lý do dẫn đến sự "thất sủng" của Kung-fu trên đấu trường MMA.
Đầu tiên, tại thời điểm ban sơ, UFC cho phép các võ sĩ thuộc các trường phái khác nhau như Karate, Taekwondo, Kung-fu, Vịnh Xuân, Judo, vật (wrestling), Sumo,... thi đấu cùng nhau trên một võ đài, không phân biệt hạng cân. Rất nhiều người chỉ chú ý đến việc môn võ nào sẽ chiến thắng.
Võ thuật truyền thống Trung Quốc không ghi lại nhiều dấu ấn thời điểm này. Lúc đó, sự xuất hiện của Royce Gracie và Brazillian Jiu-jitsu với kỹ thuật đánh địa chiến đã "quét sạch" các võ sĩ quen đánh đứng.
Nếm mùi địa chiến, cả một thế hệ các võ sĩ tiếp theo đổ xô đi học các môn khóa siết (grappling) và quật ngã (takedown) như Brazillian Jiu-jitsu, Judo, Sambo, Wrestling. Kungfu, cùng với Karate, Taekwondo và một số môn võ cổ truyền khác nhanh chóng bị liệt vào "hạng hai".
Clip một trong số những đại diện hiếm hoi của Kungfu thời kỳ đầu - Jason DeLucia (quần dài) - thi đấu cùng Trent Jenkins tại UFC 1:
Tuy nhiên, vấn đề thực sự khiến các võ sĩ Kung-fu không chiếm ưu thế trong các trận đấu MMA không phải do các kỹ thuật võ cổ truyền không tốt, không thực dụng. Nó nằm ở cái cách mà các võ sĩ Kung-fu đang tập luyện.
Chịu ảnh hưởng văn hóa "lấy đức phục chúng" từ Trung Quốc, nhiều võ đường võ cổ truyền không coi trọng việc cho các võ sinh đối luyện, cọ xát, mà chỉ chú trọng vào việc đi quyền. Kể cả có cho phép đối luyện, đa phần các bạn tập cũng đều rất cứng nhắc.
"Ví dụ, có một lần, chúng tôi học đòn tay. Đầu tiên, bạn tập của tôi ra chiêu, y như những gì sư phụ dạy. Sau đó đến lượt tôi, anh ta đứng yên, để cho tôi thoải mái kéo cổ tay anh ta xuống và bẻ ngoặt cánh tay về phía sau," HLV Kickboxing Steve Weigand, người đã có kinh nghiệm 12 năm huấn luyện Striking cho các võ sĩ MMA kể lại trải nghiệm của ông.
"Bạn tập của tôi biết rằng tôi sẽ bắt lấy cổ tay anh ta, nhưng anh ta sẽ không di chuyển né tránh, không vặn vẹo khuỷu tay để không bị bẻ, không đá tôi khi thấy thế tấn của tôi không vững. Tốc độ của trận đối luyện cũng diễn ra hết sức từ từ."
"Việc đối luyện thụ động và an toàn quá mức như thế hoàn toàn khác với cái cách mà các võ sĩ Brazillian Jiu-jitsu hay các võ sĩ quyền Anh đối luyện (sparring) với nhau. Không ai kéo đai, siết cổ áo, đá ống đồng, đấm vào mặt hay quăng bạn tập xuống đất cả."
Không có áp lực khi luyện tập thì sẽ không tạo ra phản xạ cần thiết cho đối kháng thực tế, HLV Weigand kết luận.
Bắt đầu học Thiếu Lâm từ năm 15 tuổi, võ sĩ UFC 'Big Country' Roy Nelson đến giờ vẫn nhớ cách đi Mai Hoa quyền và Đường Lang quyền. Tuy nhiên Nelson cho rằng những bài quyền Thiếu Lâm không có bao nhiêu tính ứng dụng khi áp dụng vào MMA.
"Những ngày luyện tập Kung-fu đã giúp tôi rất nhiều trong việc rèn luyện khả năng chịu đòn và sự dẻo dai khi lên sàn đấu," Roy Nelson - người nổi danh với chiếc cằm sắt ở hạng Heavyweight cho biết.
"Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã bỏ việc nghiêm chỉnh đi quyền từ khoảng 10 năm trước đây," Nelson nói. "Thay vào đó, tôi bắt đầu học Jiu-jitsu và cách xử lý những pha địa chiến."
Clip Roy Nelson tập luyện tại trường Kungfu Lohan:
Một vấn đề khác khi khảo sát tính thực dụng của Kungfu trong MMA là nhiều võ sinh võ cổ truyền hay lấy lý do Kung-fu có quá nhiều đòn hiểm như chọc mắt, đánh chấn thủy, đá hạ bộ, không thích hợp trong môi trường thi đấu thể thao.
Việc bổ sung chiêu thức để đối phó với địa chiến hay khóa siết grappling cũng là chủ đề hay bị bỏ qua khi đề cập đến võ thuật cổ truyền. Một võ sĩ Bắc Thiếu Lâm tham dự KunLun Fight khi được hỏi làm thế nào để đối phó khóa siết còn tỉnh bơ: "Tôi không để mình bị gạt ngã là được".
"Có một thứ tinh thần không chịu tiến thủ, không chịu phát triển hay bị nhầm lẫn với khái niệm "tôn sư trọng đạo" trong giới võ thuật ngày nay," Võ sư Lưu Ký, thành viên hiệp hội Tán thủ Quảng Châu - một trong số những người hiếm hoi trong giới võ Trung Quốc ủng hộ việc võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông thách đấu các "võ lâm chưởng môn nhân" - viết trên mạng xã hội Weibo.
"Tuy nhiên, việc không có một võ sĩ thuần túy võ cổ truyền tham gia thi đấu MMA không có nghĩa là võ thuật truyền thống lạc hậu. Có nhiều đòn thế trong MMA, nhất là những đòn đá, đòn chỏ có bóng dáng của Kung-fu trong đó."
"Điều đó chứng minh rằng võ cổ truyền vẫn rất có giá trị, chỉ phụ thuộc vào việc người học đào móc được đến đâu mà thôi," Võ sư Lưu nhận xét.