Bài học xương máu của HLV Golden State trước nguy cơ về hưu sớm
Quyết định phẫu thuật lưng năm 2015 có lẽ là một trong những việc làm Steve Kerr hối tiếc nhất trong cuộc đời khi nó đang đe dọa phá hỏng sự nghiệp huấn luyện của ông.
Steve Kerr, người từng thi đấu cạnh Michael Jordan trong màu áo Chicago Bulls, đang trong giai đoạn đỉnh cao của nghề huấn luyện. Ông được mọi người nể phục với những thay đổi có thể coi là cách mạng trong lối chơi dành cho Golden State Warriors.
Kerr dẫn dắt Warriors lọt vào chung kết NBA 2 mùa liên tiếp với 1 nhẫn vô địch, lập kỷ lục 73 chiến thắng ở regular season, và đóng vai trò lớn trong việc nâng tầm Steph Curry trở thành siêu sao như ngày nay. Đến cựu Tổng thống Barack Obama cũng phải khen ngợi phong cách chơi đặc biệt của huấn luyện viên (HLV) xuất sắc nhất NBA 2015-16 .
Nhưng sau 2 năm khẳng định tên tuổi, HLV Steve Kerr đang đứng trước nguy cơ giải nghệ sớm ở tuổi 51 vì những biến chứng sau ca phẫu thuật lưng năm 2015.
Tháng 7/2015, Steve Kerr lên bàn mổ để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm. Ca phẫu thuật không thực sự thành công khi tạo ra vết rò ở xương sống, nguyên nhân khiến ông phải lên bàn mổ lần 2 vào tháng 9.
Kể từ thời điểm đó, những cơn đau chưa bao giờ rời bỏ Kerr với chứng nhức đầu kinh niên và cảm giác buồn nôn. Trước khi dẫn dắt Warriors lên ngôi ở mùa giải 2015/16, Kerr đã vắng mặt 43 game đầu tiên vì sức khoẻ không tốt.
Tưởng như tình hình đã khá hơn ở mùa này thì đến vòng 1 Play-off, ông Kerr đã không thể ra sân chỉ đạo học trò trong Game 3 và Game 4 trước Portland Trail Blazers. Nhiều người lo ngại ông sẽ vắng mặt trong phần còn lại của mùa Play-off.
Trừ khi những cơn đau giảm bớt, Kerr sẽ không trở lại và để trợ lý HLV Mike Brown toàn quyền chỉ đạo trên sân. Thế nhưng điều khiến ông tiếc nuối nhất vào thời điểm này, có lẽ không phải là việc phải ngồi ngoài mùa Play-off.
“Nếu bạn gặp vấn đề ở lưng, hãy nghe tôi, đừng bao giờ phẫu thuật”, ông Kerr nói về quyết định sai lầm của mình: “Từ tận đáy lòng, đừng để ai hay thứ gì chạm vào cơ thể. Hãy tập luyện, tập luyện và tập luyện để phục hồi”.
Theo bác sĩ Steven Shoshany – chuyên gia chữa bệnh bằng chiropractic (phương pháp dùng tay kéo, xoa, nắn chỉnh các vùng đau thuộc hệ vận động, nhất là cột sống), có một tình trạng gọi là “Hội chứng giải phẫu lưng thất bại”, cụm từ nói về những bệnh nhân không có được kết quả thành công sau khi phẫu thuật lưng.
“Phẫu thuật gây ảnh hưởng lâu dài, thậm chí cả đời. Thông thường họ sẽ cắt bỏ lamina của đốt sống, khi đó dây thần kinh và những đốt xương kế cận phải chịu nhiều sức ép hơn, khiến bệnh nhân đau đớn. Về lâu dài sẽ gây ra chấn thương”, bác sĩ Shoshany nhận định.
Ông Shoshany lấy ví dụ về trường hợp của Tiger Woods. Tháng 4/2014, Woods phải bỏ cuộc tại giải Honda Classic sau 13 lỗ ở vòng chung kết vì đau lứng. Golfer giàu thành tích thứ 2 lịch sử 4 giải major (14 danh hiệu, chỉ sau Jack Nicklaus) lên bàn mổ vài tuần sau đó trước khi tái phẫu lần nữa vào tháng 9/2015.
Phong độ của Woods lao dốc không phanh, người hâm mộ không còn nhận ra “Siêu hổ” một thời của làng golf thế giới nữa. Woods đã văng khỏi Top 100 từ lâu, thậm chí anh còn đang tiệm cận… ngoài Top 1.000 với vị trí 808 hiện tại.
Thế nhưng chấn thương lưng vẫn chưa buông tha Tiger Woods. Tuần trước, cựu tay golf số 1 thế giới thông báo anh chuẩn bị phẫu thuật để giảm đau đớn ở lưng và cẳng chân. Trong vòng 3 năm, Woods phẫu thuật lưng tới 4 lần.
Bác sĩ Shoshany cho rằng phẫu thuật có thể khiến cơ thể cảm thấy thoải mái chốc lát nhưng “điều đó không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết”.
Chữa trị bằng tập luyện kết hợp vật lý trị liệu là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất mà bác sĩ Shoshani khuyến cáo: “Nó giải quyết triệt để gốc của vấn đề, khác với việc dùng thuốc để lảng tránh các triệu chứng”.
“Tôi luôn nói với bệnh nhân cần kiên nhẫn hồi phục, áp dụng những phương pháp khác trước khi buộc phải phẫu thuật. Điều trị bằng phương pháp chiropractic nên là phương pháp cần được ưu tư với những cơn đau ở lưng dưới”, ông Shoshany kết luận.