Gốc rễ sụp đổ vương triều là từ bên trong, Warriors nên cẩn thận!
Golden State Warriors có triển vọng trở thành vương triều làm chủ giải bóng rổ NBA nhiều năm tới, nhưng vẫn có lí do khiến họ nhanh chóng lụi tàn, thứ đáng sợ nhất luôn đến từ bên trong.
Trong 67 năm tồn tại, những triều đại thống trị giải bóng rổ NBA không xuất hiện nhiều. Lí do bởi rất khó cho một đội bóng có thể duy trì được sự ổn định cả về phong độ thi đấu lẫn sự gắn kết tinh thần tập thể trong nhiều năm.
Kể từ ngày khởi đầu, giải đấu cũng chỉ bao gồm các triều đại thành công nhất có thể kể tới như Minneapolis Lakers của nửa đầu thập kỷ 50, Boston Celtics của thập kỷ 60, Los Angeles Lakers thập kỷ 80, Chicago Bulls của thập kỷ 90, Lakers của quãng 10 năm từ năm 2000 tới 2010. Có thể thấy, các vương triều này đều có những điểm chung nằm ở vai trò trấn thủ trung thành của 1-2 cái tên đầu tàu.
Boston Celtics có Bill Russell, Lakers thập kỷ 80 có Magic Johnson, Chicago Bulls sở hữu Michael Jordan, Lakers về sau là triều đại mang tên Phil Jackson.
Hay như ngay cả San Antonio Spurs cũng được coi như một triều đại do Gregg Popovich tạo lập, họ duy trì sự ổn định với 20 năm thắng lợi ở regular season, 5 chức vô địch NBA, 6 lần đứng đầu khu vực miền Tây với tổng cộng hơn 1.000 chiến thắng.
Với chức vô địch NBA năm 2015 cùng kỷ lục 73 game thắng tại regular season năm 2016, Golden State Warriors tràn đầy hứa hẹn nhưng cùng lắm cũng chỉ dừng ở mức đánh giá tương tự như Miami Heat thế hệ James - Wade.
Nhưng sau thất bại tại chung kết NBA 2016, họ có thêm cựu MVP 2014 Kevin Durant để tạo thành một siêu đội hình. Từ đây, khả năng về một triều đại thống trị mới mang tên Warriors đã hiện hữu rõ ràng hơn hẳn.
Tuy nhiên, không thiếu những vương triều tiềm năng đã bị chết yểu hoặc không đạt được kỳ vọng như mong muốn, đa phần đều xuất phát từ gốc rễ sụp đổ bên trong. Ở GoldenState cũng tồn tại những lí do có thể khiến họ lo lắng.
Sức khỏe của HLV Steve Kerr
Cái lưng đau của HLV Steve Kerr là chủ đề được nói nhiều ở thời điểm gần cuối regular season mùa giải trước. Các bác sỹ đã đưa ra khuyến cáo đáng sợ rằng, nếu HLV của Warriors không tiếp tục chuyên tâm vào quá trình điều trị, ông sẽ phải từ bỏ công việc này mãi mãi.
Kể từ khi Steve Kerr bắt đầu sự nghiệp huấn luyện tại Warriors, các quyết định sử dụng con người hay chiến thuật đã giúp đội bóng trở thành một thế lực trỗi dậy đầy bất ngờ tại miền Tây, rồi dần trở thành đội mạnh nhất NBA tính tới thời điểm hiện nay. Vừa qua, khi Warriors đạt mạch thắng 17 trận liên tiếp, nhiều người cứ ngỡ tập thể này đã có thể tự lập mà không cần đến Kerr.
Nhưng khó khăn trong game 1 gặp Spurs đã cho thấy sự xuất hiện và lên tiếng đúng lúc của Kerr mang lại sự khác biệt ra sao. Chính Stephen Curry cũng từng khẳng định: “Được nghe tiếng ông ấy nói là điều rất tốt”.
Cùng nhìn lại quá khứ, những vương triều kéo dài không bao giờ thiếu đi vai trò của một huấn luyện viên có thời gian gắn bó lâu dài và duy trì được triết lý xây dựng đội bóng trong nhiều năm nhẫn nại.
Minneapolis Lakers có John Kundla, Boston Celtics thập kỷ 60 có HLV Red Auerbach, người đã đặt niềm tin và truyền lại tâm huyết kế thừa cho Bill Russell để chính Russell về sau trở thành cầu thủ kiêm HLV của đội bóng.
Vương triều Chicago Bulls và Los Angeles Lakers 2000-2010 in đậm dấu ấn của Phil Jackson. Hay gần nhất với thời kỳ thành công của Spurs dưới tầm ảnh hưởng đã được công nhận của HLV Gregg Popovich.
Steve Kerr đã cùng Warriors có 3 lần tiến vào chung kết, 2 chức vô địch NBA nhưng thời gian gắn bó của ông cần lâu bền hơn để tạo lập sự ổn định cho vương triều mới nổi.
Kerr mới có 3 năm gắn bó với Warriors, nếu vấn đề sức khỏe khiến ông sớm từ bỏ cuộc chơi thì Warriors chưa chắc sẽ tự tiến được về những đỉnh cao mới.
Công việc của HLV rất quan trọng do họ duy trì triết lý chơi bóng, triết lý xây dựng đội hình nhân sự, đảm bảo sự hòa hợp cho các cái tôi cá nhân trong tập thể và đủ hiểu được các vấn đề để có sự ra mặt kịp thời.
Vấn đề lối chơi
Điểm khó chịu trong lối chơi của Warriors nằm ở sự rườm rà thiếu cần thiết trong nhiều pha bóng. Đội hình của Steve Kerr theo đuổi luồng luân chuyển bóng ngoạn mục nhưng đôi khi lại khiến các tình huống ghi điểm trở nên rắc rối, thiếu an toàn và trở nên loằng ngoằng. Khi toàn NBA có thể nhìn ra được điều này, rõ ràng nhận thấy có khá nhiều cầu thủ không ưa thích lối chơi của Warriors.
Trong một cuộc bình luận tại vòng Play-off vừa qua, huyền thoại Reggie Miller đã đặ câu hỏi: “Liệu có phải mọi cầu thủ Warriors đều thích lối chơi rắc rối này”. Miller còn bổ sung thêm “Khi mọi chuyện đều tốt đẹp, những vấn đề khó chịu đều nhanh chóng được bỏ qua, nhưng lúc gặp khó khăn, nó sẽ bùng phát”.
Tính xa hơn, ở thời điểm vài năm sau, lúc năng lực ghi điểm của các ngôi sao đột nhiên sụt giảm và đội bóng cần có thêm những sự bổ sung mới. Rất nhiều các sao trẻ không thích lối đánh rườm rà của Warriors. Đầu tiên, việc này sẽ gây ra khó khăn cho việc tạo ra thế hệ kế thừa của đội bóng.
Thứ hai, nếu chẳng may gặp thất bại lớn, lối chơi chuyền bóng nhiều rất dễ trở thành bao cát để trút giận. Tất nhiên, HLV Steve Kerr sẽ là người chịu búa rìu đả kích nhất.
Một khi hệ thống triết lý không còn được ủng hộ, nó kéo theo cả một hệ lụy tai hại cũng giống như triết lý tấn công tam giác của Phil Jackson bị phủ nhận tại New York Knicks. Trong khi, triết lý của Kerr còn gặp ý kiến phản đối dữ dội hơn nhiều so với triết lý của Phil Jackson.
Sự kết nối giữa các siêu sao
Trường hợp Moise Malone và Julius Erving tại Philadephia Sixers năm 1983 là sự góp mặt cùng lúc 2 MVP đang sở hữu đỉnh cao phong độ trong một đội bóng.
Kevin Durant đến với Stephen Curry ở hè 2016 trở thành trường hợp tiếp theo có tính chất tương tự. Và nếu nhìn vào kết quả đạt được của bộ đôi Malone - Erving thì tương lai của Warriors không quá lạc quan như nhiều người nghĩ.
Cụ thể, Sixers chỉ có được duy nhất 1 danh hiệu vô địch ngay ở năm đầu tiên bổ sung thêm Moise Malone. Năm 1982 trước đó, Sixers lúc chưa có Malone cũng đã tiến vào tận chung kết NBA và chỉ để thua Lakers. Trùng hợp thay, Warriors cũng đạt thành tích y hệt khi vô địch ngay năm đầu có Kevin Durant sau khi để thua Cavaliers tại chung kết mùa trước.
Lấy ví dụ về Sixers để cho thấy việc giữ vững sự kết nối cả trên sân lẫn ngoài sân giữa các siêu sao trong một tập thể thực sự rất khó khăn. Malone và Erving trong thời gian cùng chơi bóng không có biểu hiện mâu thuẫn nhưng thời gian càng kéo dài, kết quả họ đạt được càng không như ý.
Người ta nói Stephen Curry là mẫu siêu sao biết hi sinh, mùa giải vừa qua cũng chứng kiến sự gắn kết của tập thể Warriors ra sao. Tuy nhiên, vương triều với những mãnh tướng mạnh nhất chỉ mới bắt đầu được 1 năm. Khó khăn sẽ tới ở những thời điểm kéo dài về sau.
Nên nhớ, khi các vụ việc gần đây của Cavaliers bị bung ra, NBA chấn động không ít do từ trước đó không nhiều người để ý tới những vấn đề âm ỉ bên trong.
Kyrie Irving với LeBron James, David Griffin với Dan Gilbert, LeBron James và Dan Gilbert, những mâu thuẫn giữa người và người luôn là hiểm họa gây sụp đổ một tổ chức nhanh nhất.