Hậu chấn thương LeBron James: Dấu hỏi cho tương lai, bài toán chuyển nhượng và cái khó của LA Lakers

chủ nhật 21-3-2021 20:30:00 +07:00 0 bình luận
Với James trong đội hình thi đấu, Los Angeles Lakers vẫn là ứng cử viên vô địch. Nhưng không có anh, đội bóng áo vàng tím là một ẩn số với nguy cơ lao dốc không phanh.

Sự đau đớn thể hiện rõ trên khuôn mặt của LeBron James. Mắt anh nhắm nghiền lại. 

Toàn bộ cổ chân phải của anh đã bị cơ thể nặng hơn 100kg của Solomon Hill đè lên. James ngã rạp xuống sàn, tay anh với lấy cái cổ chân có lẽ đang rất đau vừa bị gập ngược vào trong khá ghê rợn.

Trước đây, nhà thi đấu Staples Center thường chứa gần 20.000 CĐV với đầy những tiếng la ó, cổ động. Còn hiện giờ giữa đại dịch COVID-19, âm thanh mà LeBron tạo ra trong cơn đau vang xa khắp nhà thi đấu.

Tầm ảnh hưởng của chấn thương này có thể sẽ rất lớn với hậu quả khôn lường. Los Angeles Lakers đã đặt cược vào cơ thể 36 tuổi, đã chơi 18 mùa giải tại NBA của LeBron James với hy vọng vô địch.

Nhưng hy vọng ấy giờ đang treo sợi tóc khi “nhà vua" phải ngồi ngoài vô thời hạn, thậm chí thời điểm LeBron có thể trở lại cũng không ai có thể biết được.

Với James trong đội hình thi đấu, Los Angeles Lakers vẫn là ứng cử viên vô địch. Nhưng không có anh, đội bóng áo vàng tím là một ẩn số và theo ý tiêu cực, họ hoàn toàn có thể lao dốc không phanh như những gì đã xảy ra năm 2018.

“Có lẽ tôi chưa từng thấy anh ấy la hét và nhăn nhó như vậy,” Kyle Kuzma nói.

Quay ngược thời gian về khoảng 27 tháng trước tại khu vực The Bay, LeBron James đã dính chấn thương nghiêm trọng đầu tiên trong sự nghiệp. 

Vùng háng - đùi (groin) của LeBron bị một chấn thương phức tạp khiến anh gần như không thể lấy lại phong độ trong toàn bộ mùa giải. Lakers năm ấy từ việc đang thăng hoa đã bỗng dưng trở nên chật vật.

Đội bóng áo vàng tím cố gắng níu giữ hy vọng sau kỳ nghỉ All-Star nhưng cuối cùng đã giương cờ trắng, nói lời chia tay vòng Playoffs với thành tích cực kỳ tệ hại.

Đến đầu mùa giải năm nay, ngay tại trận đấu đầu tiên của ngày mở màn (Opening Night), James bị lật cổ chân trái ngay trong trận. Những lo lắng đã xuất hiện, nhất là khi LeBron cùng các đồng đội vừa trải qua kỳ offseason ngắn nhất lịch sử, kéo dài chưa đầy 2 tháng.

Nhưng lần ấy, may mắn là LeBron James chỉ bị chấn thương nhẹ. Anh tiếp tục ra sân thêm 35 trận đấu trước khi một lần nữa ngã xuống vào rạng sáng nay.

Lần này có vẻ mọi thứ khác một chút, từ cách LeBron bị lật cổ chân dưới tác động của một cầu thủ khác đến hướng lật ngược vào trong đầy nguy hiểm.

James tuy tỏ ra rất đau đớn nhưng lúc sau đã có thể tự đứng dậy trên đôi chân của mình, xung quanh anh là gần 10 người, bao gồm các nhân viên y tế, trợ lý HLV và các đồng đội.

Anh đứng lên và “thử nghiệm" một chút với cái cổ chân của mình trước khi đi về ghế dự bị, siết chặt lại dây giày và cố gắng thử thi đấu tiếp, điều mà anh đã từng làm nhiều lần với các chấn thương cổ chân.

LeBron nhận đường chuyền và ném vào 1 quả 3 điểm góc sân, ghi điểm số thứ 10 trong trận. Nhưng chấn thương của LeBron thì có gì liên quan đến chi tiết 10 điểm này? Thực chất nó đã giúp James duy trì mạch trận kỷ lục với số trận ghi ít nhất 10 điểm, kéo dài lên thành 1036 trận.

Sau khi thử phòng ngự một pha bóng, “nhà vua" đã ra hiệu cho băng ghế dự bị của Lakers để xin thay người. HLV Frank Vogel lập tức gọi hội ý để rút LeBron ra khỏi sân và trên đường trở về phòng thay đồ, anh đã đánh bay một chiếc ghế sắt ở khu vực kỹ thuật.

“Nó cho thấy anh ta đang rất khó chịu, bực tức với chấn thương này”, Montrezl Harrell chia sẻ.

Trong một tweet đăng tải lên Twitter khoảng 4 tiếng sau khi rời sân, LeBron James dường như đã hé lộ một chút về quá trình hồi phục chấn thương có khả năng kéo dài:

“Không có gì làm tôi tức giận và buồn bã hơn việc không thể ra sân thi đấu cho đội bóng và các đồng đội. Tôi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần vào lúc này. Chặng đường hồi phục chấn thương sẽ bắt đầu ngay bây giờ. Sẽ sớm trở lại như chưa từng rời đi".

Chấn thương xảy đến với một cầu thủ như LeBron James chưa bao giờ là một tin tốt. Nhưng lần này, mọi thứ có thể trở nên rất phức tạp với Los Angeles Lakers.

Họ đã vắng Anthony Davis trong 15 trận đấu gần nhất và Marc Gasol trong 5 trận đấu đã qua vì COVID-19. Đến tận hôm nay, Marc mới bắt đầu hội quân để tập luyện trở lại để bắt nhịp, cố gắng tái xuất sớm nhất có thể.

Theo The Athletic, chấn thương “high ankle sprain" có thể sẽ mất ít nhất 2 tuần để phục hồi. Nhưng tuỳ vào độ nghiêm trọng, nó có thể kéo dài lên đến 6 tuần hoặc thậm chí dài hơn.

Chính vì cổ chân của James bị lật ngược vào trong thay vì các pha lật cổ chân thông thường, nó có thể gây ra tổn hại về xương như bầm dập xương (bone bruise) song song với các tổn thương về gân hay dây chằng. Điều này khiến quá trình hồi phục kéo dài.

Chỉ còn 8 tuần nữa là Regular Season khép lại và nếu LeBron gặp kịch bản xấu nhất, anh có thể chỉ trở lại được tại vòng Playoffs.

Vắng LeBron James, hãy cùng nhìn sang ngôi sao tiếp theo của Los Angeles Lakers là Anthony Davis. Trung phong sinh năm 1993 còn ít nhất 1 tuần nghỉ ngơi nữa trước khi được giám định lại chấn thương, đồng nghĩa với việc anh chưa thể trở lại thi đấu ngay được.

Kế đến là Dennis Schroder, người đang thi đấu ngày một ấn tượng và mang đến cú hích cần thiết cho Los Angeles trong khoảng thời gian AD ngồi ngoài.

Tuy nhiên, bản thân Schroder từng chia sẻ rằng vì nhiều lý do, bao gồm cả COVID-19, anh và các đồng đội không được tập luyện nhiều như những mùa giải trước. 

Điều này khiến tập thể Lakers gặp khó khăn trong việc xây dựng sự gắn kết và chỉ có thể cải thiện mọi thứ qua các trận đấu. Giờ đây khi vắng LeBron James, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn.

Đội hình của Lakers được xây dựng với LeBron James là trung tâm, xoay quanh bởi các vệ tinh với tầm ảnh hưởng khác nhau. Vắng LeBron, LA có thể sẽ trở thành một tập thể rời rạc, thiếu gắn kết và mất đi “bộ điều khiển trung tâm" vốn là bộ phận thiết yếu.

Người ta ví Los Angeles Lakers là hệ mặt trời thì LeBron James chính là mặt trời ở vị trí trung tâm. Những hành tinh còn lại sẽ không thể tồn tại nếu không có mặt trời, cũng như Lakers không thể vận hành tốt mà không có LeBron với minh chứng rất rõ ở mùa giải 2018-19.

Sau trận thua rạng sáng nay trước Atlanta Hawks, Los Angeles Lakers đang có tổng thành tích 28-14, xếp thứ nhì trên BXH miền Tây với cách biệt 2.5 trận đấu với đội hạng nhất Utah Jazz. 

Nhưng cách biệt của LA với nhóm bám đuổi rất ít và chỉ cần thua một vài trận, Lakers sẽ dễ dàng bị đẩy xuống vị trí thứ tư, thậm chí là thứ năm để mất đi lợi thế sân nhà cho vòng Playoffs.

Rồi mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn với đội bóng áo vàng tím khi chỉ còn 5 ngày nữa là Trade Deadline, hạn cuối cho việc chuyển nhượng trao đổi cầu thủ.

Dù có mang đến những cái tên mới, sẽ rất khó để Los Angeles Lakers thử nghiệm sự ăn rơ của đội hình nếu LeBron James phải nghỉ thi đấu dài. Như Dennis Schroder đã nói, số lượng buổi tập bị hạn chế đã ép Lakers phải xây dựng sự gắn kết qua các trận đấu.

Nhưng làm thế nào HLV Frank Vogel có thể thử nghiệm các quân bài mới, hướng đến bộ khung đội hình và các chiến thuật quan trọng cho vòng Playoffs nếu trên sân không có LeBron James?

Trong suốt mùa giải năm nay, vấn đề khoảng thời gian xoay vòng trước mùa giải quá ngắn luôn được nhắc đến. Đặc biệt là với Los Angeles Lakers, một trong hai đội bóng đã phải thi đấu đến tận lượt trận cuối cùng của mùa giải. 

Tập thể còn lại là Miami Heat năm nay đã không còn là một trong những đội bóng hàng đầu và chỉ mới hồi sinh sau kỳ nghỉ All-Star, khoảng thời gian Jimmy Butler vừa hoàn tất việc chống chọi với COVID-19.

Mùa offseason quá ngắn rồi chấn thương xảy đến với hai trụ cột số 1 của đội, hai điều này liệu có liên quan gì đến nhau hay không? Ông Frank Vogel được hỏi về nó và trả lời rằng:

“Không thể nói được. Sự liên quan là khả thi, nhưng cũng thật khó nói".

Đối diện với nhiều khó khăn là thế, LeBron James vẫn không cho thấy dấu hiệu của sự mệt mỏi. Anh nói rằng mình được trả lương để thi đấu và cụm từ “nghỉ ngơi" gần như không tồn tại.

Phải đến trận đấu thứ 37 trong mùa giải này, trận đấu cuối cùng trước kỳ kỳ All-Star, James mới ngồi ngoài 1 trận để tĩnh dưỡng và thực hiện các liệu pháp điều trị cho các chấn thương nhỏ anh gặp phải.

Trong lúc khái niệm “Load Management" trở nên ngày một phổ biến với các siêu sao lo ngại việc quá tải, LeBron James vẫn bền bỉ một cách lạ thường. Suốt sự nghiệp thi đấu, anh mới chỉ vắng mặt trên 10 trận đấu/1 mùa đúng 2 lần.

Ít chấn thương là vậy, nhưng một khi đã dính chấn thương, ai cũng lo ngại cho LeBron James và đội bóng mà anh khoác áo.

Lakers đã đặt trọn niềm tin vào một LeBron James đã 36 tuổi và đã có một lần nhận kết quả xấu. Nhưng cũng từ mùa giải tăm tối đó, nơi James có lần đầu tiên bị trượt Playoffs, hashtag “WashedKing", cụm từ chúng ta có thể tạm dịch là “hết thời" bắt đầu xuất hiện.

Kỳ lạ thay, nó lại càng xuất hiện nhiều mỗi khi LeBron có một trận đấu bùng nổ. Rồi đến khi sự thành công của anh chạm đỉnh, khi James đặt được đôi tay mình vào chiếc cúp Larry O'Brien tại Orlando hồi tháng 10 năm ngoái, đó là minh chứng cho một ông vua từng dính chấn thương nặng, bị gọi là hết thời vẫn có thể tái xuất và vươn đến đỉnh vinh quang.

Có lẽ LeBron James cần tái hiện kỳ tích này thêm một lần nữa để giúp Los Angeles Lakers hồi sinh, hướng đến mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch.

Trước khi ngã xuống vì chấn thương sáng nay, LeBron đang tiếp cận những vị trí tốp đầu của cuộc đua tới danh hiệu MVP. Lakers cũng sở hữu chuỗi bất bại kéo dài 4 trận và hồi sinh sau kỳ nghỉ.

Cách đây ít ngày, James còn lập “kỷ lục dành cho người già" với 2 triple-double liên tiếp, điều chưa ai làm được ở tuổi 36 trong lịch sử.

Người ta hay nói rằng LeBron James như một con tàu tốc hành không bao giờ giảm tốc độ. Anh ấy không thể ngăn cản, cứng rắn, chắc chắn và bền bỉ. Tuy nhiên...

“Chúng ta đôi khi vẫn hay quên LeBron James cũng là một con người. Nhìn thấy anh ấy nhận chấn thương, ngã xuống trong đau đớn, chúng tôi ai cũng chùng xuống cả", Montrezl Harrell chia sẻ.

“Nhưng đồng thời, chúng ta cũng thấy được anh ấy khác biệt. LeBron là kiểu vận động viên nhận một vài cú đấm, chịu một vài bước lùi nhưng sẽ không bao giờ ngừng tiến về phía trước. Những gì kéo các cầu thủ khác lại, LeBron James sẽ không để nó cản bước anh ta”.

“Hãy chờ xem!”

Việt Long
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội