Hợp đồng thể thao độc đáo: Giấc mơ 10 ngày chinh phục NBA (Kỳ 1)
Thông thường, đề nghị ký hợp đồng có thời hạn 10 ngày dễ bị hiểu nhầm là sỉ nhục, nhưng với các cầu thủ D-League, đó là cơ hội đảm bảo nhân đôi thu nhập cả năm và biến giấc mộng được thi đấu tại giải bóng rổ NBA ấp ủ cả đời thành hiện thực.
Đối với mọi cầu thủ bên ngoài NBA, bản hợp đồng 10 ngày chính xác là điểm khởi đầu để biến giấc mơ thi đấu tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ trở thành hiện thực. Nhưng cần lưu ý: Bất cứ ai đều chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 2 tuần để chứng tỏ mình xứng đáng được gia hạn hợp đồng.
Và may mắn cho những ai được mời chào hợp đồng 10 ngày là NBA cho phép mỗi người được ký tối đa 2 giao kèo như vậy trong một mùa bóng. Vì thế, những người được mời thử việc thường có thêm cơ hội thứ 2 với 10 ngày nữa, đặc biệt là nếu đội bóng của họ đang có ít nhất một cầu thủ buộc phải nghỉ đến hết mùa bóng.
Tuy nhiên, luật chơi cũng có ràng buộc: NBA không cho phép đội bóng ký hợp đồng 10 ngày nhiều hơn số cầu thủ không thể thi đấu. Không vượt quá hạn ngạch ấy, các đội có quyền ký hợp đồng mang tính thời vụ này ở bất cứ lúc nào cho đến khi khởi tranh vòng Play-off.
Nhưng ngay sau 10 ngày thử việc thứ hai chấm dứt, đội bóng dứt khoát phải chọn lựa giữa việc ký hợp đồng để cầu thủ thử việc ở lại thi đấu đến hết mùa, hoặc đá người ta ra khỏi cửa.
Vấn đề đáng bàn đến ở đây là cho dù mục tiêu của những cầu thủ thử việc rõ ràng chỉ nhằm được giữ lại đến cuối mùa để tận hưởng niềm vui chơi bóng tại NBA thì chỉ riêng việc kiếm được bản hợp đồng 10 ngày đã chẳng khác nào món quà cực kỳ xa xỉ rồi.
Sở dĩ bản hợp đồng 10 ngày ở NBA trở thành mơ ước của mọi cầu thủ tại D-League là do thu nhập ở giải này quá bèo. Thông thường, những cầu thủ có thu nhập cao nhất tại D-League chỉ được hưởng lương cơ bản 25.000 USD/mùa.
Cộng thêm các khoản thưởng cùng nhiều thứ linh tinh khác, họ có thể kiếm tới 40.000 USD, nhưng mức đó đã là cực hạn và rất hiếm người đạt được.
Trong khi ấy, chỉ một bản hợp đồng 10 ngày thử việc tại NBA thừa sức đem lại gần 50.000 USD.
Trên thực tế, hợp đồng 10 ngày hấp dẫn các cầu thủ D-League không chỉ vì thu nhập. Bởi quan trọng hơn cả tiền, nó còn giúp họ hiện thực hóa giấc mơ thi đấu tại NBA.
Chính vì điều này, nhiều cầu thủ vẫn ở lại D-League thay vì ra nước ngoài chơi bóng do họ thừa sức kiếm được những hợp đồng với số tiền lên đến 7 chữ số, nhưng cực khó thuyết phục được giới chủ câu lạc bộ kèm vào đó điều khoản cho phép bỏ đội nửa chừng để quay về Mỹ khi có cơ hội góp mặt tại NBA.
Những người luôn khao khát thi đấu tại NBA chấp nhận phải gồng mình gắn bó với D-League còn do họ hiểu rõ hầu hết hợp đồng 10 ngày được mời chào chủ yếu đến từ thể hiện của cầu thủ ở mùa trước.
Các trường hợp được mời ký hợp đồng 10 ngày sau khi thi đấu ở nước ngoài là rất hiếm. Những ưu tiên hàng đầu để các đội mời thử việc thường là những cầu thủ kiên trì ở D-League như Sean Kilpatrick và biết thừa họ không có cơ hội nhận hợp đồng 10 ngày nếu sang châu Á hoặc châu Âu.
Nói cách khác, mọi cầu thủ thi đấu ở D-League đều từng phải đứng ở ngã ba đường với 2 chọn lựa cho tương lai: Ra nước ngoài thi đấu kiếm nhiều tiền nhưng giấc mơ chơi bóng ở NBA chết yểu, hoặc chấp nhận đánh bạc ở lại D-League để duy trì hy vọng đến lúc được nhận bản hợp đồng 10 ngày rồi biết đâu sẽ có một sự nghiệp ra trò tại NBA.
Nhưng dù chẳng phải là không có, song số cầu thủ thử việc 10 ngày tiến được vào NBA thật sự là cực hiếm. Các cầu thủ từng gắn bó lâu dài ở NBA sau khi khởi nghiệp bằng hợp đồng 10 ngày có thể kể đến các ngôi sao như những nhà vô địch Kurt Rambis, Bruce Bowen, Avery Johnson hoặc Raja Bell, nhưng số lượng có lẽ chỉ đủ đếm trên mấy ngón tay.
Bởi lẽ, nếu muốn được ký hợp đồng dài hạn thì những cầu thủ từng khẳng định khả năng ở NBA như Chris Andersen với Miami Heat hay Gerald Green tại Phoenix Suns thật sự có nhiều cơ hội hơn hẳn loại “gà mờ” như Sean Kilpatrick.
Và ngay cả khi kiếm được hợp đồng 10 ngày thứ hai hay thậm chí là hợp đồng thi đấu cho tới hết mùa ấy, cơ hội để các cầu thủ vừa được thử việc có tiếp hợp đồng thi đấu mùa sau cực kỳ nhỏ nhoi.
Theo một thống kê thì giai đoạn từ năm 2010 đến 2014, chỉ có khoảng 8% cầu thủ nhận hợp đồng 10 ngày được mời ký hợp đồng cho mùa sau, nhưng hầu như đều phải nhận mức lương tối thiểu.
Còn trong 2 mùa qua ở NBA, số cầu thủ nhận hợp đồng thời vụ được giữ lại chỉ chiếm 1%, mà phần lớn thuộc diện như Chris Andersen và Gerald Green, nghĩa là từng được thử việc ở giải nhà nghề Mỹ hoặc vì lý do nào đó mà bị bật khỏi NBA.
Nguyên nhân khiến các cầu thủ thử việc khó được giữ lại là do họ cần thuyết phục được những người có trách nhiệm ở đội bóng ngay cả khi gần như chẳng có cơ hội thể hiện vì môi trường cạnh tranh chẳng có, nhất là lúc các ngôi sao trong đội chỉ tập cầm chừng nhằm dưỡng sức trước mật độ thi đấu dày đặc.
Dù vậy, tỷ lệ thành công ít ỏi từ các hợp đồng 10 ngày rõ ràng không khó hiểu, bởi làm sao dễ dàng đạt được khi chỉ có hơn 1 tuần để chứng tỏ mình xứng đáng với công việc trị giá cả triệu đô?
Thế nhưng, bất chấp mọi thách thức có lúc tưởng chừng tuyệt vọng như vậy, tại sao nhiều cầu thủ vẫn chấp nhận ở lại D-League để chờ cơ hội có được hợp đồng 10 ngày?
Đơn giản là ngoài thu nhập vượt trội so với mặt bằng của cả D-League lẫn phần lớn người Mỹ thì cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra sau khi kết thúc hợp đồng 10 ngày, cầu thủ vừa thử việc đều được mang áo đấu mà đội bóng cho mình về nhà.
Đó là bằng chứng xác nhận cầu thủ ấy từng vươn tới đỉnh cao nhất của bóng rổ chuyên nghiệp, và để mỗi khi bàn về trái bóng cam, anh ta có thể tự hào tuyên bố: "Tôi từng được đánh ở NBA".
Sean Kilpatrick biến giấc mơ thành hiện thực
NBA 2016-2017 là mùa đầu tiên Sean Kilpatrick góp mặt như thành viên chính thức của Brooklyn Nets. Trước đó hôm 19/03/2015, anh từng được Minnesota Timberwolves thử việc 10 ngày sau khi không được tham gia vào NBA draft năm 2014.
Có thi đấu tại NBA nhưng không được giữ lại, Sean Kilpatrick ra đi ngày 29/03/2015 trước lúc đến Denver Nuggets tìm cơ hội mới ngày 12/01/2016. Lần này, anh được ký hợp đồng 10 ngày lần thứ 2, nhưng vẫn không được Denver Nuggets níu kéo.
Đến ngày 28/02/2016, Sean Kilpatrick bước vào cuộc sát hạch 10 ngày mới tại Brooklyn Nets, lại được gia hạn thêm 10 ngày nữa cho đến ngày 19/03/2016 được ký hợp đồng dài hạn.