Kevin Durant từ Oklahoma sang Warriors: Yếu đuối hay khát vọng?

chủ nhật 23-10-2016 15:47:14 +07:00 0 bình luận
Từ vai trò thần bí của Steve Nash như lời BLĐ Warriors đến chỉ trích của cựu danh thủ Will Perdue, vụ chuyển nhượng Kevin Durant dường như có gì đó sai sai!

Từ vai trò thần bí của Steve Nash như lời Ban lãnh đạo Golden State Warriors đến chỉ trích của cựu danh thủ Will Perdue, vụ chuyển đổi CLB của Kevin Durant ở Hè 2016 dường như có vấn đề!

Hành động của kẻ hèn nhát?

Theo tiết lộ của một thành viên trong BLĐ Golden State Warriors thì “nếu không có Steve Nash, tôi không chắc chúng tôi chiếm dược Kevin Durant hay không”.

Từng 2 lần đoạt MVP, cựu cầu thủ Canada hiện chịu trách nhiệm tư vấn để phát triển cầu thủ cho Golden State Warriors và có vẻ như đã tạo được quan hệ khá tốt với Kevin Durant nhân dịp trò chuyện cùng nhau trong chương trình thể thao nhiều kỳ Vice Sports thời Steve Nash còn khoác áo Los Angeles Lakers – đội bóng cuối cùng của ông.

Vì thế, Kevin Durant đã yêu cầu được gặp Steve Nash để tìm hiểu cặn kẽ về Golden State Warriors, sau khi ấn tượng bởi cuộc trò chuyện như anh em trong nhà giữa Stephen Curry, Klay Thompson, Draymond Green với Andre Iguodala giữa lúc anh muốn rời Oklahoma City Thunder ở Hè năm nay do không thích cách chuyền bóng của Russell Westbrook.

Trong khi đó, cựu danh thủ Will Perdue lại đánh giá cuộc chia ly giữa Kevin Durant với Oklahoma City Thunder theo góc nhìn khác: Đấy là biểu hiện của một tâm lý yếu đuối, bởi khi không thể hạ nổi Golden State Warriors để chấm dứt 9 năm không danh hiệu của bản thân, tiền đạo này bèn quyết định “đầu hàng” đối thủ.

“Không có ý phán xét, nhưng cầu thủ thời tôi khác hẳn với hiện nay. Ở thời của tôi, chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm và tìm được cách để đánh bại đối phương, thay vì đầu quân cho đối thủ”, Will Perdue viết trên mạng xã hội.

Đương nhiên là Will Perdue thừa tư cách để răn dạy bất cứ đàn em nào sau 4 lần vô địch NBA ngay với đội bóng đầu tiên trong sự nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ông có phần may mắn do được đứng chung đội Chicago Bulls với các huyển thoại Michael Jordan và Scottie Pippen.

Nhưng nếu đứng ở góc nhìn của một VĐV, cả tiết lộ của Golden State Warriors về vai trò của Steve Nash lẫn chỉ trích của Will Perdue xem ra đều không phản ánh chính xác vụ dịch chuyển của Kevin Durant.

Anh chọn Golden State Warriors có lẽ chỉ đơn giản là muốn thành toàn giấc mộng vô địch. Và nếu chê rằng đấy là chọn lựa của kẻ hèn nhát thì lịch sử NBA không thiếu huyền thoại từng làm gương sáng cho Kevin Durant.

Pha úp rổ đầu tiên của Kevin Durant cho Golden State Warriors 

>

Những người không muốn sống mòn

LeBron James ắt hẳn từng có cùng suy nghĩ với Kevin Durant, khi quyết định rời Cleveland Cavaliers sang Miami Heat năm 2010. Vì như LeBron James thời điểm đó, Kevin Durant hiện là cầu thủ hay nhất NBA mà vẫn chưa có ngôi vô địch nào.

Và tương tự LeBron James, Kevin Durant vừa chia tay đội bóng mà anh cống hiến trong phần lớn sự nghiệp để đến nơi có thể nhanh chóng giành chiếc nhẫn dành cho nhà quán quân. Và cũng giống LeBron James, Kevin Durant sẽ phải học cách chịu đựng chỉ trích về việc chọn con đường dễ hơn để đi tới vinh quang.

Tuy nhiên, NBA thật ra chẳng thiếu trường hợp về chuyện các siêu sao tìm tới một đội bóng mạnh khác để tạo dựng thế lực thống trị giải, đồng thời mưu cầu cho bản thân vòng nguyệt quế vốn dĩ chưa kiếm được ở nơi chốn cũ.

Trên thực tế, cảnh ngôi vô địch NBA 4 năm qua lần lượt trao tay 4 đội khác nhau chính là hiện tượng xưa nay hiếm! Bởi trong thập niên 60, Celtics của Bill Russell hoàn toàn áp chế NBA. Los Angeles Lakers của “Magic” Johnson và Celtics của Larry Bird ganh đua suốt thập niên 80, kế đến là kỷ nguyên của Chicago Bulls với Michael Jordan…

Vì vậy, những tài năng lớn trót trưởng thành từ các đội bóng nhỏ thường không cam chịu cảnh trắng tay cho đến hết sự nghiệp chứ không như phán xét của Will Perdue.

Chẳng hạn như Wilt Chamberlain, dẫn đầu NBA năm 1968 về số pha assist và rebound để kiếm được danh hiệu MVP, nhưng vẫn tìm cách rời khỏi Philadelphia 76ers để sang Los Angeles Lakers.

Hệ quả là cùng với Jerry West và Elgin Baylor, Wilt Chamberlain không chỉ vô địch 2 lần, mà được đánh 5 trong 7 trận chung kết kế tiếp, còn ở 6 mùa cuối, ông được dự tới 5 trận chung kết.

Không giành được chiếc nhẫn nào cùng Washington Wizards, Earl Monroe từ chối thi đấu để được chuyển sang New York Knicks, nơi giúp ông nhanh chóng vô địch NBA.

Với lực lượng bao gồm Clyde Frazier, Willis Reed và 4 thành viên khác sau này đều có tên trong Nhà lưu danh, New York Knicks còn vô địch lần nữa năm 1973.

Tại Milwaukee, Kareem Abdul-Jabbar cũng từng có cảm giác chán ngấy nên quyết định chọn giữa New York hoặc Los Angeles. Cuối cùng đầu quân cho Los Angeles Lakers, ông đã chính xác khi sát cánh với “Magic” Johnson và James Worthy để đoạt 5 ngôi quán quân.

Còn sau này, người hâm mộ và giới chuyên môn chỉ nhắc đến Kareem Abdul-Jabbar như thành viên của “triều đại” Los Angeles Lakers, thay vì tài năng trẻ chán đời của Milwaukee Bucks từng chơi cạnh huyền thoại Oscar Robertson – cầu thủ duy nhất trong lịch sử NBA gần như luôn đạt được thông số bình quân ở mức triple-double mỗi mùa.


Kevin Durant đeo áo số 35 ở Golden State Warriors.

Bill Waltoncũng không an phận sau ngôi vô địch ởPortland Trail Blazers, nên chấp nhận ngồi chơi xơi nước suốt giải cho đến hết hợp đồng.

Còn khi hết hợp đồng với Los Angeles Clippers, ông từng băn khoăn giữa Los Angeles Lakers với Boston Celtics trước lúc chọn đội sau để chấm dứt sự nghiệp.

Ngày nay, lịch sử chỉ nhớ đến Bill Waltonvề việc kiên trì tới Boston Celtics để kiếm thêm chiếc nhẫn nữa, thay vì chất vấn lòng trung thành của ông với các đội bóng cũ.

Moses Malone cũng “máu” vô địch khi rời Houston Rockets năm 1982 ngay lúc vừa có MVP để gia nhập Philadelphia 76ers vừa đánh trận chung kết năm trước. Thời đó, Houston Rockets có quyền giữ chân Moses Malone, nhưng họ không làm mà để anh đến với Sixers.

Tại Philadelphia 76ers, Moses Malone chứng tỏ anh quyết định chính xác khi giành MVP cùng ngôi vô địch NBA năm 1983. Sau này, giới chuyên môn hầu như không chê trách Moses Malone bỏ Houston Rockets, mà chỉ khen anh đều hay khi đánh cho cả hai đội.

Từ khi quy định “free agency” (chuyển nhượng tự do) ra đời, các huyền thoại của NBA càng khó chấp nhận sống mòn ở các đội nhỏ.

Shaquille O'Neal bỏ Orlando Magic tới Los Angeles Lakers để phối hợp cùng Kobe Bryant đoạt 3 chiếc nhẫn, trước lúc đòi sang Miami Heat để kiếm thêm chiếc nhẫn nữa.

Hoặc như Clyde Drexler từng cùng Portland Trail Blazers thua 2 trận chung kết nên quyết định đầu quân cho đội bóng mà ông tin rằng đủ sức giành danh hiệu là Houston Rockets. Kết quả là ngay lập tức, ông có ngôi quán quân NBA.

Tương tự là Kevin Garnett chia tay Minnesota Timberwolves sau hơn 10 năm kiên nhẫn chờ danh hiệu. Anh chọn Boston Celtics để sát cánh cùng Paul Pierce và Ray Allen.

Sau này, giới quan sát chẳng thể không khen Kevin Garnett sáng suốt do anh vô địch NBA, và nếu không rời Minnesota Timberwolves, anh có lẽ chẳng bao giờ kiếm được chiếc nhẫn.


LeBron James (trái) tranh bóng bật bảng với Kevin Durant của Oklahoma City Thunder.

Đến đây, ví dụ xem ra đủ nhiều để quay lại LeBron James, siêu sao từng 2 lần rời đội để thỏa mãn khát vọng vinh quang. Lần đầu vào năm 2010, khi anh nhận ra Cleveland Cavaliers của đầu thế kỷ 21 đã chạm “ngưỡng” nên chuyển sang Miami Heat có Dwyane Wade và Chris Bosh.

Nhưng sau 2 vòng nguyệt quế, LeBron James cảm thấy Dwyane Wade và Chris Bosh có dấu hiệu sa sút, nên lại theo Kyrie Irving quay về Cleveland Cavaliers để vô địch mùa trước. Trong cả 2 lần, LeBron James đều chọn lựa chính xác.

Từ các ví dụ nêu trên, có thể thấu hiểu khát vọng thành công của Kevin Durant. Dù vậy, cũng như những người đi trước, điều duy nhất anh cần làm và buộc phải làm là kiếm cho bằng được chiếc nhẫn đặc trưng của nhà vô địch NBA.

Chỉ cần Kevin Durant đạt được giấc mộng vô địch, mọi chỉ trích đều trở thành vô nghĩa. Bởi trong thể thao, mục tiêu quan trọng nhất với tất cả VĐV đều chỉ là chiến thắng. Nếu không thể chiến thắng, bàn về những chuyện khác chỉ là vớ vẩn mà thôi. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội