Kỷ nguyên Trump và khả năng quảng cáo sáng tạo của Nike
Trong thời điểm này tại Mỹ, giai đoạn gọi là “Kỷ nguyên Trump” đang có khá nhiều xáo trộn, đặc biệt là việc Trump ra lệnh cấm nhập cảnh đối với 7 nước Hồi Giáo.
Rất nhiều người đứng lên phản đối lệnh “travel ban” này của Tổng thống Trump và đòi hỏi sự công bằng cho tất cả người Hồi Giáo, trong đó có Nike.
Việc một hãng thể thao như Nike có một lập trường chính trị vững chắc và tiến bộ là một điều rất đáng quý, đặc biệt là trong một “Kỷ nguyên Trump” đang khá lộn xộn về mặt chính trị.
Trước khi nói đến Nike cùng thông điệp mà họ muốn nhắn gửi, chúng ta hãy cùng nhìn qua Under Amour, nơi có rất nhiều biến động xảy ra cùng giai đoạn đó.
Đầu tiên, ông Kevin Plank, CEO của Under Amour đã trả lời phỏng vấn với đài CNBC rằng “việc có một Tổng thống ủng hộ việc kinh doanh là một ‘tài sản’ (asset) thực sự của đất nước. Mọi người thực sự có thể nắm bắt lấy cơ hội này”.
Một câu trả lời phỏng vấn có thể xem là thiên về mặt kinh tế nhiều hơn là chính trị, nhưng Kevin Plank đã phải nhận rất nhiều phản ứng dữ dội khi ông bỗng chốc bị xem là một người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Và không chỉ từ mọi người, mà còn chính những người đang làm việc cùng Kevin Plank và Under Amour như The Rock, đặc biệt là một trong những ngôi sao lớn nhất của họ Steph Curry cũng phản đối ông.
Khi được hỏi về câu nói của Kevin Plank, Curry đã chơi chữ nhằm đả kích và phản đối Trump, anh trả lời rằng: “Tôi sẽ đồng ý với điều đó nếu bạn bỏ đi hai chữ ‘et’ (trong từ ‘asset’ - ass)”.
Sau sự cố về phát ngôn Kevin Plank đã giành cả tuần để làm nhiều cách bào chữa cho phát ngôn của mình, đặc biệt ông còn dành cả một trang báo trên tờ Baltimore Sun để nói về việc ông không phải một người ủng hộ Tổng thống Trump.
Vụ việc này cho thấy rõ rằng các vận động viên sẽ không để cho các thương hiệu ủng hộ những ý kiến liên quan đến chính trị mà họ cho là không đúng. Và việc phải hướng đến những suy nghĩ tích cực hơn, đúng đắn và tiến bộ hơn là điều mà các thương hiệu nên làm.
Hãy nhìn vào Nike. Ngược lại với ‘tai nạn’ của Under Amour, Nike đã “tiếp thêm sức mạnh”, ủng hộ các vận động viên của mình hãy tự do đưa ra chính kiến mà họ cho là đúng, thông qua một phim ngắn mà Nike thực hiện với tựa đề “Equality - Bình Đẳng”.
Video: Phim ngắn với tựa đề “Equality - Bình Đẳng” của Nike
Một phim ngắn dài chỉ 1 phút 30 giây nhưng truyền đi thông điệp rất rõ ràng: “Ở đây (trên sân), bạn được đánh giá bởi hành động của bạn, chứ không phải qua ngoại hình, hay tín ngưỡng của bạn”.
Quả bóng vẫn sẽ nảy lên như nhau, dù cho màu da, hay tôn giáo của bạn là gì.
Trong kỷ nguyên Trump, sự đi đầu về ý tưởng này của Nike, và cả việc các vận động viên cùng chia sẻ thông điệp yêu cầu sự bình đẳng là một điều rất đáng quý.
Trong lúc Under Amour đang gặp rắc rối khi “chọc giận” một trong những ngôi sao chủ chốt của mình, Nike lại trở thành người cầm cờ, hướng được những vận động viên cùng chia sẻ thông điệp bình đẳng mà Nike luôn muốn hướng đến.
Chính sự phản ứng của Curry sẽ mở màn cho việc các vận động viên nhiều khả năng sẽ xem xét đến quan điểm về chính trị của các hãng thể thao trước khi quyết định ký hợp đồng với họ. Ví dụ trong trường hợp này, có lẽ Nike đã ‘lấy lòng’ được một số vận động viên trẻ trong tương lai.
Ngoài việc ký hợp đồng với các vận động viên mới, điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc giữ chân các vận động viên hiện tại. Đa phần các hợp đồng này thường có giá trị rất lớn, ví dụ như LeBron James ký một hợp đồng ‘Life-time contract’ sẽ kéo dài suốt đời với trị giá được cho là lên đến 1 tỷ đô.
Đối với Under Amour, Curry là người họ đang sở hữu có thể tiệm cận với LeBron khi SC30 đang trở thành cầu thủ nổi tiếng nhất giải đấu hiện nay với hai MVP, một chức vô địch giải bóng rổ NBA.
Anh là một trong những người được Under Amour trả lương cao nhất và cũng mang đến rất nhiều lợi nhuận cho Under Amour. ESPN báo cáo rằng chỉ riêng Steph Curry trong mùa giải trước đã mang về cho Under Amour hơn 200 triệu đô, bên cạnh đó Barrons cũng đưa ra báo cáo rằng việc kinh doanh giày của Under Amour đã tăng trưởng đến 42% trong khoảng thời gian gần đây.
Curry hiện đang có hợp đồng với Under Amour đến năm 2024, tức là Under Amour sẽ ‘trói chân’ anh đến khi anh 36 tuổi, thời điểm cầu thủ này có thể sẽ bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp.
Tuy nhiên quan điểm chính trị có thể thay đổi nhiều thứ, có thể rằng Curry sẽ không bỏ qua dễ dàng những bận tâm như thế này. Chưa nhắc đến việc liệu Curry có bỏ Under Amour hay không, tuy nhiên dù cho có bị ‘trói chân’, Curry vẫn có thể lên tiếng để bảo vệ quan điểm của mình, và điều này chắc chắn sẽ mang đến ít nhiều điều tiếng cho Under Amour.
Một lập trường chính trí đúng đắn và tiến bộ của một thương hiệu như Nike sẽ trở thành một ‘tài sản’ thực sự trong kỷ nguyên chính trị lộn xộn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Và thông điệp kêu gọi sự bình đẳng, bất kể màu da, bất kể tôn giáo, bất kể việc bạn đến từ đâu, bất kể đức tin của bạn là gì, chắc chắn sẽ tiếp tục được truyền đạt mạnh mẽ.