LeBron James chuyển từ "Hiện tượng" sang "King James" thế nào?
10 năm trước, ở chung kết miền Đông của giải bóng rổ NBA, King James chính thức thăng cấp từ cầu thủ có khả năng giúp đội nhà chiến thắng thành người một mình gánh đội.
Mỗi huyền thoại đều có thời điểm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp. Như với Usain Bolt, đó không phải lúc anh đi vào lịch sử nội dung chạy nước rút bằng chiến thắng ở Olympic 2008 tại Bắc Kinh.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của “Tia chớp” đến từ trước đó 6 năm, khi anh trở thành nhà vô địch trẻ nhất lịch sử giải Vô địch Trẻ Thế giới tại Jamaica 2002 ở tuổi 15.
Còn với LeBron James?
Bước ngoặt để anh chuyển từ “Hiện tượng” sang “Siêu sao” đã đến vừa đúng từ 10 năm trước, cũng ở loạt trận chung kết miền Đông, khi King James ghi được 48 điểm sau 2 hiệp phụ.
Tuy nhiên, đối thủ của Cleveland Cavaliers năm đó không phải Boston Celtics, mà là Detroit Pistons. Và không như Boston Celtics mùa này, Detroit Pistons 2007 có cơ sở để được xem như đội mạnh nhất NBA ở miền Đông thời đó.
Video: Diễn biến chính trận quyết định Cleverland Cavaliers loại Toronto Raptors 109-102
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trước NBA Play-off năm ngoái, LeBron từng tuyên bố anh thích thi đấu trên đất khách hơn sân nhà. Bởi dường như chỉ có trong nghịch cảnh, King James mới bộc phát hết tiềm năng.
Chauncey Billups – MVP của chung kết NBA 2004 có thể xem như một trong những nhân chứng trực quan nhất để xác nhận đam mê cùng thời khắc lịch sử của LeBron.
Trùng hợp ở chỗ: Chính LeBron cũng là 1 trong những người từng chứng kiến loạt trận mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của Billups. Đấy là vòng 1 của NBA Play-off 2003, lúc Detroit Pistons ngược dòng thắng Orlando Magic sau khi bị dẫn 3-1.
Ở 4 Game đầu tiên ấy, cầu thủ sinh ra tại Denver và pick 1 từ Đại học Colorado mà lại chơi cho 4 đội khác ở giải bóng rổ NBA trong 5 mùa đầu trước lúc về quê nhà đã không tìm được tiếng nói chung với hậu vệ phối bóng Darrell Armstrong.
Hậu quả là Billups dứt điểm cực tệ khiến đội bóng số 1 miền Đông đối mặt nguy cơ bị loại sớm. Nào ngờ đúng vào lúc ấy, bản năng thợ săn ở Billups thức tỉnh.
“Tôi đã ở đây”, tuyên ngôn như kiểu Tôn Ngộ Không lưu lại trên tay Phật trong Tây Du Ký tái hiện ở Billups khi anh ghi 40 điểm trong Game 6 rồi đánh gục hẳn Orlando Magic bằng 37 điểm ở Game 7.
Đó là thời điểm thế giới thể thao chào đón siêu sao mới bằng biệt danh “Mr. Big Shot”.
Trong Game 1 của loạt đấu ấy, giữa đám đông khán giả có một gương mặt mà Billups còn nhớ mãi: LeBron James lúc đó mới 18 tuổi và phải 2 tháng sau mới được chọn làm pick 1 tại NBA draft 2003.
Không ai ngờ 4 năm sau ngày hôm đó, cả hai đều trực tiếp tham dự trận đấu ra đời nickname “The King”.
Trận đấu của ngày 21/05/2007 (giờ Mỹ) khi Cavaliers đến The Palace of Auburn Hills gặp Pistons cũng rất khác với tình cảnh của giải bóng rổ NBA mùa này.
Đó là lần thứ 2 liên tiếp 2 đội gặp nhau ở NBA Play-off. Ở lần trước, Detroit là kẻ thắng qua 7 trận khi James lần đầu được đánh NBA Play-off.
Detroit thậm chí chỉ cho Cleveland ghi tổng cộng 61 điểm ở Game 7, điểm số thấp nhất trong lịch sử 1 trận Game 7 của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ.
Vào thời đó, NBA vẫn chưa xuất hiện trào lưu ném 3, Los Angeles Lakers của Kobe Bryant vẫn đang cố gắng thích ứng với hậu Shaquille O’Neal, trong lúc Kyrie Irving và Kevin Love – những trợ thủ xuất sắc của LeBron mùa này – còn mài đũng quần ở trường trung học.
Chỉ có điều là trước Game 5, hay cụ thể hơn là từ Game 1, Pistons đã sớm biết LeBron lợi hại như thế nào. Do đó, Billups, Richard “Rip” Hamilton và Rasheed Wallace đã thay nhau luân phiên “tra tấn” James suốt từ trận mở màn.
Từ double-team (2 kèm 1) đến những cú va chạm dữ dội, họ thay nhau đánh bật James xuống sàn nên anh dù suýt có triple-double với 10 rebounds và 9 assists nhưng chỉ ghi 10 điểm, hiệu suất ném 5-15.
Vì thế, ngay cả khi Pistons thắng cả 2 Game đầu trên sân nhà, bầu không khí trong đội vẫn có phần nặng nề. “Điều tích cực là chúng tôi đã thắng, nhưng tiêu cực là chúng tôi không cảm thấy mình xứng đáng chiến thắng”, Rasheed Wallace thú nhận.
Pistons tạm vượt lên trên Cavaliers còn do họ dường như đã tìm được cách hạn chế James: Giải pháp là ép anh ném bóng cách rổ 7m6. Tuy nhiên, LeBron tỏ ra không quá lo lắng.
“Tôi thích thấy đồng đội ở vị trí trống trải ngay cả khi tôi có điều kiện lên rổ, tất cả nhằm giúp đội nhà có cú ném 3”, James tiết lộ ngay trước Game 1: “Tôi muốn các đồng đội như Sasha Pavlovic, Anderson Varejao, Donyell Marshall, Larry Hughes, Drew Gooden cảm thấy họ đều có ý nghĩa quan trọng với đội bóng. Tôi muốn tìm một công thức chiến thắng. Đó là lúc 2 đối thủ xông lại tôi còn 1 đồng đội ở vị trí trống trãi để tôi chuyền bóng. Đơn giản vậy thôi”.
Với quan điểm đó, LeBron thậm chí từng gây tranh luận qua pha xử lý cuối Game 1. Khi đội nhà đang bị dẫn điểm, anh đột phá về phía rổ nhưng thay vì “lay-up” lại chuyền ra góc cho đồng đội Donyell Marshall ném 3. Và Marshall ném trượt.
Điều thú vị là giữa lúc dư luận chỉ trích LeBron không dám chịu trách nhiệm và quên mất chàng trai này mới mừng sinh nhật thứ 21 chỉ 5 tháng trước (nghĩa là đáng được dung thứ nếu có hành động xốc nổi), toàn đội Cavaliers đã đứng về phía anh.
Marshall tuyên bố: “Nếu tôi ném chính xác, chắc chẳng ai nói gì”. Còn ở buổi tập hôm sau, HLV Mike Brown đã cho toàn đội tái hiện lại hình huống gây tranh cãi đó. Ông để đồng hồ còn vài giây, đặt Marshall đúng góc tương tự để James đột phá rồi chuyền cho Marshall.
“Tôi ném vào lưới và LeBron cùng toàn đội đã chạy tới tung hô như thể chúng tôi thắng Game 1”, Marshall bật cười khi nhớ lại: “Chúng tôi thật sự đã lấy tình huống đó ra làm trò đùa”.
Tinh thần đoàn kết đó đã giúp “Kỵ sĩ đoàn” đứng vững trước áp lực ngày càng nặng nề khi Cleveland có cơ hội vô địch miền Đông lần đầu trong lịch sử còn Detroit nhắm tới ngôi vô địch miền Đông lần thứ 3 trong 4 mùa.
Kỳ này, Pistons thắng 2 Game đầu trên sân nhà, Cleveland thắng lại Game 3 và 4 ở Quicken Loans Arena khi LeBron đều là cầu thủ ghi điểm nhiều nhất trận đấu.
Game 5 đưa 2 đội quay lại Detroit, nơi Cleveland chỉ thắng 1 và thua tới 5 ở 2 kỳ NBA Play-off liên tiếp.
Thế nhưng, đấy lại là thời điểm để một “Hiện tượng” trở thành “Siêu sao” với biệt danh “The King”.
Thật ra thì trong 3 hiệp rưỡi của trận đấu, LeBron vẫn là LeBron, mẫu cầu thủ “Hiện tượng” biết ghi điểm khi cần và phân phối bóng cho đồng đội giúp Cavaliers không rớt lại sau Pistons quá xa.
Nhưng tới giữa hiệp 4, LeBron James bỗng dưng lột xác. Trên sân không còn là LeBron James nữa, mà trở thành King James. Tất cả khởi đầu từ cú ném cách rổ 5m18 giúp Cleveland dẫn 81-78 lúc giờ đấu chính thức chỉ còn 6 phút.
Chính xác hơn thì ngoại trừ cú ném phạt chuẩn xác của Drew Gooden, LeBron là cầu thủ duy nhất của Cavaliers đưa được bóng vào rổ trong 17 phút 48 giây cuối! Và trong 12 phút 49 giây cuối trận, anh là cầu thủ ghi điểm duy nhất của Cleveland.
Mọi người có mặt trong nhà thi đấu lúc đó ngơ ngác muốn rớt cả hàm. Họ nhìn nhau, chạm vào nhau như thể đoán chắc những gì đang xảy ra trước mắt chẳng phải là mơ.
Riêng với Detroit, đấy là ác mộng. Vào tối hôm đó, không có lực lượng nào đủ sức ngăn cản LeBron. Ngay cả đồng đội của anh cũng không tin nổi chuyện gì đang diễn ra.
Và lúc tỷ số là 89-91 nghiêng về chủ nhà, James có bóng, anh nhấp và nhồi bóng giữa hai chân khi tiến về phía rổ. Kế tiếp là một cú dunk sấm sét tạo tiếng vang rung chuyển cả The Palace lẫn truyền hình trên khắp nước Mỹ.
Tayshaun Prince – thành viên của đội 2 All-Defensive lao ra cản nhưng vô hiệu. Riêng Billups vuột mất một cú buzzer beater quyết định chiến thắng cho Detroit.
Hòa nhau 91-91, hai đội bước vào hiệp phụ. Tuy nhiên, bước ngoặt của LeBron chỉ mới bắt đầu.
Trong 5 phút của hiệp phụ đầu tiên, Pistons chống trả quyết liệt như cách mà mọi nhà vô địch thường phản ứng. Nhưng trên đôi giày Nike Zoom Soldier 1 Witness PE, LeBron đã đáp trả mãnh liệt bằng những bước chạy thần tốc và “bắn” chính xác.
Không khác cuộc chiến giữa 1 người chống lại thế giới. Bởi Cleveland chỉ cần đưa bóng đến cho số 23, phần còn lại hãy để anh ta giải quyết.
Thế mới có chuyện Marshall không ghi điểm nào ở Game 5, nhưng lại xem đây là 1 trong những trận hay nhất của mình suốt 18 năm thi đấu!
“Đấy là 1 trong những lần đầu tiên tôi nghe cậu ta bảo: ‘Các cậu hãy phòng thủ hộ tôi, còn tôi sẽ lo tấn công cho các cậu’. Thế là chúng tôi hỗ trợ cho nhau. Chúng tôi chặn đối thủ. Chúng tôi đưa bóng cho cậu ấy để cậu ấy xử lý”, Marshall cho biết.
Ở đầu bên kia sân, Pistons hối hả tìm kiếm giải pháp chống LeBron. Cách nào cũng được. Chỉ cần làm cho James chậm lại là được. Chỉ cần ép anh ta nhảy ném là được. Vậy là Detroit nhớ tới giải pháp tối ưu là để James ném cách rổ 7m6. Nhưng vẫn không ngăn nổi James đang thành King.
Billups nói riêng và Pistons nói chung càng lúc càng quẫn. Bất cứ lúc nào mở miệng được thì họ đều bàn về cách khóa James. Họ tính chuyện đó trong suốt mọi lúc time-out (hội ý). Họ trao đổi giữa lúc ném phạt.
LeBron thật sự đã đem lại cảm giác mới mẻ cho Pistons! Mới 3 năm trước, chính đội ngũ này vừa chấm dứt triều đại thống trị giải bóng rổ NBA của Lakers với cặp bài trùng O’Neal - Bryant. Nhưng giờ đây, họ bó tay trước một gã 21 tuổi.
“Chúng tôi đã thử hết cách, và thử hết người”, Billups than thở: “Prince lao vào kèm cậu ta một lúc, kế đến là Rip rồi tới tôi. Tôi có thể thật tình kể với mọi người là chúng tôi đã thử hết cách. Nhưng những điều tuyệt vời như thế vẫn cứ xảy ra. Tôi chưa từng thấy màn trình diễn nào như vậy”.
Pistons đã chơi “double team” (2 chống 1). Ép LeBron ra biên. Nhưng James vẫn lạnh lùng, không phản ứng lại. Bởi giống Michael Jordan – thần tượng của LeBron, anh xem Detroit như rào cản phải vượt qua trước lúc bước sang chương mới của sự nghiệp.
“Chúng tôi không cho cậu ấy thoải mái chút nào”, Billups thừa nhận: “Chúng tôi chơi rất rắn để cậu ấy đo sàn. Nhưng cậu ta cứ lầm lũi đứng dậy, chẳng nói năng gì. Cậu ta chỉ thẳng tiến về phía rổ. Tôi cảm thấy quá nể”.
Hệ quả là khi trận đấu bước sang hiệp phụ thứ 2, toàn bộ nhà thi đấu đều hiểu lịch sử sắp xuất hiện. Đầu tiên là một pha bước lùi nhảy ném gần tới mức Prince chịu trách nhiệm phòng thủ có thể nhìn thấy bên trong áo của James. Kế đến là một pha nhảy ném sau khi crossover bóng qua lưng trước mặt Billups.
Sau khi san bằng cách biệt 107-107 lúc hiệp phụ thứ 2 còn 1 phút 15 giây, anh lại đối mặt với một tình huống mang tính định mệnh.
Đó là tình huống y như pha bóng tranh cãi ở Game 1. LeBron nhận bóng, nhồi bóng khi mắt vừa nhìn đồng hồ, vừa quan sát Billups với dáng vẻ của một con báo đang rình rập con mồi.
Đến khi đồng hồ cho thấy chỉ còn 5 giây, James di chuyển, lướt qua Billups rồi lách qua cặp “double team” Prince và Jason Maxiell, người sau quyết định không phạm lỗi với anh.
Lúc James đặt chân lên vạch ném phạt, Marshall lại đứng ở góc, Damon Jones cũng đứng ở góc y như Marshall trước đó 4 trận. Nhưng lần này, James quyết định tự mình dứt điểm.
James lên rổ. Cavaliers thắng 109-107.
Anh kết thúc trận đấu với 48 điểm, 9 rebounds, 7 assists và 2 steals. Anh ghi tới 29/30 điểm cuối của Cavaliers. Anh ghi toàn bộ 25 điểm sau cùng của Cavaliers.
Từ thời điểm đó, anh trở thành 1 trong những tên tuổi lớn nhất giải bóng rổ NBA với tương lai xán lạn bậc nhất.
Đúng là ở mùa trước, khi mới 20 tuổi, anh từng hoàn tất mùa bóng với chỉ số trung bình 31 điểm, 7 rebounds, 7 assists và 2 steals, chỉ đứng sau Bryant và Iverson trong danh sách ghi điểm.
Nhưng phải từ Game 5 của chung kết miền Đông 2007, LeBron mới thật sự trút bỏ chiếc áo “Hiện tượng” để gia nhập hàng ngũ “Siêu sao”.
Hiện là bình luận viên NBA của ESPN, Billups khẳng định: “Trận đấu đó chính là động lực cho cậu ấy trong toàn bộ sự nghiệp”. Phần còn lại trong sự nghiệp King James dễ dàng chứng minh điều đó.