NBA tạm hoãn vì COVID-19: 15 câu hỏi về hiện tại và tương lai của NBA

thứ sáu 13-3-2020 15:05:00 +07:00 0 bình luận
Để tìm hiểu thêm về những gì có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới, hãy cùng giải đáp những câu hỏi đang được đặt ra nhiều nhất trong hai ngày vừa qua về NBA, COVID-19 và những điều liên quan.

Vào ngày 11/3 (12/03 theo giờ Việt Nam), NBA đã chính thức tạm hoãn toàn bộ mùa giải 2019-20 vì lo ngại sự ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Đây là hành động được thực hiện ngay sau khi Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với virus corona chủng mới. Nạn nhân là Rudy Gobert, trung phong All-Star của Utah Jazz. Khoảng 12 giờ sau, NBA phát hiện ca dương tính thứ hai là Donovan Mitchell, đồng đội của Gobert tại Utah.

Đứng trước sự việc gần như chưa từng có tiền lệ, NBA đang rất nỗ lực để tìm ra phương án khắc phục. Còn về phía người hâm mộ, họ sẽ phải trải qua ít nhất 30 ngày không có trận đấu hay hoạt động nào của NBA được tổ chức.

Để tìm hiểu thêm về những gì có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới, hãy cùng giải đáp những câu hỏi đang được đặt ra nhiều nhất trong hai ngày vừa qua về NBA, COVID-19, virus corona và những điều liên quan.

Khi nào NBA sẽ trở lại

Không ai biết được điều này, ngay cả giới chức của NBA. Đây chính là biến số lớn nhất tính đến thời điểm này và có lẽ nó phụ thuộc vào việc dịch COVID-19 trên toàn cầu được kiểm soát nhu thế nào trong thời gian tới.

Phát ngôn chính thức duy nhất mang lại giá trị là khi ông Adam Silver, đại diện ban điều hành NBA công bố rằng NBA sẽ tạm hoãn trong ít nhất 30 ngày. Nhưng đó là "ít nhất 30 ngày" và có khả năng kéo dài hơn nữa.

Ví dụ điển hình nhất mà người hâm mộ có thể theo dõi là CBA - Giải bóng rổ nhà nghề Trung Quốc. Nằm ở nơi dịch COVID-19 bùng phát, CBA đã bị hoãn từ cuối tháng 1. Đến nay, giải đấu vẫn chưa trở lại và ban tổ chức đang hy vọng có thể khởi động lại mùa giải vào đầu tháng Tư.

Theo quan sát của nhiều chuyên gia, CBA đang có động thái cố gắng đẩy giải đấu trở lại sớm hơn. Đây là điều có lẽ không nên làm trong tình hình sức khoẻ cộng đồng đang khủng hoảng như lúc này.

Đã từng có tiền lệ cho việc huỷ bỏ toàn bộ giải đấu hay chưa?

Câu trả lời là có và từng có 2 mùa giải bị huỷ trong lịch sử thể thao nhà nghề Mỹ. Đầu tiên là trường hợp giải bóng chày Major League Baseball phải hoãn và sau đó huỷ mùa giải 1994 vì các vận động viên đình công từ năm 1994 sang đến năm 1995.

Trường hợp thứ hai dù diễn ra xa hơn nhưng có độ liên quan lớn hơn là loạt trận chung kết Stanley Cup (Giải khúc côn cầu trên băng nhà nghề Mỹ) năm 1919. Lý do dẫn đến series Finals này bị huỷ là do đại dịch cúm năm 1919 (Spanish Flu).

Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài đủ lâu và NBA không còn đủ thời gian để hoàn tất một mùa giải, họ sẽ không còn cách nào khác và phải kết thúc mùa giải hiện tại. Với bóng rổ sinh viên (NCAA), quyết định đã được đưa ra khi toàn bộ vòng chung kết March Madness đã bị huỷ.

Cầu thủ liệu có được trả lương trong thời gian này?

Câu trả lời là có nhưng với một trục trặc nhỏ.

Đa số hợp đồng cầu thủ ghi chú rằng lương của họ sẽ được trả thành nhiều đợt đến hết ngày 30/6. Tình trạng hiện tại sẽ không ảnh hưởng nhiều đến điều này.

Tuy nhiên, có một khái niệm "bất khả kháng" dành cho các ông chủ đội bóng nếu một số lượng trận đấu bị huỷ bởi những lý do vượt ngoài tầm kiểm soát của giải như thiên tai, chiến tranh... Như trong trường hợp này là dịch bệnh toàn cầu. Mức lương của các cầu thủ có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhưng cũng có thể không. Điều này sẽ được quyết định nhờ khâu thương thảo giữa hiệp hội cầu thủ (NBPA) và NBA.

Trong lúc này, có hai vấn đề nhỏ hơn cần được nhắc đến. Đầu tiên là các bản hợp đồng 10 ngày với 8 cầu thủ hiện đang ký với các đội bóng tại NBA.

Hợp đồng ngắn hạn dạng này chắc chắn sẽ hết hạn trước khi bóng rổ trở lại với NBA và ở một số trường hợp, cầu thủ ký hợp đồng 10 ngày còn chưa ra sân được trận nào cho đội bóng chủ quản như Joakim Noah của LA Clippers.

Với tình hình hiện tại, sẽ thật khó để nói về tương lai của các cầu thủ này vì có một vài cái tên trong số họ rất cần ra sân để thể hiện bản thân. Số khác vẫn cần được thi đấu để trang trải các chi phí.

Thứ hai là những bản hợp đồng song song (two-way contract) giữa NBA và G-League. Vì cả hai giải đấu đều bị hoãn, các cầu thủ sẽ không được thi đấu tại NBA, nơi họ có thể nhận mức lương cao hơn cho mỗi lần ra sân. Thay vào đó, họ vẫn phải nhận mức lương thấp hơn từ G-League.

Hy vọng duy nhất để tăng thu nhập cho các cầu thủ này là những buổi thử việc hoặc tập cùng các đội bóng NBA (workout), nơi họ vẫn có thể nhận mức lương tốt hơn tại G-League tuỳ thuộc vào trình độ.

Vậy các cầu thủ sẽ làm gì trong thời điểm này?

Vì đây là điều rất hiếm có tiền lệ, bản thân các cầu thủ cũng sẽ không xác định được lịch trình tập luyện của mình trong thời điểm này.

Ý tưởng hiện tại là hạn chế các cầu thủ tụ tập và cho phép họ cách ly tại nhà. Điều này sẽ giúp giảm thiểu khả năng lây nhiễm COVID-19 vì tiếp xúc với người lạ.

Có lẽ bản thân các cầu thủ cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng duy trì thể trạng. Ở một số đội bóng, mọi thành viên được yêu cầu cách ly tại nhà trong ít nhất 48 giờ để chờ tình hình. Bên cạnh đó, một vài tập thể đã buộc phải cách ly lâu hơn để kiểm tra như Utah Jazz vì đã từng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.

Một trường hợp khác là Los Angeles Lakers khi đội bóng này tạm ngưng mọi hoạt động của đội cho đến khi có thông báo tiếp theo. Các cầu thủ được phép đến cơ sở tập luyện và tập 1-1 với các huấn luyện viên nhưng sẽ cần phải đặt lịch và thực hiện kiểm tra y tế trước mỗi buổi tập.

Cho đến khi lệnh hoãn được gỡ bỏ, NBA sẽ trở lại và các cầu thủ sẽ lại ra sân. Tuy nhiên, họ sẽ cần phải thi đấu trong mùa hè, dài hơn thời hạn hợp đồng đã ký từ trước. Điều này sẽ dẫn đến vấn đề tiếp theo...

Sẽ ra sao nếu NBA đưa mùa giải vào sâu trong hè?

Rất nhiều vấn đề sẽ cần được giải quyết, nhưng điều quan trọng nhất chính là hợp đồng của toàn bộ cầu thủ, mãn hạn vào ngày 30/6.

Với những ai có hợp đồng nhiều năm, điều này sẽ không gây quá nhiều khó khăn. Còn với các cầu thủ hay thành viên ban huấn luyện cùng các hợp đồng mãn hạn, sẽ không dễ để tìm ra những con số cho việc gia hạn hợp đồng... 3-4 tuần.

Ngoài ra với các cầu thủ có hợp đồng lâu năm, họ sẽ được nhận một khoản trả trước cho mùa giải 2020-21 vào ngày 1/7. Đây là điều khoản khá dễ đàm phán. Nhưng việc có quá nhiều thứ chồng chéo cần phải giải quyết, câu chuyện tiền bạc và hợp đồng của các cầu thủ sẽ trở nên vô cùng phức tạp.

Liệu NBA có bỏ luôn Regular Season và bắt đầu vòng Playoffs ngay khi trở lại? Liệu series Playoffs có bị rút ngắn?

Có khả năng là vậy vì giờ đây, mọi thứ đều có thể xảy ra và độ dài ngắn của mùa giải sẽ tuỳ thuộc vào thời điểm các trận đấu chính thức trở lại.

Một trong những kết cục có thể là NBA sẽ ấn định số trận đấu mà các đội bóng sẽ phải thi đấu để hoàn tất Regular Season (ít hơn con số khoảng 20 trận trên thực tế). Sau đó, vòng Playoffs sẽ bắt đầu.

Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ cần mùa giải NBA trở lại thật sớm. Nếu lệnh tạm hoãn bị kéo dài đến tận tháng 6 hoặc muộn hơn, không loại trừ khả năng ban tổ chức sẽ chọn ra 8 đội đứng đầu mỗi miền và tiến thằng vào giai đoạn postseason.

Tại đây, thời gian gấp rút có thể sẽ ép các loạt trận Playoffs xuống còn 5 trận ở vòng ngoài và chỉ giữ series 7 trận ở vòng trong. Như vậy, mùa giải NBA sẽ khép lại vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

Một lần nữa, đây vẫn chỉ là một ý tưởng và tất cả sẽ được ấn định phụ thuộc vào khoảng thời gian dịch COVID-19 được kiểm soát.

Vậy còn nhà thi đấu thì sao?

Đây sẽ là vấn đề rất lớn nếu mùa giải NBA bị đẩy sang tháng 7 hoặc tháng 8. Các đội bóng đã có hợp đồng với các nhà thi đấu nhiều nhất là đến tháng 6 và không phải tập thể nào cũng có sân nhà của riêng họ.

Một vài đội bóng phải dùng chung sân với hàng chục show diễn khác và trong mùa hè, rất nhiều sự kiện được tổ chức. Nếu NBA trở lại muộn, đồng nghĩa với việc nhiều sự kiện bị hoãn trong cùng khoảng thời gian NBA không thi đấu sẽ dời về tháng 6-7-8. Điều này sẽ tạo nên cơn sốt sân bãi vì nhu cầu vượt quá xa so với nguồn cung.

Ví dụ điển hình chính là Staples Center của hai đội bóng Los Angeles. Đây là một trong những nhà thi đấu rất nổi tiếng và cực kỳ "đắt show". Ngoài ra, Los Angeles Lakers và LA Clippers cũng sẽ vào sâu trong vòng Playoffs, chiếm dụng khá nhiều thời gian để tố chức các trận đấu. Đó là chưa kể đến việc Staples cũng là sân nhà của Los Angeles Kings, đội bóng chuyên nghiệp thi đấu ở giải hockey nhà nghề Mỹ (NHL).

Và sau tất cả, mọi người vẫn chưa nhắc tới WNBA. Nhiều đội bóng WNBA dùng cùng nhà thi đấu với các đội bóng NBA ở chung thành phố. Sẽ không ai chấp nhận được cảnh các đội bóng nữ phải nhường chỗ cho những đồng nghiệp nam thi đấu, điều sẽ tạo nên viễn cảnh vô cùng khó coi và gây nhiều tranh cãi.

Có lẽ vấn đề này sẽ cần rất nhiều giải pháp sáng tạo. Không ngoại trừ khả năng NBA sẽ phải tổ chức các trận đấu vào buổi sáng...

Nếu đã có sân, vậy còn người hâm mộ đến xem?

Đây lại là một vấn đề khác và phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch COVID-19 tại Mỹ. Nếu NBA trở lại sớm, nhiều khả năng các trận đấu sẽ phải diễn ra mà không có khán giả vì tình hình sức khoẻ cộng đồng chưa thực sự ổn định.

Với những gì đã diễn ra trong 1 tháng qua trên toàn thế giới, các chuyên gia hiểu rõ rằng việc bùng phát dịch bệnh và lây lan virus sẽ rất khó kiểm soát nếu nhiều người tụ tập ở trong một không gian hẹp. Ở mỗi trận đấu NBA, không dưới 18.000 người sẽ đến sân và đây là cơ hội vàng để điều tồi tệ xảy ra.

Biết rằng cổ động viên là một trong những nguồn thu nhập rất lớn. Minh chứng là việc NBA đã mất gần 500 triệu đôla vì đợt hoãn mùa giải này. Tuy nhiên, đó là việc họ cần phải làm vì rõ ràng lợi nhuận, bóng rổ hay giá trị về mặt giải trí không thể nào quan trọng bằng sức khoẻ cộng đồng.

Không có cổ động viên, vậy đâu cần phân chia sân nhà và sân khách?

Đúng là như vậy. Đây cũng chính là lý do một vài thành viên trong ban điều hành NBA đã đưa ra ý tưởng thi đấu ở sân trung lập, những nơi dịch COVID-19 chưa bùng phát. Với việc thi đấu mà không có khán giả, các trận đấu diễn ra chỉ còn giá trị thuần về mặt chuyên môn và câu chuyện sân bãi sẽ không còn quan trọng nữa.

Tuy nhiên, ý tưởng này đi kèm một vấn đề. Đó là NBA và các nhà đài sẽ phải thu xếp, khảo sát lại ở các nhà thi đấu mới nhằm đảm bảo chất lượng tường thuật cho các trận đấu.

Dù sao đi nữa, đây cũng là một lựa chọn có rủi ro thấp đến sức khoẻ cộng đồng và nếu NBA muốn tổ chức các trận đấu không có khán giả, việc những đội bóng phải chơi ở sân trung lập sẽ rất khả thi.

Việc hoãn mùa giải này sẽ ảnh hưởng thế nào đến mùa giải 2020-21? Liệu đây có phải một bước thí nghiệm cho việc kéo dài mùa giải NBA về sau?

Nếu mùa giải này kết thúc trễ, đương nhiên mùa giải sau sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trong trường hợp này sẽ có hai hướng đi.

Cách đầu tiên là dời ngày bắt đầu mùa giải 2020-21 để các cầu thủ có khoảng nghỉ như những mùa giải trước đây (giai đoạn offseason, thường kéo dài 3 tháng). Cách thứ hai là thu hẹp khoảng nghỉ giữa hai mùa giải và để mùa Regular Season tới bắt đầu sớm hơn so với cách thứ nhất.

Hướng đi đầu tiên sẽ cho phép các cầu thủ sự thoải mái trong việc phục hồi và có sự chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải mới. Tuy nhiên, cách này sẽ khiến lịch trình của NBA trong nhiều mùa giải tiếp theo bị xáo trộn.

Hướng đi thứ hai sẽ mang lại lợi ích cho ban tổ chức, nhưng việc ép các cầu thủ phải quay lại thi đấu sớm hơn chưa chắc đã đạt được sự đồng thuận từ hiệp hội cầu thủ NBPA.

Cái kết đẹp nhất có thể là dung hoà kết quả giữa hai hướng đi trên. Nhưng dù lựa chọn cách nào đi chăng nữa, việc tạm hoãn mùa giải năm nay sẽ mở ra cánh cửa để NBA suy nghĩ về việc điều chỉnh lịch thi đấu cho các năm tới, điều ban tổ chức đã và đang tính đến trong suốt nhiều tháng đã qua.

Số trận đấu bị cắt ngắn, vậy tiền thưởng của các cầu thủ sẽ ra sao?

Đây sẽ là phần thú vị và dễ gây tranh cãi nhất trong các cuộc họp giữa ban tổ chức giải với hiệp hội cầu thủ.

Rất nhiều bản hợp đồng hiện nay đang gắn kèm với những khoản tiền thưởng. Nếu cầu thủ đạt số lần ra sân theo cam kết, họ sẽ được thưởng thêm trên phần trăm tiền lương hoặc một số tiền thưởng nhất định.

Ví dụ như Ricky Rubio có một điều khoản với Phoenix Suns rằng nếu anh thi đấu ít nhất 65 trận tại Regular Season và đạt tỷ lệ ném phạt thành công 82%, anh sẽ được thưởng 75.000 đôla. Tính đến trước khi NBA bị hoãn, Rubio đang có tỷ lệ FG 85.3% và thi đấu 57 trên tổng cộng 65 trận, còn cách mục tiêu 8 trận đấu nữa.

Về lý, hậu vệ người Tây Ban Nha chưa đạt đủ số trận. Nhưng nếu có sự linh động, anh vẫn đủ khả năng nhận thưởng vì xét trên tổng số 65 trận đấu, Ricky Rubio đã ra sân 87.7% số trận, tương đương với hơn 71 lần ra sân trong một mùa giải có đủ 82 trận.

Mùa giải bị hoãn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và điều này sẽ quyết định quỹ lương của các đội bóng ra sao?

Giải đấu mất nguồn thu chắc chắn sẽ dẫn tới việc quỹ lương giảm. Đây là điều đã được nhắc đến sau khi NBA công bố rằng lợi nhuận đến từ bản quyền truyền hình đang dần đi xuống, có khả năng gây ảnh hưởng đến quỹ lương của các đội bóng trong tương lai.

Còn NBA Draft, điều gì sẽ diễn ra với sự kiện này?

Thực chất NBA Draft không nhất thiết phải diễn ra sau khi mùa giải kết thúc. Tuy nhiên, thứ hạng các đội bóng cần được định đoạt nhằm xác định 14 cái tên rơi vào vòng Lottery (bị loại khỏi Playoffs).

Vì vậy, ngày tổ chức NBA Draft chỉ được định đoạt sau khi ban tổ chức xác định được ngày mùa giải trở lại và ấn định kế hoạch diễn ra phần còn lại của mùa giải NBA 2019-20.

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ tự do sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Giống như NBA Draft, có lẽ mọi thứ vẫn sẽ được diễn ra bình thường. Điều cần được xác định là thời điểm Free Agency bắt đầu và yếu tố này chỉ được biết khi NBA có kế hoạch về phần còn lại của mùa giải 2019-20.

Bên cạnh đó, một số yếu tố như hợp đồng, quỹ lương cũng cần được làm rõ trước khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ tự do chính thức mở cửa.

Cuối cùng, điều gì sẽ xảy ra với tuyển Mỹ và Olympic 2020?

Tính đến thời điểm này, Uỷ ban Olympic vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về việc hoãn, huỷ hoặc dời Thế Vận Hội mùa hè 2020 tại Tokyo, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 7. Nhiều nguồn tin cho rằng việc dời Olympic sang năm 2021 đang được cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng đây vẫn chưa phải thông tin chính thức.

Nếu Thế Vận Hội không dời sang năm sau, mùa giải NBA rất có thể sẽ bị trùng hoặc sát với thời gian diễn ra Olympic, điều ảnh hưởng rất nhiều và tạo nên nhiều vấn đề cho NBA cũng như đội tuyển bóng rổ Mỹ.

Ai cũng biết rằng các cầu thủ NBA sẽ ưu tiên sự nghiệp tại các CLB hơn là đội tuyển quốc gia, vậy nên không loại trừ khả năng tuyển Mỹ sẽ vắng mặt những cái tên thi đấu sâu trong vòng Playoffs như Kawhi Leonard, LeBron James, Anthony Davis...

Tuy nhiên, tất cả chỉ là dự định. Cho đến khi cả Olympic lẫn NBA đưa ra kế hoạch của họ, mọi thứ mới chính thức được tính toán và ấn định.

Việt Long
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội