NBA: Tập luyện trước mùa giải, muốn đúng trước hết phải đừng sai
Tập luyện để có được thể trạng tốt cho mùa giải bóng rổ NBA kế tiếp là việc làm tự giác của các cầu thủ. Thế nhưng, theo quan điểm của các HLV chuyên nghiệp thì lượng người chưa tập đúng phương pháp không phải ít.
Đối với 99 % lời khuyên chocầu thủ, các chuyên gia đều nói rằng giai đoạn từ 4-6 tuần đầu tiên của offseason (tiền mùa giải) nên tập trung vào mục đích tăng cường sức mạnh (strength).
Các yếu tố khác như tốc độ, phản xạ đều rất quan trọng nhưng giai đoạn đầu, các cầu thủ vẫn nên tập trung phát triển cơ bắp và sức mạnh ở các vùng như chân/hông/core, thân trên. Mục đích nhằm để hướng tới sự cân bằng cho các mục tiêu tập luyện tiếp theo như di chuyển, khép form, tốc độ.
Mặc dù vậy, không gì bằng việc xác định ngay từ đầu những tư duy sai lầm phổ biến để có thể tạo ra cho bản thân một chế độ tập luyện phù hợp và đúng đắn.
Theo tổng hợp của các HLV chuyên nghiệp thì các cầu thủ thường mắc nhiều 6 sai lầm sau đây. Một phần do việc tập luyện offseason là công việc tự túc và không phải ai cũng muốn bỏ tiền để thuê HLV riêng.
1. Người tập bị cuốn vào những mốt tập nhất thời
Các video trên mạng cho người xem nhìn thấy rất nhiều các bài tập hay công cụ tập luyện mới lạ với lời hứa hẹn đầy hấp dẫn. Một cầu thủ có thể bị ấn tượng và bỏ tiền trang bị cho bản thân những thứ như công cụ tập luyện tại nhà hay các thể loại giày tập đặc biệt. Đa phần chúng đều tạo cảm giác tiện lợi và mang tới lợi ích tăng cường sức mạnh nhanh chóng.
Sự thực là hiếm có dụng cụ nào có khả năng 5 hay 6 trong 1. Việc mua và thử nghiệm chúng chỉ gây lãng phí tiền bạc và tốn kém cả thời gian trong khi khoảng thời gian dành cho offseason cũng chỉ có hạn.
Để hướng tới mục đích tăng cường sức mạnh, phòng gym truyền thống với các bài tập như bench press (nằm đẩy ngực), kéo xà, deadlift (đứng nâng tạ), bóng cao su là tương đối đủ.
Lời khuyên ở đây là đừng quá ám ảnh về các dụng cụ mới khi cho rằng chúng có thể tạo ra bước tiến vượt bậc so với các dụng cụ truyền thống cũ.
2. Coi trọng tập luyện bước chân và kỹ thuật hơn so với sức mạnh
Tập luyện bước chân (footwork) và các kỹ thuật đương nhiên rất cần thiết nhưng như đã nói ở trên, các HLV đều khuyên các cầu thủ nên tập trung tháng đầu tiên để tăng cường sức mạnh cơ bắp trước.
Trước hết, việc tập luyện tăng cường các vùng cơ trên cơ thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi chuyển sang tập footwork hay nâng cao tốc độ phản xạ.
Hãy hình dung một cơ thể với các nhóm cơ đùi, chân, hông, core, tay khỏe mạnh hơn thì chúng cũng thúc đẩy thực hiện các động tác như chạy biến tốc, chạy thường, leo núi, xoay người v..vv.
Khi phân tích cơ thể vận động viên, các chuyên gia thể lực thường đánh giá sự cân bằng của các cầu thủ thông qua một máy quét cơ ở nửa thân trái và nửa thân phải.
Người không có thói quen luyện tập cơ bắp sẽ thường có lượng cơ bên phía thuận của họ nhiều hơn (đa số phải nhiều hơn trái), dẫn tới lí do giữ thăng bằng kém. Mà khả năng thăng bằng kém thì tập luyện footwork hay phản xạ tốc độ cũng khó khăn hơn.
Do đó, tốt nhất hãy nên tăng cường sức mạnh cơ bắp trước khi bước sang các chế độ tập khác. Ngược lại, chỉ tập chuyên sức mạnh mà bỏ qua kỹ thuật cũng là một quan điểm sai lầm.
3. Áp dụng nguyên chương trình tập luyện từ các cầu thủ hay HLV nổi tiếng
Việc bê nguyên chương trình tập luyện từ những cầu thủ hay HLV có uy tín không đảm bảo cho sự thành công của người tập. Trong nhiều năm qua, chế độ tập luyện của các đội bóng vô địch NCAA được khá nhiều người bắt chước tập theo nhưng nó không tự động mang lại kết quả mong muốn cho mỗi cá nhân.
Nỗ lực, tính nhất quán, và sự hiểu biết ưu nhược bản thân mới trở thành chìa khóa thành công cho bất kỳ chương trình tập luyện nào. Đừng vì trông thấy LeBron James hay Kobe Bryant khổ luyện như nào mà có thể bắt chước tập theo ngay. Về cơ bản, họ tập để khắc phục những điểm yếu của mình và đương nhiên, những điểm yếu trên cơ thể mỗi người không hề giống nhau.
4. Thiếu đi bước xác định nhu cầu bản thân
Tập sức mạnh là điều cần thiết trong các môn thể thao nhưng tập tới mức độ thế nào bắt buộc phải được cầu thủ xác định rõ ràng trước khi tiến hành tập luyện.
Nói tóm lại, cầu thủ bóng rổ không thể áp dụng chế độ tập giống như cầu thủ bóng bầu dục, cầu thủ bóng đá, vận động viên maraton hay vận động viên cử tạ.
Ngoài ra, các cầu thủ cần cân nhắc vị trí mình đang chơi, phong cách lối chơi của bản thân trên sân để đặt ra một đích tới tương đương với lượng cơ bắp phát triển phù hợp.
5. Tập luyện quá nhiều
Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất trong giới thể thao. Ở đây, mọi môn tập sức mạnh đều có một điểm chung nằm ở việc tập luyện quá nhiều sẽ khiến cho quá trình phục hồi và phát triển cơ bắp có vấn đề.
Thông thường, chúng ta sẽ tập luyện những bài với tạ nặng nhằm kích thích cơ bắp. Chính quá trình sau đó (lúc đau cơ), mới là thời điểm cơ thể tái cơ cấu phần cơ bắp giúp tạo ra bộ khung thích nghi với trọng lượng lớn hơn cho lần tập sau.
Ngoài ra, các vấn đề khác như giòn xương, xốp xương và chấn thương cũng dễ xuất hiện trong trường hợp cố sức. Dục tốc bất đản, đừng vì quá nóng vội mà làm hỏng quá trình lâu dài.
6. Coi thường thói quen dinh dưỡng
Các cầu thủ chưa bước vào môi trường chuyên nghiệp hoặc đang ở thời gian bên ngoài các khu huấn luyện chuyên nghiệp sẽ không có được sự hỗ trợ của các bếp ăn khoa học.
Bởi vậy, vấn đề dinh dưỡng thường gây khó khăn với các cầu thủ nếu họ không có mức độ tìm hiểu sâu sắc cùng sự nhẫn nại tinh thần để bám trụ lâu dài.
Mỗi chế độ tập luyện đi kèm với các chế độ dinh dưỡng khác nhau. Các huấn luyện viên bóng rổ thường có 1 câu cửa miệng “Ăn như chim thì nhìn giống chim. Ăn như cua thì chơi giống cua”. Do đó, các cầu thủ tốt nhất đừng bao giờ coi thường chuyện ăn uống cá nhân.