Nghề cheerleaders ở NBA: Thu nhập sốc và luật lệ khắt khe (Kỳ 2)

thứ ba 20-12-2016 19:39:24 +07:00 0 bình luận
Trong kỳ 2 của loạt bài về nghề cheerleaders ở NBA, Webthethao.vn đề cập tới những mặt tối còn tồn tại trong công việc này.

Trong kỳ 2 của loạt bài về nghề cheerleaders (hoạt náo viên) ở giải bóng rổ NBA, Webthethao.vn đề cập tới những mặt tối còn tồn tại trong công việc này.

Cheerleaders - một phần tất yếu của giải bóng rổ NBA hiện tại - gần như luôn xuất hiện song hành bên cạnh hình ảnh các đội bóng và những siêu sao. Họ khuấy động đám đông, gây sự chú ý nhờ ngoại hình và những điệu nhảy nóng bỏng trên sân bóng.

Được trở thành cheerleaders tại giải bóng rổ NBA là ước mơ của nhiều cô gái bởi cơ hội lên hình nhiều gợi mở hướng phát triển tốt hơn cho bản thân. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt tối mà nhiều người nên nhìn thấy rõ trước khi quyết định tính chất một công việc.

Vắt sức, thu nhập ít ỏi và không có quyền đòi hỏi

Chẳng đâu xa, ngay năm ngoái, một cựu hoạt náo viên của Milwaukee Bucks là Lauren Herington đã đứng ra thay mặt các đồng nghiệp để lên tiếng phàn nàn về thu nhập bất hợp lý và lối cư xử thiếu rõ ràng của những đội bóng chủ quản.

Đi kèm trong một e-mail, Herinton đã cung cấp những ghi chú, hợp đồng trong suốt thời gian làm việc tại Milwaukee Bucks, mặc dù chính cô còn tự nhận mình được nhiều ưu ái hơn so với các bạn đồng nghiệp.

Đây không phải trường hợp duy nhất công bố những thông tin đáng sợ về nghề hoạt náo viên tại NBA. Trước đó, một vũ công của đội bóng Los Angeles Clippers, hay ngay cả một cựu thành viên của đội hoạt náo viên ở Golden State Warriors cũng phải lên mặt báo tự sự về tâm trạng thất vọng của họ. 


Chia sẻ của cựu hoạt náo viên Milwaukee Bucks khiến nhiều người phải suy nghĩ.

“Tôi không phủ nhận việc được làm hoạt náo viên NBA là vinh dự không phải ai cũng có. Thế nhưng tôi nghĩ mình không tiếp tục được nữa”, Lauren Herington cho hay: “Vượt qua bước tuyển chọn vốn không dễ dàng. Nhưng cũng không có bất cứ thảo luận gì về vấn đề tiền lương. Tất cả chúng tôi chỉ ký vào tờ hợp đồng và không có cơ hội để nêu lên nguyện vọng với người có đủ thẩm quyền. Lịch làm việc của một hoạt náo viên khá thất thường và mức tiền mà họ trả cho thật rất khó tin. Chúng tôi luôn phải tập luyện mỗi tuần, cứ từ 2-4 giờ tập sẽ được trả 30 USD, vậy tính ra chỉ có khoảng 10 USD tiền công cho mỗi giờ vất vả”.

Khó hiểu hơn, theo lời của Hertington thì giờ biểu diễn tại các trận sân nhà cũng có mức tiền tương đương với giờ tập. Các cô gái thường biểu diễn khoảng 7 giờ một tuần và họ được trả tổng cộng là 65 USD, chưa đến 10 USD cho một giờ diễn. 

Các hoạt náo viên không chỉ có công việc nhảy múa, họ phải đi cùng đội bóng trong một số sự kiện cộng đồng. Cũng vào khoảng 2-4 giờ hoạt động bên ngoài, mỗi người sẽ được trả công 50 USD, chỉ khá hơn một chút so với lúc tập luyện hay biểu diễn, những thứ đều khiến thể lực kiệt quệ.

Khi con số này được công bố, rất nhiều cựu hoạt náo viên khác đã lên tiếng khẳng định thông tin của Herington là hoàn toàn chính xác. Điều này gây sốc cho khá nhiều người, bởi mức lương được biết tới hàng ngày của các cầu thủ NBA cao hơn gấp chục lần, thậm chí cả trăm lần.

Murray, cựu hoạt náo viên của Warriors chia sẻ: “Có lần tôi đứng rất gần các cầu thủ và huấn luyện viên, nhìn họ tiếp tục tranh đấu cho mức lương cao hơn mà cảm thấy hoang mang”.


Đòi hỏi công việc luôn khiến các cô gái phải tự đầu tư không nhỏ vào bản thân.

Trong khi đó, mức đầu tư cho nghề nghiệp của các hoạt náo viên không hề nhỏ. Để được đứng trong một đội ngũ hoạt náo viên tại giải bóng rổ NBA, vóc dáng luôn là điều quan trọng.

Các cô gái luôn phải quan tâm và đầu tư nhất định về dinh dưỡng và  tư vấn thể hình. Việc nhảy múa hàng tuần sẽ làm các cô gái hiếm khi béo nhưng quá gầy và hốc hác cũng giảm cơ hội được ở lại.

Dụng cụ trang điểm cũng không thể thiếu, một tuần làm việc của hoạt náo viên tiêu tốn khá nhiều chi phí về phấn son hay các hình thức làm đẹp khác.

Hoạt náo viên thường là các cô gái trẻ, rất đông trong số đó vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.  Nếu nói rằng khoản tiền từ công việc này có thể trang trải cuộc sống thì đó là điều không thể.

Thực tế, nghề hoạt náo viên tại giải bóng rổ NBA giống như tham gia vào một môi trường rèn luyện nhiều hơn là kiếm một chỗ làm ổn định với thu nhập khá. Những ai muốn theo nghề đều thường nhận thêm những công việc bán thời gian khác bên ngoài.

Đôi khi, có những người còn nhận “sự giúp đỡ” từ các cầu thủ theo nhiều cách trao đổi khác nhau. Vấn đề này tất nhiên không được công khai nhưng cũng từng một thời gian gây đau đầu cho giới quản lý giải đấu. Họ từng có những luật cấm quan hệ bất thường giữa cầu thủ và hoạt náo viên nhưng rõ ràng rất khó phát hiện những “cơn sóng ngầm” như thế.

Nếu ai không chấp nhận được những thực tế khắc nghiệt trên tất nhiên sẽ không thể bám trụ được với công việc này.

Bị quản thúc bởi những luật lệ khắt nghiệt

Cũng cùng do Murray chia sẻ, hoạt náo viên đương nhiên phải chịu sự quản thúc từ các đại diện của mình: “Họ thay đổi ngoại hình của bạn. Họ thay đổi cá tính của bạn. Họ thay đổi mọi thứ”.


Có những điều mà nếu để ý, khán giả sẽ nhận ra sự cực nhọc của các cô gái phía sau những nụ cười.

Tuy nhiên, đó gần như là điều cơ bản và bắt buộc đối với công việc. Điều đáng nói là có những thứ luật lệ, qui định khó hiểu tùy thuộc vào yếu tố vùng miền.

Do những thay đổi của thời đại, chúng không còn phù hợp nhưng nhiều nơi vẫn áp đặt lên các hoạt náo viên những điều luật cứng nhắc, thậm chí còn hơi quái đản.

Trong một trận đấu NBA, có thể người ta luôn có cảm giác các cô gái luôn sẵn sàng để thực hiện các điệu nhảy bất cứ khi nào. Thực ra, trong lịch sử giải bóng rổ NBA từng có một số đội bóng đưa ra luật bắt hoạt náo viên phải luôn luôn đứng, không được ngồi trong suốt thời gian diễn ra trận đấu.

Có nơi, các thành viên trong đội hoạt náo viên bị kiểm soát và cấm đoán khá nhiều về thói quen sử dụng mạng xã hội. Và như Murray đã nói ở trên, quản lý luôn đưa ra những yêu cầu rõ ràng bắt buộc các nhân viên phải làm theo, một số thứ quá lố, ví dụ như cách ăn súp như thế nào, dùng băng vệ sinh hay áo lót ra sao…


Nhiều vấn đề nhỏ hàng ngày của hoạt náo viên cũng bị kiểm soát.

Mức lương của các hoạt náo viên thường được phóng đại trong hợp đồng nhưng luật của một số nơi luôn bắt họ phải trả những khoản tiền vô lý hoặc tốn kém vào những hoạt động truyền thống như in lịch, tự in và tự mua chính sản phẩm phục vụ đội bóng.

Tồi tệ hơn, từng có thời điểm, những hành động quấy rối tình dục đối với các cô gái đều bị bỏ qua. Họ không có sự phân xử công bằng và thường phải chịu thiệt thòi, đôi khi bị chính dư luận chụp mũ để bảo vệ hình ảnh các cầu thủ thần tượng . Trong các vụ kiện, phụ nữ thường là đối tượng bị coi thường so với các nam ngôi sao của giải bóng rổ NBA, bất chấp sự thật có ra sao.

Về điều luật cấm hoạt náo viên được hẹn hò với cầu thủ, huấn luận viên, trợ lý, hay thậm chí cả những diễn viên thủ vai linh vật của đội bóng, đây rõ ràng cũng là một thứ luật chưa thực sự chu đáo về mọi mặt.

Thật khó để có thể phân biệt được đâu là mối quan hệ bất minh và đâu là chính đáng. Luôn có những tình yêu, tình cảm thật sự ở môi trường gần gũi nhau, nên việc đưa ra những phán quyết rập khuôn trong mọi trường hợp công khai là một điều thiếu công bằng. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội