Những ngôi sao có lí do tức giận đội chủ quản ở Hè 2017 (Kỳ 1)
Các ngôi sao ở giải bóng rổ NBA thường không muốn gây hấn với ban quản lý đội bóng nhưng một số lí do khiến họ phải thực sự tức giận.
Giá như mọi văn phòng quản lý của các đội bóng NBA đều có thể làm hài lòng các cầu thủ. Có rất nhiều yêu cầu được đưa ra như muốn có thời gian trên sân nhiều hơn, cầm bóng nhiều hơn, vai trò quan trọng hơn, các yêu cầu chuyển nhượng được đáp ứng nghiêm túc hơn... Tất cả đều không dễ để giải quyết.
Tuy nhiên, thay vì được thông cảm, hè 2017 cũng có những ngôi sao được phép tức giận vì thái độ lấp lửng của văn phòng quản lý.
Carmelo Anthony, New York Knicks
Quan điểm đồng cảm với Carmelo Anthony không xuất hiện ở tất cả mọi người nhưng số đông đều cảm thấy bất bình vì cách mà ban lãnh đạo Knicks đang thực hiện. Có người hâm mộ tiêu cực còn dùng từ “cầm tù” để nói về tình trạng hiện tại của Anthony tại đội bóng.
New York Knicks có thể đã sẵn sàng từ bỏ Anthony nếu anh không đặc biệt khăng khăng về điểm đến cuối cùng của mình. Anthony vẫn từ chối từ bỏ điều khoản không chuyển nhượng (No-trade clause) trừ khi Knicks chấp nhận cho phép anh gia nhập Houston Rockets. Theo Adrian Wojnarowski của ESPN thì đây chính là mấu chốt khiến cho vấn đề trở nên phức tạp.
Như vậy, nếu mới nhìn, ban lãnh đạo Knicks dường như không có lỗi hoàn toàn trong diễn biến rắc rối hiện nay. Chỉ có điều, chính thái độ và cách làm việc của họ trước đó đã kích thích tâm lý bướng bỉnh của Anthony.
Cựu chủ tịch Phil Jackson đã bỏ ra khoảng thời gian không ngắn để gây khó chịu nhằm đẩy đi Anthony với lí do không phù hợp. Và khi Jackson bị sa thải cũng là cơ hội để Anthony có thể giảm bớt những mâu thuẫn nặng nề. Thế nhưng, người thay thế Jackson, Scott Perry phải thừa hưởng những hậu quả không đơn giản.
Khi Perry bắt đầu hình thành quá trình tái xây dựng văn phòng quản lý của Knicks, một nhận thức rõ ràng mà ông cùng nhiều người khác luôn hiểu ra được: Đó là quá trình dài làm hạ uy tín Anthony của cựu chủ tịch Phil Jackson đã làm giảm đáng kể giá trị của cầu thủ này trên thị trường chuyển nhượng.
Thêm nữa, tuy Jackson đóng vai trò lớn trong chiến dịch tẩy chay Anthony nhưng vẫn còn đó những nhân vật khác cũng cùng tham gia đang tại vị ở văn phòng quản lý Knicks. Như vậy, những bất đồng mâu thuẫn chưa thể hoàn toàn được giảng hòa chỉ sau sự ra đi của Jackson.
Hè 2017, một đoạn clip ghi lại cảnh các lãnh đạo Knicks truyền tay nhau và có điệu cười mỉa mai với việc tập luyện chăm chỉ của Anthony. Từng có thời điểm, Anthony công khai thể hiện ý muốn tiếp tục ở lại và cống hiến nghiêm túc cho Knicks.
Nhưng với cách cư xử thiếu chuyên nghiệp nói trên, ban lãnh đạo Knicks xứng đáng bị chê bai và đa số người hâm mộ đều ủng hộ Anthony cho quyết định ra đi.
Anthony từng cho biết anh không bao giờ có ý chống đối văn phòng mới. Anh đã truyền đạt sự tôn trọng đối với Perry trong một cuộc trò chuyện với Michael Lee của The Vertical, và Perry dường như cũng nuôi ý tưởng giữ lại ngôi sao từng 10 lần tham dự All-Star này.
Chỉ có điều hiện tại, Anthony chắc chắn không có kế hoạch gắn bó lâu dài với Knicks và việc đội bóng khiến thương vụ Rockets bế tắc như hiện nay chỉ đào sâu thêm hố sâu bất hòa giữa đôi bên.
LeBron James, Cleveland Cavaliers
Khi thương vụ chuyển nhượng Kyrie Irving kết thúc, không khí căng thẳng tại Cavaliers đã được giảm nhiệt nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng LeBron James đã nhận đủ sự khó chịu trong suốt hè năm nay.
Đầu tiên là việc đội bóng cho thấy họ có thể gác những ý kiến của James sang một bên với một loạt những hành động như không gia hạn hợp đồng với giám đốc điều hành David Griffin, một người mà James rất yêu thích. Đội bóng tiếp tục để tuột mất Chauncey Billups, sự lựa chọn hàng đầu để thay thế cho Griffin.
Cavaliers còn để đổ bể ở 2 thương vụ Jimmy Butler và Paul George, những ngôi sao mà James thực sự cần cho tham vọng cạnh tranh với Golden State Warriors mùa giải tới. Tệ hơn, đội bóng còn ký hợp đồng với Jose Calderon vào ngày đầu tiên của thị trường chuyển nhượng tự do.
Bên cạnh đó, James nỗ lực thuyết phục Jamal Crawford gia nhập Cavaliers nhưng ban lãnh đạo đội bóng không thêm được 3 triệu tiền lương để thực hiện việc này. Rất nhiều hành động đã làm giảm giá trị công sức và tiếng nói của James trong ý tốt cải thiện đội bóng.
Tiếp tới vụ lùm xùm với irving vào giai đoạn đầu tháng 8 đã khiến James bị ảnh hưởng theo một hướng khác. Irving khơi mào bằng phát ngôn phàn nàn về đội bóng chủ quản: “Đây là đội bóng quái đản. Họ có thói quen trả ít tiền cho những người mà họ tin tưởng”. Mọi việc bùng phát hơn khi Irving chính thức yêu cầu chuyển đi và các lí do được đào sâu dẫn tới việc liên quan đến James.
Siêu sao số 23 liên tiếp xuất hiện trong các chủ đề tranh cãi mà rất nhiều ý kiến cho rằng anh đã lạm quyền tại Cavaliers. Và còn cả tin đồn về việc chuyển tới Los Angeles vào năm sau cũng khiến các fan hâm mộ tại Cleveland thay đổi thái độ. Trở thành đối tượng để bàn tán thật không dễ chịu gì cho LeBron James hay bất cứ ai.
Những đả kích không đáng có này sẽ được hạn chế tối đa nếu Cavaliers giải quyết các sự việc ổn thỏa hơn ngay từ đầu. Do đó, có lí do để James phải khó chịu đối với ban lãnh đạo đội bóng dù mọi việc vừa được giải tỏa bớt sau thương vụ thành công của Irving.
(Còn tiếp)