Quảng cáo áo đấu tại NBA: “Đất vàng” chưa được giao dịch
Chiếc áo đấu được ví như “mảnh đất vàng” để bán quảng cáo nhưng hiện mới có hai CLB tại giải NBA khai thác mảnh đất màu mỡ này.
Thực tế, phải đến giữa tháng 4 năm nay NBA mới công bố quyết định thử nghiệm kế hoạch cho phép 30 CLB dự giải được phép bán quảng cáo trên áo đấu trong vòng 3 năm.
Đáng chú ý, điều này chỉ bắt đầu áp dụng từ mùa giải tới, 2017-18, và phần diện tích quảng cáo được quy định kích cỡ như miếng dán nhỏ có diện tích khiêm tốn 6,35 cm x 6,35 cm.
Tưởng như động thái trên sẽ mở đường ồ ạt cho những hợp đồng quảng cáo áo đấu về cho các CLB với tổng giá trị doanh thu ước lên tới 450 triệu đến nửa tỷ đô-la. Nhưng đến lúc này mới có 2 CLB đã ký kết hợp đồng thành công đó là Philadelphia 76ers và Sacramento Kings.
Theo đó, hợp đồng có thời hạn 3 năm giữa 76ers và Công ty bán vé xem các chương trình thể thao, giải trí trực tuyến StubHub, ký kết hồi giữa tháng 5 có giá 15 triệu đô-la. Tức mỗi mùa giải 76ers nhận được 5 triệu đô-la và đổi lại cái tên StubHub xuất hiện trên ngực áo CLB này.
Trong khi đó, hợp đồng giữa Sacramento Kings và Blue Diamond Growers - Tập đoàn chuyên chế biến xuất khẩu hạnh nhân được định giá tới 1 tỷ đô-la, chỉ vừa được ký kết vào ngày hôm qua. Cũng giống như 76ers, Sacramento Kings nhận được 15 triệu đô-la từ việc gắn logo của Blue Diamond Growers lên ngực áo trong 3 mùa giải kể từ mùa 2017/18.
Như vậy, gần 6 tháng trôi qua kể từ khi NBA bật đèn xanh để CLB bán quảng cáo áo đấu, việc mới có 2 CLB đàm phán hợp đồng thành công là quá ít ỏi.
Lý do ở đây không phải bởi các nhà tài trợ tỏ ra thờ ơ mà ngược lại họ rất sốt sắng với viễn cảnh tên tuổi, logo của hãng được xuất hiện trên chiếc áo đấu tại giải NBA danh giá.
Vấn đề được cho là nằm ở khâu định giá thị trường các hợp đồng quảng cáo và đặc biệt, những nhân vật phụ trách Marketing đang chịu áp lực phải mang về những hợp đồng với giá trị tối đa, trong khi trước đó họ chưa từng đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào tương tự.
Dù 76ers và Sacramento Kings đã đi tiên phong đều với những hợp đồng trị giá 15 triệu đô-la thì gần như tất cả các CLB còn lại đều không nhìn vào đó như là “giá cơ bản”, hay thậm chí cân nhắc những mức giá xung quanh mốc đó. Nói cách khác, 28 CLB vẫn nhìn nhau dền dứ, chưa đội nào muốn ký hợp đồng quảng cáo vì sợ bị hớ giá.
Được biết, CLB đình đám Golden State Warriors đang tìm kiếm nhà tài trợ sẵn sàng trả 65 triệu đô-la để đổi lại logo của họ xuất hiện trên áo đấu CLB này.
Trong khi đó, Cleverland Cavaliers cũng muốn bỏ túi khoảng 50 triệu đô trong khi CLB ít tiếng tăm hơn, Brooklyn Nets cũng đặt chỉ tiêu thu về không dưới 25 triệu đô. Như thế, có thể hiểu tất cả đều muốn kiếm được nhiều hơn Philadelphia 76ers.
Một trở ngại khác cũng phải nhắc đến đó là việc phân loại danh mục mặt hàng, đơn vị, mà các CLB được phép ký hợp đồng quảng cáo.
Những công ty, sản phẩm liên quan đến đồ uống có cồn, đánh bạc, cung cấp nội dung truyền thông sẽ không được phép “hiện tên” trên áo đấu các CLB. Và các đội cũng không được phép ký hợp đồng quảng cáo với cả đối thủ của Công ty dụng cụ thể thao Spalding hay Hãng đồng hồ Tissot - những đối tác chính của NBA.
Chưa hết, chính các VĐV ở mỗi CLB cũng là một phần nguyên nhân khiến việc tìm kiếm đối tác quảng cáo trên áo đấu chậm trễ.
Các VĐV được hưởng 50% giá trị hợp đồng quảng cáo nhưng đó không phải vấn đề, mà các CLB lo ngại rằng VĐV đang có hợp đồng quảng cáo riêng với những đơn vị có thể là đối thủ cạnh tranh chính với những công ty, tập đoàn mà các CLB muốn đàm phán quảng cáo áo đấu.
Tất nhiên, có giải pháp không tốn quá nhiều công sức đó là các CLB có thể đàm phán với chính Nike, người khổng lồ cung cấp đồng phục tất cả các đội tại NBA mùa tới. Tuy vậy, NBA đã đặt mốc thời gian cho các hợp đồng với Nike đó là phải chốt trong tháng 1/2017.
Nếu các CLB không muốn bắt tay với Nike mà tìm kiếm đối tác khác và ký hợp đồng sau mốc thời gian trên, họ sẽ phải tự trả chi phí in ấn “miếng dán quảng cáo” trên ngực áo, bởi khi đó Nike đã sản xuất xong mẫu đồng phục cho mùa 2017/18 và đem bán ở thị trường thế giới.
Rõ ràng, thời gian không còn nhiều và đã đến lúc các CLB còn lại ở NBA không thể mãi dền dứ, nhìn nhau, hòng tìm kiếm hợp đồng áo đấu có lợi nhất.