Từ sự việc Westbrook, nhìn lại văn hóa cổ vũ của fan Utah Jazz và hành động xúc phạm đáng lên án
Trong trận đụng độ giữa Oklahoma City Thunder và Utah Jazz ngày 12/3 vừa qua, Russell Westbrook và người hâm mộ của Jazz đã xảy ra tình uống lời qua tiếng lại vô cùng gay gắt. Theo đó, nguyên nhân được cho là fan Jazz đã xúc phạm Russell Westbrook bằng những lời lẽ mang đậm tính phân biệt sắc tộc.
Hình phạt cho cả hai cũng đã được NBA đưa ra. Westbrook bị phạt 25.000 USD. Trong khi đó, người hâm mộ kia đã bị cấm đến xem mọi trận đấu của Utah Jazz. Còn nhớ tại Game 6 Playoffs 2018 vừa rồi, sau khi bị Utah Jazz đánh bại 4-2, chính Wesbrook đã nóng giận và hất chiếc điện thoại của một người hâm mộ trên đường vào phòng thay đồ. Được biết, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vấn đề giữa fan Utah Jazz và cầu thủ NBA.
Gần đây nhất, vào đầu mùa giải 2018-19, Kevin Durant của Golden State Warriors cũng đã đối mặt với một fan Utah Jazz liên tục cố gắng dùng những từ ngữ thô tục để xúc phạm anh. Mặc dù vậy, Kevin Durant chỉ đáp trả khá nhẹ nhàng khi làm động tác "hôn gió" gửi đến người hâm mộ Utah Jazz này sau một tình huống ném 3 điểm.
Trong vòng 2 Playoffs 2018, Houston Rockets đụng độ Utah Jazz. Ở game 2 thi đấu tại sân nhà Houston Rockets, James Harden cũng đã không kiềm được nóng giận và hất điện thoại từ tay một fan Utah Jazz, người đã gọi anh là "flopper" (kẻ ăn vạ). Vào năm 2016, một khán giả của Utah Jazz cũng đã bị cấm vĩnh viễn khỏi nhà thi đấu Vivint Smart Home Arena (sân nhà của Utah Jazz) sau hành động dùng đèn laser chiếu vào mặt James Harden.
Tuy nhiên, câu chuyện gây tranh cãi nhất chắc chắn phải là sự việc giữa Derek Fisher của LA Lakers với fan Utah Jazz năm 2008.
Derek Fisher (số 2) và các đồng đội tại Utah Jazz
Trước nhất, cùng điểm lại câu chuyện của Derek Fisher khi còn khoác áo Utah Jazz tại playoffs 2007. Cùng với Deron Williams, Carlos Boozer, Paul Millsap và Andrei Kirilenko, Derek Fisher đã góp công lớn đưa Utah Jazz vào đến chung kết miền Tây năm 2007. Ở trận bán kết khi đối đầu với Golden State Warriors, hậu vệ này đã không thể xuất hiện cùng đội ở game 2. Con gái 11 tháng tuổi của anh bị mắc căn bệnh ung thư mắt và buộc phải phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên, Derek Fisher vẫn kiên cường có mặt vào hiệp 3 và chinh chiến cùng các đồng đội.
Anh đã thực hiện cú ném quan trọng ở cuối hiệp 4 để đưa trận đấu vào hiệp phụ và dứt điểm luôn Golden State Warriors. Họ đã giành chiến thắng 4-1 và đoạt quyền vào trận chung kết miền Tây. Derek Fisher được xem như người hùng của Utah Jazz năm đó. Mặc dù vậy, sau mùa hè 2007, anh đã chuyển đến thi đấu cho LA Lakers.
Tại Playoffs 2008, ở trận bán kết miền Tây, LA Lakers đã đụng độ Utah Jazz. Trong game 4 của cặp đối đầu này, fan Utah Jazz tiếp tục thể hiện sự ghê tởm của mình. Khi Derek Fisher bước lên vạch ném phạt, một người hâm mộ Utah Jazz đã khiến Fisher phân tâm bằng cách làm động tác ôm mắt phải và giả vờ gào thét trong đau đớn. Đó chính là hình ảnh mà con gái Derek Fisher đã chịu đựng cách đó 1 năm. Không chỉ vậy, mỗi khi hậu vệ này có bóng hoặc chuẩn bị dứt điểm, các fan Utah Jazz lại liên tục hò reo: "Ung thư, ung thư".
Mặc dù không có xô xát, ẩu đả, thế nhưng hình ảnh fan Jazz thực hiện động tác xoáy vào cô con gái của Derek Fisher đã được chụp lại và nhận phải không ít "gạch đá" của dư luận. Là cầu thủ chuyên nghiệp, ai cũng cũng hiểu rõ về việc sẽ phải chịu áp lực khi phải thi đấu ở sân khách. Tuy nhiên, mọi thứ đều có giới hạn của nó.
"Như mọi đội bóng khác, ở đâu cũng có những người hâm mộ ồn ào, khó chịu. Thế nhưng hành động này của fan Jazz đã vượt quá giới hạn. Họ không nhận ra rằng Larry Miller (chủ sở hữu Jazz lúc đó) đã để Derek Fisher ra đi và anh ấy quyết định chọn LA Lakers vì gia đình của anh", Matt Azzam, một người hâm mộ của LA Lakers chia sẻ.
Nhiều người hâm mộ chân chính của Utah Jazz cũng cảm thấy xấu hổ khi nhìn thấy hình ảnh đó. "Chắc chắn nó là một hành vi đã đi quá giới hạn cho phép. Đó là vấn đề cá nhân của Derek Fisher. Thậm chí ở mùa trước, anh ấy đã làm rất nhiều cho Utah Jazz dù đang trải qua vấn đề gia đình như vậy", một người hâm mộ Jazz cho biết.
Việc Utah Jazz cấm người hâm mộ lỗ mãng của mình đến sân có thể giải quyết được vấn đề trong trận nhưng bên ngoài sân thì sao. Họ có cấm bao nhiêu người nữa thì đó chắc chắn không phải cách thay đổi văn hóa cổ vũ của cộng đồng người hâm mộ này.