Văn hóa từ thiện của các sao NBA: Chiếc vòng không phải lạc trôi

thứ sáu 27-1-2017 16:56:34 +07:00 0 bình luận
Đối với Kevin Durant, Stephen Curry hoặc Klay Thompson, ủng hộ người khuyết tật không đơn giản chỉ là cho tiền, mà quan trọng là tạo cho họ động lực để sống.

Đối với Kevin Durant, Stephen Curry hoặc Klay Thompson, ủng hộ người khuyết tật không đơn giản chỉ là cho tiền, mà quan trọng là tạo được cho họ động lực để sống, lạc quan và có ích.

Thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Arthur Renowitzky với Kevin Durant thoạt trông có vẻ không ổn cho lắm. Bởi lúc đó đã gần 1 giờ sáng, tại một hộp đêm ở San Francisco và chỉ vài tuần trước lúc lộ tin ngôi sao của Oklahoma City Thunder muốn chuồn sang kình địch Golden State Warriors.

Hơn nữa, Renowitzky ngồi xe lăn và phải nhờ mấy người bạn trợ giúp mới lên được 3 bậc tới khu VIP dành cho Durant, chưa kể lực lượng an ninh khiến lối đi càng chật hẹp do phải đảm bảo không gian và sự riêng tư cho siêu sao bóng rổ.

Tuy nhiên, như định mệnh mách bảo, Durant đã yêu cầu để Renowitzky cùng xe lăn của anh tiến vào khu vực của mình. Cuộc trò chuyện sau đó đã kết nối hai người bằng một chiếc vòng tay.

“Cậu ấy chỉ muốn kể cho tôi như thế nào bản thân lại rơi vào tình cảnh như hiện nay và làm thế nào để vượt qua được nỗi thống khổ đó”, Durant tiết lộ: “Tôi nghĩ đấy là câu chuyện đầy cảm xúc. Cậu ấy trao cho tôi chiếc vòng tay và tôi đã đeo từ đó tới giờ…”.

Câu chuyện của Renowitzky xảy ra vào năm 2007, khi chàng trai tuổi 20 đang đối mặt với tương lai xán lạn, chơi bóng bầu dục ở Chabot College và có giấy phép hoạt dộng ngành bất động sản, đồng thời không có bất cứ tiền sử nào liên quan đến tù tội hay quậy phá.

Vậy mà khi vừa cùng bạn bè rời một hộp đêm ở San Francisco dành cho lứa trẻ dưới 21 tuổi vào ngày 02/12/2007, Renowitzky đã bị cướp và bị bắn vào ngực. Kẻ nổ súng đã bỏ chạy và tới nay vẫn chưa phải đền tội.


Arthur Renowitzky bỗng phải ngồi xe lăn

“Mọi chuyện diễn ra quá nhanh”, Renowitzky hiện 29 tuổi nhớ lại: “Nhóc đó hẳn không lớn hơn tôi. Tôi chưa từng gặp hắn. Động tác bóp cò xảy ra nhanh quá. Tôi nằm bẹp trên đường với nỗ lực phải cứu mạng mình. Phản ứng đầu tiên của tôi là bật dậy và bỏ chạy, vì tôi đã chơi thể thao từ nhỏ tới lớn. Tôi là một VĐV đích thực”.

“Nhưng tôi đã bị sốc khi lần đầu tiên không thể sử dụng được đôi chân mình. Tôi chưa từng nghĩ có ngày mình bị tê liệt như thế”, Renowitzky thừa nhận. Sau đó, anh được chuyển ngay tới bệnh viện và hôn mê suốt 21 ngày. Anh tỉnh dậy vào đúng ngày Giáng sinh. Bác sĩ bảo anh bị liệt từ ngực trở xuống, nên sẽ chẳng bao giờ đi lại được, thậm chí có thể không bao giờ còn nói được nữa.

“Viên đạn xuyên thủng ngực tôi, lủng cả hai lá phổi và làm vỡ xương sống xung quanh đốt sống T3. Nó hoàn toàn phá hủy tủy sống và vẫn còn găm vào cột sống của tôi”, Renowitzky thú nhận.

Bi kịch ấy gây sốc tới mức Durant đã biết về hoàn cảnh của Renowitzky từ trước: “Bất cứ ai từng trải qua những chuyện như vậy đều thật đáng thương. Nó thật sự thử thách khả năng hồi phục của họ. Nó thử thách con tim, sức mạnh và lòng can đảm của họ. Chúng ta thường nói rất nhiều về ý chí quật cường trong thể thao, nhưng hãy tưởng tượng đến tình huống mà mình không còn bất cứ hy vọng nào xem”.

Dù vậy, Renowitzky vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Anh từng cầu nguyện cho mình có thể nói trở lại nhằm dùng lời nói để làm vài việc có ích. Anh đã rất cố gắng và rốt cuộc đã nói được vào năm 2008, thế là bắt đầu nghĩ cách thực hiện hứa hẹn thần thánh của mình.

“Tôi từng tự hỏi: ‘Mình có thể làm được gì bây giờ?’. Và rồi tôi biết mình muốn phát động một phong trào. Một đêm nằm trên giường và chịu cơn đau lan khắp người, tôi quyết định sáng lập một quỹ phòng chống các vụ nổ sung nhằm đảm bảo chuyện của mình không còn xảy ra với những người trẻ khác”, Renowitzky cho biết.


Kevin Durant luôn mang theo chiếc vòng "Life Goes On".

Vậy là vào năm 2009 Renowitzky sáng lập “Life Goes on” (LGO, tạm dịch là “cuộc sống vẫn tiếp diễn”) với sứ mệnh hỗ trợ các nạn nhân của những vụ nổ súng cùng những người chịu tổn thương tủy sống cùng các khuyết tật khác.

Renowitzky thú nhận anh đã đi giao lưu với rất nhiều trường trung học, nhà thờ, bệnh viện, các trường cao đẳng phục hồi chức cùng những CLB nam và nữ… ở California, chưa kể còn đến London và Dubai để tiếp xúc với hơn 100.000 thanh niên.

“Tôi không muốn chỉ gặp gỡ 100.000 người. Tôi muốn gặp cả triệu người”, Renowitzky thổ lộ: “Thông điệp của tôi là không bao giờ đầu hàng, phải cố tiếng lên vì cuộc sống cứ tiếp diễn. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào không quan trọng, điều mình cần làm là phải tiến lên…Tôi chẳng hiểu tại sao bi kịch này lại rơi vào mình, nhưng tôi cho rằng ắt hẳn phải có lý do của nó”.

Vì vậy, Renowitzky tìm đến Durant, trao tặng vòng tay khắc dòng chữ “Life Goes On” cùng logo và trang web của tổ chức này với hy vọng có thêm sự trợ giúp từ Cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng rổ NBA 2014.

Durant đã giúp, và giúp theo đúng phong cách của người Mỹ: Ủng hộ người khuyết tật không đơn giản chỉ là cho tiền, mà quan trọng là tạo được cho họ động lực để sống, lạc quan và có ích. Cách làm của anh là luôn đeo chiếc vòng tay “Life Goes On”, mọi lúc, mọi nơi.

Khi được nghe nhiều người kể rằng họ thường thấy chiếc vòng trên tay Durant, Renowitzky không giấu nổi hạnh phúc: “Anh ấy lẽ ra đã có thể quẳng nó đi. Nhưng anh ấy luôn đeo ở từng trận đấu. Điều đó càng thúc đẩy tôi nỗ lực do biết rõ những người nổi tiếng như vậy có thể ảnh hưởng lớn tới công việc của mình như thế nào”.


Arthur Renowitzky nay cũng chơi bóng rổ

“Trên thực tế thì khi mọi người thấy KD đeo vòng tay qua truyền hình, họ bèn tìm cách làm giống như vậy. Họ còn ‘tag’ tên tôi trong các bức ảnh của Warriors và trên Instagram. Từ lúc Durant đeo chiếc vòng ấy, hiệu ứng mà chúng tôi nhận được thật không ngờ”.

Điều đáng chú ý là giải bóng rổ NBA không chỉ có siêu sao Durant hỗ trợ Renowitzky, mà còn có cả Stephen Curry và Klay Thompson, những siêu sao khác của Warriors.

Curry cũng ủng hộ bằng cách đeo vòng tay “Life Goes On”, đồng thời còn tặng cho quỹ mấy tấm vé xem bóng rổ làm quà cho trẻ nhỏ. Thái độ nhiệt tình của các ngôi sao NBA thậm chí còn đưa Renowitzky tới với quả bóng cam: Anh hiện là hậu vệ dẫn bóng của đội bóng rổ ngồi xe lăn Sacramento Rollin Kings nên có dịp so tài cùng Thompson.

Sự ủng hộ về tinh thần của các ngôi sao NBA rốt cuộc đã làm được điều kỳ diệu: Renowitzky vừa tập tễnh đi trở lại, lần đầu tiên sau khi bị bắn, dù còn cần sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ.

Như vậy, Renowitzky rõ ràng đang ngày càng tiến gần đến lúc ước nguyện thành sự thật: Anh sẽ tự đi lại bằng chính đôi chân của mình. “Sẽ có ngày tôi lại đi được. Tôi tin tưởng vào điều đó”, Renowitzky tuyên bố.

Đến lúc ấy, xem ra lại phải nhắc tới Durant, Curry hoặc Thompson, những người góp phần truyền động lực sống cho Renowitzky, giúp anh vượt qua những thời khắc khó khăn để đợi được tới ngày trở lại bình thường.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội