Như những con sói lạc đàn, đến bao giờ Chicago Bulls mới thoát khỏi giấc mộng u ám này?
"Những gì chúng tôi làm đêm nay là vẽ ra một con đường mới", giám đốc của Chicago Bulls, John Paxson, phát biểu vào ngày 23/6/2017, thời điểm diễn ra NBA Draft năm đó.
Đây chính là ngày sau khi Chicago Bulls thực hiện thương vụ trade Jimmy Butler sang Minnesota Timberwolves. "Chúng tôi quyết định sẽ thay đổi bộ khung này, đem về những cầu thủ trẻ phù hợp với hệ thống của HLV Fred Hoilberg", John Paxson tự tin chia sẻ.
Còn nhớ thời điểm 1 năm trước khi Jimmy Butler về Chicago Bulls, đội bóng này đã chạm được đến đỉnh cao của cuộc tái thiết mùa giải 1990-2000. Với bộ khung Derrick Rose, Carlos Boozer, Luol Deng, Kyle Korver, Taj Gibson và Joakim Noah, Chicago Bulls đã đứng nhất miền Đông. Họ thậm chí tiến đến chung kết miền và để thua 1-4 trước Miami Heat. Tuy nhiên, hào quang đó đã trở nên dang dở bới những chấn thương cũng như lục đục nội bộ. Chính vì thế mà sau 7 năm gắng gượng không đem lại kết quả, Chicago Bulls đã quyết định đập đi xây lại.
19 tháng sau ngày John Paxson hùng hồn tuyên bố, liệu Chicago Bulls đang tiến được đến đâu trong công cuộc tái thiết đội bóng?
Sau tất cả, Fred Hoilberg cũng đã bị sa thải sau trận thua 105-121 trước Houston Rockets vào ngày 2/12/2018. Cũng trong tháng này, Chicago Bulls đã chịu một thất bại thảm hại trước Boston Celtics với tỷ số 133-77. Họ gặp rắc rối ở cả khâu tấn công lẫn phòng ngự khi chỉ dứt điểm thành công 38% và để Boston Celtics ném vào đến 22 quả 3 điểm. Đồng ý là Chicago Bulls đang tank, thế nhưng 58 điểm chính là khoảng cách thua tệ nhất trong lịch sử đội bóng. Trong số 31 trận đầu mở màn mùa giải này, họ đã để thua đến 6 trận với khoảng cách hơn 25 điểm. Tất nhiên, fan Chicago Bulls không hề dễ chịu với điều này.
Quay lại năm 2017, để đưa Jimmy Butler ra đi, Chicago Bulls đã đem về được bộ đôi Kris Dunn và Zach LaVine. Cùng với đó là cái tên Lauri Markkanen từ lượt pick thứ 7 ở NBA Draft 2017. Những cái tên này từng được xem như dấu chấm hết chính thức cho triều đại của HLV Tom Thibodeau tại Chicago Bulls.
Mùa hè năm 2018, đội bóng của huyền thoại Michael Jordan đã dùng lượt pick thứ 7 và 22 để đem về lần lượt là Wendell Carter Jr. và Chandler Hutchinson. Ngay sau đó 1 tháng, Chicago Bulls ký tiếp với tiền đạo Jabari Parker của Milwaukee Bucks. Nhìn lại sau 2 mùa, Chicago Bulls đang sở hữu một tập hợp những cầu thủ trẻ và có khả năng... trên lý thuyết.
Việc ký hợp đồng với Jabari Parker được xem là một nước đi khá lạ lùng của ban lãnh đạo Chicago Bulls. Rõ ràng động thái đem về một cái tên trên mức khá như Jabari Parker ở thị trường cầu thủ tự do thường là việc của những đội đang muốn nhắm tới mục tiêu chiến thắng trong mùa giải này. Tất nhiên, đó không phải Chicago Bulls. Chính vì thế, cơ sở hợp lý nhất để họ mang Jabari Parker về chính là vì Chicago Bulls muốn xây dựng đội bóng xung quanh cầu thủ 23 tuổi này.
Jabari Parker là một tiền đạo trên mức trung bình, sở hữu thể hình khá ổn và khả năng ghi điểm vòng trong cũng như rebound tốt. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của anh. 2 trong số 4 mùa giải đầu tiên, Jabari Parker đều không thể thi đấu trọn vẹn do chấn thương ACL. Tỷ lệ số trận anh chơi được trong 4 mùa chỉ là 56%. Bên cạnh đó, Jabari Parker cũng là một cầu thủ có khả năng phòng ngự rất tệ.
Có vẻ như câu chuyện về một cầu thủ sinh ra tại Chicago trở về thi đấu cho đội bóng quê nhà rồi trở thành siêu sao thật sự nghe rất thú vị. Tuy nhiên, fan Chicago Bulls đã hiểu qua rõ điều đó sau triều đại của Derrick Rose, cũng là một ngôi sao quê tại Chicago và phải đối mặt với chấn thương không ngừng. Rõ ràng, Jabari Parker vẫn chưa thể hiện được rằng anh và Chicago Bulls phù hợp với nhau ở điểm nào.
Sẽ có một giả thuyết nói rằng các cầu thủ sẽ phát huy khả năng của mình khi được vào sân thi đấu cùng nhau. Liệu đó có phải ý định của Chicago Bulls khi đem Jabari Parker về thi đấu cùng một cầu thủ khác?
Giả thuyết đó có thể áp dụng với nhiều cặp đồng đội khác. Nhưng với Jabari Parker và Zach LaVine, đó thật sự là một thảm họa. Có 2 điểm khiến cả hai giống nhau, đó chính là tiền sử chấn thương và khả năng phòng ngự rất tệ. Khi còn ở đội bóng cũ, Zach LaVine và Jabari Parker đều được các đồng đội khác gánh vác khâu phòng ngự. Tuy nhiên ở Chicago Bulls, khi cả hai cùng vào sân, không ai có thể gánh nổi. Những lúc đó, hàng thủ của Chicago Bulls chẳng khác nào một tờ giấy mỏng manh.
Lời nguyền chấn thương chưa dừng lại ở đó. Lauri Markkanen nghỉ 23 trận do chấn thương khuỷu tay. Kris Dunn ngồi ngoài 26 trận do chấn thương dây chằng giữa gối. Bobby Portis nghỉ 23 trận với cùng chấn thương. Trong khi đó, lượt pick vòng đầu của họ tại NBA Draft 2016, Denzel Valentine phải nghỉ hết mùa sau khi phẫu thuật cổ chân trái.
Sau khi Fred Hoilberg bị sa thải, Jim Boylen lên nắm quyền chỉ càng khiến sự việc ngày càng tệ hơn. Trong tuần đầu tiên, ông đã cho các cầu thủ Chicago Bulls tập luyện 3 buổi tập kéo dài 2h30p với nội dung hít đất và chạy. Điều đó đã dẫn đến cuộc họp nội bộ căng thẳng giữa cầu thủ và phía lãnh đạo. Người đứng đầu phía cầu thủ chính là Zach LaVine.
Ngày 18/12, trận đấu giữa Chicago Bulls và Oklahoma City Thunder đã xảy ra ẩu đả. Ngọn nguồn sự việc đến từ Kris Dunn và Russell Westbrook. Gần như tất cả cầu thủ của cả 2 đội đều lao vào để can ngăn. May mắn rằng mọi thứ vẫn được giữ trong tầm kiểm soát. Ngay sau trận, HLV Jim Boylen lại gây dậy sóng khi phát biểu về hành động của các cầu thủ Chicago Bulls trong vụ gây gổ:
"Hành động đứng lên chiến đấu để bảo vệ đồng đội như vậy đã thể hiện giá trị mà chúng tôi vẫn luôn đề cập. Chúng tôi luôn muốn xây dựng Chicago Bulls thành một bầy sói mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã phần nào đạt được điều đó. Tôi thích cái ánh nhìn của các cầu thủ Chicago Bulls khi vụ việc diễn ra".
Ẩu đả như vậy chưa bao giờ là giá trị của một đội bóng. Dường như Chicago Bulls đang lạc lối trong định nghĩa "bầy sói" mà giám đốc John Paxson đã đề cập 19 tháng trước. Liệu con đường cũ này có đang thực sự hợp lý?