Xếp hạng nguyên nhân từ nhỏ tới lớn gây nên khủng hoảng Lakers
Los Angeles Lakers từng đánh bại Golden State Warriors ở trận đấu tâm điểm tối Giáng sinh, một kết quả tưng bừng thực sự xứng với kỳ vọng của sự kết hợp giữa siêu sao hàng đầu và thương hiệu hàng đầu giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA.
Nhưng thắng 4 – thua 10 là kết quả sau khi thông tin về vụ trao đổi bất thành Anthony Davis được công bố. Với việc chịu hi sinh cả dàn cầu thủ trẻ tài năng nhưng vẫn thất bại ê chề trên bàn đàm phán, Lakers chịu một phen đả kích lớn.
Và khi siêu sao LeBron James trở lại nghiêm túc sau chấn thương, ngỡ tưởng sẽ dùng sức mạnh cá nhân để vựng dậy tinh thần cho Lakers, nhưng thực tế lại chứng kiến 9 trận thua trong 12 lần ra sân gần nhất của James.
Giờ đây, sự kết hợp giữa siêu sao hàng đầu và thương hiệu hàng đầu chỉ đưa ra một kết quả: Tỷ lệ 2 % cho dự đoán lọt vào nhóm playoff 2019 dành cho Lakers. Sẽ có những nguyên nhân và chúng được xếp hạng từ nhỏ tới lớn theo mức độ ảnh hưởng tới khủng hoảng Lakers hiện tại.
Hạng 7 – hạng nhẹ nhất – Dàn cầu thủ trẻ
LeBron James ban đầu từng nói rằng: “Tôi đến đây (Los Angeles) và xem xét các trận đấu như thể đang chơi bóng cùng các con của mình. Tôi đôi khi sẽ phải bước sang một bên để giúp họ tự do phát triển. Luôn cần thời gian để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của từng người”.
Nhưng sau những khó khăn gần đây, truyền thông bắt đầu mổ xẻ và công bố hàng loạt những phát ngôn của James với ý tứ ít nhiều đổ lỗi cho sự thiếu kinh nghiệm của hệ thống trẻ tại Lakers. “Họ cần có sự chuẩn bị tốt hơn cho từng trận đấu”, “hầu hết các thành viên trong đội đều chưa có kinh nghiệm chơi một trận playoff”, hay “họ không nên chú ý nhiều tới những việc khác”... – tất cả đều là những nhận xét gần đây mà siêu sao số 23 giáng xuống đầu dàn đồng đội trẻ.
Nhưng nghịch lý cũng được chứng minh qua chính kết quả thi đấu thực tế gần đây của Lakers. Khi James chấn thương, dàn trẻ Lakers đạt hệ số chiến thắng 0,33 %. Họ thắng 6 trong tổng 18 trận James vắng mặt.
Khi James trở lại, Lakers chỉ đạt 0,25 % hệ số chiến thắng với chỉ 3 trận thắng trong 12 trận gần nhất. Mọi thứ tệ đi khi hậu vệ Lonzo Ball gặp chấn thương trong khi Brandon Ingram và Kyle Kuzma kết hợp đều đặn có trung bình 44,3 điểm/trận để giúp Lakers duy trì kết quả không đến mức quá tệ trong thời điểm James vắng mặt.
Quan trọng hơn, dàn trẻ Lakers không hứng chịu thất bại thảm họa trước những đối thủ vào hệ tank (chấp nhận thứ hạng thấp để lấy pick Draft tốt) như Memphis Grizzlies, New York Knicks hay Phoenix Suns. Do đó, đổ lỗi cho dàn trẻ luôn rất không hợp lý. James buộc phải chấp nhận điều này khi anh xác định đến với Lakers.
Hạng 6 – Chủ sở hữu Jeanie Buss
Bà chủ của Lakers cũng được nhắc tới khi là người ra chỉ thị án binh bất động cho một số biện pháp thay đổi của chủ tịch vận hành Magic Johnson và giám đốc điều hành Rob Pelinka.
Magic và Pelinka từng muốn thay đổi vị trí “thuyền trưởng” của Lakers trong giai đoạn James chấn thương nhưng họ nhận được mật chiếu rõ ràng của Jeanie Buss rằng: “Hãy để yên cho Luke Walton vào lúc sóng gió này”.
Jeanie sẽ chịu một phần trách nhiệm nhưng bà không phạm sai lầm quá lớn, minh chứng qua việc những rắc rối lớn nhất trong cơn khủng hoảng lại nằm ở giai đoạn khi James đã quay trở lại thi đấu.
Hạng 5 – Huấn luyện viên Luke Walton
Phòng thay đồ của Miami Heat năm 2011, LeBron James đứng khoanh tay trước mặt của chủ tịch Heat Pat Riley. Heat lúc đó cũng đang gặp những khó khăn dạo đầu trước khi vươn lên trở thành nhà vô địch NBA trong hai năm 2012 và 2013.
Trong cuộc họp đội, James nói xoáy Pat Riley một câu: “Tôi hi vọng ông hiểu đội bóng này cần gì!” và Riley đanh thép trả lời: “Có! Tôi hiểu đội bóng này cần gì!”.
Nhiều người đang đòi hỏi vô lí ở Luke Walton khí chất và bản lĩnh cao cường như Pat Riley. Một huấn luyện viên trẻ 38 tuổi chẳng thể nào so được với một huyền thoại NBA 65 tuổi với vô số di sản vô địch. Ngoài ra, Luke Walton chỉ đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên, chẳng phải vai trò chủ tịch vận hành như Pat Riley thời Miami Heat năm 2011.
Có bằng chứng cho thấy Walton là một HLV có khả năng thuộc vào hàng tốt tại NBA dù chưa thực sự cứng cáp do vấn đề kinh nghiệm tuổi đời. Mùa giải 2015-16, Walton đã từng điều khiển Golden State Warriors đạt thành tích thắng 39 – thua 4 trong khoảng thời gian HLV trưởng Steve Kerr vắng mặt.
Hạng 4 – LeBron James
James đang trở thành một trong số những cá nhân phải nhận sự chỉ trích lớn nhất trong cơn khủng hoảng Lakers. Nhưng bình tĩnh suy xét, anh không hoàn toàn phải chịu sự chê trách lớn tới vậy. Với những người còn đang nghi ngờ về điều này, hãy nhìn vào những thống kê dưới đây.
Sau trung bình hơn 35 phút ra sân trong mỗi trận đấu tại mùa 2018-19, James ghi trung bình 27 điểm, 8 kiến tạo, 8,7 rebound và 1,4 lần cướp bóng.
Đáng lưu tâm nhất, anh nằm ngoài nhóm 10 cầu thủ chạm bóng nhiều nhất giải đấu. James có thực hiện ý định phát triển tài năng trẻ như lời hứa ban đầu hay không? Điều này khó có thể phủ nhận hoàn toàn. Tuy vậy ít nhất, người hâm mộ sẽ chẳng thể đòi hỏi hơn mức độ cống hiến chỉ số như vậy ở một ngôi sao đã bước sang tuổi 34.
Hạng 3 – Các chấn thương
Sau khi Lakers tiếp tục thất bại trước Los Angeles Clippers hôm thứ Ba vừa qua, LeBron James than thở với các phóng viên: “Những chấn thương đang gây tổn hại cho chúng tôi. Chúng tôi tự hào về độ sâu của mình vào đầu mùa giải, nhưng rõ ràng độ sâu này đã giảm dần trong suốt vài tuần qua.”
Có lẽ đây là lời than thở nhận được nhiều đồng tình nhất của James. Nếu Lakers không đạt thành mục tiêu playoff, họ nên chấp nhận sự rủi ro này giống như vô vàn các đội bóng NBA khác trong lịch sử.
Tính trong mùa giải năm nay, Lakers có số chấn thương gồm James (18 trận), Lonzo Ball (17 trận), Brandon Ingram (12 trận) và Rajon Rondo (34 trận). Những cái tên được nêu ra đều là những trụ cột của đội bóng.
Hạng 2 – Rich Paul
Rich Paul là người đại diện cho cả LeBron James và Anthony Davis. Dường như người đàn ông này đã quá vội vàng trong nỗ lực ghép đôi hai khách hàng tên tuổi nhất của mình trở thành cặp đồng đội cùng thi đấu tại Lakers.
James sẽ không có động thái tiếp cận thân mật với Davis nếu anh không nhận được lời “bơm vá” của Rich Paul. Hoặc ít nhất, là một tay đại diện lão luyện, Paul sẽ đưa lời khuyên để hạn chế những hành động có thể vi phạm tới luật lệ NBA của James.
Mặt khác, Davis được cựu giám đốc New Orleans Pelicans nhận xét “khá thoải mái” cho tới khi anh bị kích động bởi Rich Paul. Davis theo phe người đại diện để đồng ý đưa ra quyết định muốn được rời bỏ New Orleans.
Thị trường trao đổi NBA náo loạn từ đây dẫn tới những sự việc rắc rối như người hâm mộ đã được chứng kiến trong thời gian qua.
Hạng 1 – Hạng cao nhất – Magic Johnson
Nằm sau hậu trường nhưng Magic Johnson đang phải chịu áp lực một khi giới phân tích đã vạch ra những sai lầm của vị chủ tịch vận hành. Cơn khủng hoảng chỉ cháy bùng lên khi truyền thông quá chú ý vào tâm điểm LeBron James, nhưng lại quên mất những vấn đề của Lakers kể từ khi Magic lên nắm quyền.
Giới phân tích đã chỉ ra chuỗi sai lầm của Magic. Bắt đầu từ việc trao đổi Siêu dự bị 2018 Lou Williams để mang về lựa chọn Josh Hart. Tiếp đó, ông đẩy đi D’Angelo Russell, người đang có trung bình 27 điểm cùng 7 kiến tạo trong tháng Hai vừa qua cho Brooklyn Nets.
Quyết định chọn Lonzo Ball tại kỳ NBA Draft 2017 vẫn gây tranh cãi khi Lakers đã có thể lựa chọn cái tên sáng giá hơn là Jayson Tatum. Magic còn bị chê trách vì thái độ cầu hiền nửa vời với San Antonio Spurs và Oklahoma City Thunder, điều khiến họ bỏ qua 2 ngôi sao lớn gồm Kawhi Leonard và Paul George. Trong khi 2 siêu sao nói trên đều có ý rõ ràng muốn gia nhập Lakers.
Và cho tới vụ bẽ mặt vừa qua trong chiến dịch chiêu mộ Anthony Davis, Magic mắc thêm nhiều sai lầm khi ông để tài năng triển vọng Ivica Zubac ra đi một cách vô nghĩa.
Cộng thêm việc nóng lòng đặt cả dàn tài năng trẻ gồm Kuzma, Ingram, Lonzo và 3 lượt pick Draft tương lai vào gói trao đổi với Pelicans, Magic đã gây nên tổn hại cực lớn cho tinh thần gắn kết bên trong Lakers. Một tập thể đầy nghi hoặc từ bên trong sẽ thật khó để phát huy hết sức mạnh của họ.