Ba điểm nhấn đặc biệt về đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2024
Bà mẹ hai con Phạm Thị Huệ vượt nghịch cảnh, chèo thuyền tới Paris
34 tuổi, đã là bà mẹ hai con, tuyển thủ môn rowing quê Quảng Bình Phạm Thị Huệ chính là VĐV kỳ cựu nhất của đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ Olympic lần này. Càng ngọt ngào và sáng giá hơn bởi Huệ đã lần đầu đoạt suất Olympic chính thức đứng trong những tháng ngày cuối của nghiệp “phu thuyền” bền bỉ với 16 năm gắn bó trọn vẹn.
Thể lực và phong độ của Huệ cũng suy giảm nhiều so với thời đỉnh cao. Trước đó, Huệ cũng từng trải qua nghịch cảnh khó tin khi đạt chuẩn ở cả hai kỳ Olympic trước song không được chọn vào giờ chót. Cuối cùng cô đã vượt lên tất cả để tận dụng hoàn hảo “cơ hội của cuộc đời” ở vòng loại quyết định nhờ khát khao cháy bỏng, ý chí sắt đá, bản lĩnh cao cường và kinh nghiệm dày dặn của một VĐV đẳng cấp.
Ngoài Phạm Thị Huệ, thể thao Việt Nam còn có một bà mẹ hai con khác cũng xuất sắc giành quyền dự tranh Olympic, võ sĩ boxing 31 tuổi Hà Thị Linh. Tay đấm người dân tộc Tày này có quê gốc Lào Cai, khởi đầu từ thể thao Yên Bái ở môn bóng chuyền, và hiện đang tập luyện thi đấu cho Hà Nội.
Chân chạy 19 tuổi Nhi Yến gây sửng sốt trên “đỉnh” châu lục
Thiếu nữ 19 tuổi vừa kết thúc một hành trình tăng tốc và chinh phục khó tin, để vụt biến từ một gương mặt hoàn toàn vô danh thành hiện tượng đặc biệt của cả điền kinh châu lục.
Ngay trong giải đấu quốc tế đầu tiên của mình, SEA Games 32, Nhi Yến đã giành 2 huy chương SEA Games 32 ở hai cự ly tốc độ danh giá nhất 100m (HCĐ) và 200m (HCB). Chỉ hai tháng sau, đến giải vô địch châu Á, Yến tiếp tục gây sửng sốt khi lọt vào Top 8 nội dung 100m, và thêm hai tháng nữa, lại có mặt ở Top 8 Asian Games đường chạy 200m.
Điều đáng nói, chân chạy quê Long An đã liên tiếp lập kỳ tích gắn với những bước thăng tiến chóng mặt chỉ mới sau chưa đến hai năm ăn tập chuyện, từ tháng 9/2022. Chưa kể, trên hành trình kỳ lạ ấy, Yến còn phải “phân thân” để hoàn thành chương trình học và thi tốt nghiệp PTTH, cũng đạt kết quả đầy ấn tượng.
Và như một sự tưởng thưởng xứng đáng, Nhi Yến hội đủ mọi yếu tố để được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử rồi Liên đoàn Điền kinh Thế giới trao suất tham dự Olympic Paris. Cùng với Nhi Yến, thể thao Việt Nam còn có một gương mặt 19 tuổi khác là kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên. Bộ đôi Yến- Tiên đều có lần đầu tiên tham dự sân chơi lớn nhất thế giới
Có tới 13 trong tổng số 16 VĐV lần đầu “phó hội”
Tại Olympic 2024, thể thao Việt Nam chỉ ba người có lần thứ hai dự tranh là Nguyễn Thùy Linh (Cầu lông), kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và cung thủ Ánh Nguyệt. Còn lại có tới 13 trên tổng số 16 tuyển thủ đều mới lần đầu “phó hội”, một thống kê cao kỷ lục của thể thao Việt Nam qua các kỳ Đại hội.
Tỷ lệ số VĐV lần đầu góp mặt quá cao này cũng cho thấy năng lực tranh chấp, trình độ VĐV của thể thao Việt Nam hãy còn hạn chế như thế nào. Ngay cả ở việc đoạt suất Olympic một lần với tuyệt đại đa số các VĐV hàng đầu cũng quá khó, chứ chưa nói đến chuyện duy trì nhiều VĐV có sự ổn định để có thể nâng cao thứ bậc, đua tranh thành tích cao theo một chu kỳ 2-3 kỳ Đại hội giống những nền thể thao mạnh trên thế giới.
Với số lượng VĐV lần đầu dự tranh quá đông, rõ ràng bài toán kinh nghiệm và bản lĩnh tranh tài cũng đặt ra như một thử thách cực lớn cho lãnh đạo đoàn, huấn luyện viên và từng tuyển thủ, nhất là với một vài trường hợp được kỳ vọng phấn đấu tranh huy chương như lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh hay xạ thủ Trịnh Thu Vinh.