Các nhà tài trợ Olympic ứng phó như thế nào trước tình trạng bấp bênh của Tokyo 2020?
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là bắt đầu Olympic, nhưng hãng bia Asahi Breweries của Nhật vẫn chưa biết liệu người hâm mộ có được phép vào sân vận động để mua bia của họ hay không. Asahi hiện là 1 trong hơn 60 công ty Nhật đã cùng nhau ủng hộ khoản tiền kỷ lục hơn 3 tỷ đô la để tài trợ cho Tokyo 2020, một sự kiện mà hầu hết người Nhật hiện nay đều muốn bị hủy bỏ hoặc trì hoãn một lần nữa.
Các nhà tài trợ đã trả thêm 200 triệu đô la để gia hạn hợp đồng, sau khi Olympic bị trì hoãn vào năm ngoái. Nhưng theo 12 quan chức và nguồn tin tại các công ty trực tiếp tham gia tài trợ, nhiều nhà tài trợ chưa nắm chắc được cách thức tiến hành các chiến dịch quảng cáo hoặc các sự kiện tiếp thị liên quan tới Tokyo 2020.
Đơn cử như Asahi có độc quyền bán bia, rượu và bia không cồn tại các sân vận động. Nhưng hãng này sẽ không biết gì nhiều hơn cho đến khi có quyết định về khán giả trong nước có được vào sân hay không, và nếu có thì là bao nhiêu. Điều đó dự kiến chỉ được công bố vào ngày 20/6/2021, trước khi kết thúc tình trạng khẩn cấp hiện tại ở Tokyo.
Nhưng ngay cả khi khán giả được phép vào sân, chính quyền Tokyo chưa có kế hoạch cho phép uống rượu tại các điểm xem công cộng bên ngoài các nhà thi đấu. Do đó, người phát ngôn cho biết Asahi vẫn chưa thực hiện những thay đổi lớn về tiếp thị. Vào tháng 5, công ty bắt đầu bán bia "Super Dry" với thiết kế Tokyo 2020 mới theo kế hoạch.
Được biết tại Tokyo 2020, các nhà tài trợ được chia thành 4 loại. Đứng đầu là các nhà tài trợ toàn cầu, những đơn vị thường có các hợp đồng kéo dài nhiều năm. Ba cấp còn lại là các công ty có hợp đồng chỉ dành cho Olympic tại Tokyo.
Về việc các nhà tài trợ gặp khó khăn vì quyết định liên quan đến khán giả bị trì hoãn, ban tổ chức Tokyo cho biết họ đang làm việc chặt chẽ với các đối tác và tất cả các bên liên quan. Họ cũng cho biết ủy ban vẫn đang thảo luận với các bên liên quan về cách xử lý vấn đề khán giả và đang xem xét các yếu tố như hiệu quả, tính khả thi và chi phí.
Đối với nhà tài trợ toàn cầu Toyota Motor Corp, Tokyo 2020 là cơ hội để giới thiệu công nghệ mới nhất của hãng. Họ đã lên kế hoạch tung ra khoảng 3.700 xe hơi, bao gồm 500 chiếc sedan chạy pin nhiên liệu hydro Mirai để đưa đón các vận động viên và khách VIP giữa các địa điểm.
Toyota cũng đã lên kế hoạch sử dụng các xe tự lái để chở vận động viên đi khắp làng Olympic. Dự kiến sắp tới những chiếc xe như vậy vẫn sẽ được sử dụng, nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều - "khác xa so với những gì chúng tôi đã hy vọng và hình dung", một nguồn tin của Toyota cho biết.
Vì theo đánh giá của Toyota , một kỳ Olympic quy mô lớn mới đúng là một "khoảnh khắc tuyệt vời đối với ô tô điện". Tuy nhiên, người phát ngôn của Toyota từ chối bình luận về việc có bất kỳ thay đổi nào đối với hoạt động tiếp thị của hãng hay không.
Trong khi đó, nhà mạng không dây NTT Docomo Inc đã xem xét các chiến dịch để trình diễn công nghệ 5G, nhưng công ty đang chờ xem các nhà tổ chức quyết định gì về khán giả trong nước.
Các công ty du lịch JTB và Tobu Top Tours đã tung ra các gói liên quan đến Trò chơi vào giữa tháng 5, nhưng trang web của họ cho biết những gói này có thể bị hủy. Tobu Top Tours "đã thấy trước rằng tình hình sẽ thay đổi theo từng phút", nhưng vẫn đang bán các gói của họ theo kế hoạch. Công ty du lịch này và JTB cho biết họ sẽ hoàn tiền cho khách hàng nếu không có khán giả nào được phép vào sân hoặc Olympic bị hủy.
Các nhà tài trợ Olympic cũng đã lên kế hoạch cung cấp các dịch vụ đặc biệt như dùng tiệc cùng người nổi tiếng, VĐV nổi tiếng, hoặc sử dụng xe hơi và phòng chờ riêng... Nhưng giờ đây, một số công ty đã giảm bớt các kế hoạch đó xuống mức tặng vé xem Olympic kèm với chi phí ở khách sạn hoặc tặng quà...
Lo lắng trước tình trạng dân Nhật phản đối tổ chức Tokyo 2020, một số công ty trong nước đã ngừng kế hoạch quảng cáo có các vận động viên dự Olympic, hoặc ngưng hỗ trợ các đội tuyển quốc gia Nhật.
"Tôi lo lắng rằng việc phát sóng các quảng cáo Olympic có thể gây tác động tiêu cực cho công ty", một nhà tài trợ trong nước giải thích. "Tại thời điểm này, không có số tiền nào mà chúng tôi có thể nhận được đủ bù đắp cho những gì chúng tôi đã trả."
Dù tình hình đang phức tạp như vậy, Peter Grasse - nhà sản xuất sáng lập Mr + Positive, một công ty sản xuất quảng cáo có trụ sở tại Tokyo - cho biết các nhà quảng cáo quốc tế vẫn muốn tập trung vào Nhật vì Olympic.
Chẳng qua là hiện nay, một số nhà tài trợ toàn cầu cấp cao nhất, có hợp đồng kéo dài đến năm 2024, đang thu nhỏ các chương trình khuyến mãi ở Tokyo và hoãn ngân sách cho Olympic ở Bắc Kinh vào năm 2022, hoặc Olympic tại Paris vào năm 2024.
Nhưng với Tokyo 2020, chưa ai muốn từ bỏ cơ hội quảng bá thương hiệu, đặc biệt là những nhà tài trợ trong nước, vì sẽ phải đợi rất lâu, Nhật mới có quyền tổ chức Olympic nữa. "Đó là lý do tại sao chúng tôi không thể đơn giản từ bỏ", một nhà tài trợ trong nước xác nhận. "Ngay cả khi việc tiếp thị không hiệu quả."