Trước kỳ tích Nguyễn Văn Đương, Boxing Việt Nam từng một thời đã "chết"!
Trong thời kỳ trước, Boxing Việt Nam đã từng là một thế lực không thể lật đổ ở khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, võ đài tự do và các boxer thời bấy giờ cũng được mọi người xem trọng và đối xử hệt như những siêu sao thể thao quốc tế.
Boxing là một trong những môn được du nhập vào Việt Nam rất sớm, từ những năm 1920 của thế kỷ trước, và phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Tại miền Bắc, ngay cả trong thời gian giặc Mỹ bắn phá ác liệt, các giải đấu vẫn được tổ chức thu hút được sự quan tâm.
Riêng tại Hải Phòng, giải còn được đưa ra sân Lạch Tray mới đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Ngành thể thao ngoài nhiệm vụ tổ chức an toàn, hiệu quả còn đảm trách cả việc cảnh giác với máy bay Mỹ để sẵn sàng ứng phó.
Tuy nhiên, dù phát triển đến vậy, Boxing nói riêng và võ thuật Việt Nam nói chung lại phải trải qua một thời gian dài bị cấm thi đấu khiến sự phát triển của bộ môn này lùi về con số không.
Kỳ tích Olympic năm 1988
Trong hơn gần 3 thập kỷ trở về trước, Boxing là một môn quan trọng trong hệ thống các môn thành tích cao của Việt Nam. Sau thời kỳ mở cửa năm 1986, Boxing lại càng trở thành một môn thể thao được cộng đồng quan tâm.
Ở Olympic Seoul 1988, 2 tay đấm Đỗ Tiến Tuấn (hạng 67 kg) và Đặng Hiếu Hiền (48 kg) đủ tiêu chuẩn xét đặc cách dự tranh. Trong đó, võ sỹ Đặng Hiếu Hiền đã đánh bại đối thủ từ Tây Ban Nha ở vòng 1 trước khi dừng bước trước một võ sỹ của Mỹ, cường quốc về boxing. Đến SEA Games 1989, võ sĩ Tạ Quang đã lập chiến công đầu tiên với một tấm HCĐ.
Video hiếm hoi về trận đấu của tay đấm gạo cội Đặng Hiếu Hiền tại Olympic Seoul năm 1988.
Khi ấy, giải VĐQG boxing hàng năm có sức hút đặc biệt không thua gì bóng đá. Các trận đấu luôn có vòng trong vòng ngoài khán giả vây kín tạo ra những cơn sốt thực sự. Một số gương mặt xuất sắc có vị thế đúng là ngôi sao, tiêu biểu như nhà vô địch tuyệt đối hạng 67kg Vũ Tiến Tuấn, với biệt danh “Mike Tyson đất Cảng”.
Vỡ sới, ẩu đả và “án tử”
Những tưởng với sự quan tâm lớn mạnh của cộng đồng như thế, Boxing sẽ phát triển nhanh chóng vượt bậc, nhưng rồi một sự cố xảy ra để mọi thứ quay trở về vạch xuất phát. Năm 1994, tại giải vô địch quốc gia được tổ chức ở Hải Phòng đã xảy ra scandal lớn nhất lịch sử boxing Việt Nam. Sự ăn thua thái quá của các võ sĩ, vận động viên đã dẫn đến một cuộc ẩu đả trong toàn khu vực thi đấu.
Sau sự cố nghiêm trọng này, ngành thể thao đã ra quyết định vô cùng cứng rắn: Cấm toàn bộ các hoạt động của bộ môn boxing. Điều này đã khiến boxing từ một môn thể thao có sức hút ngang với bóng đá trở thành một môn thể thao chết.
Những VĐV, HLV ai còn đủ đam mê thì ráng bám trụ ở những môn đối kháng khác như võ cổ truyền, Tán Thủ,.... Số còn lại thì từ bỏ nghiệp võ đài để mưu sinh. Boxing Việt đã "chết" trong 8 năm trời cho đến khi Nhà nước gỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2002.
Sự trỗi dậy của Boxing Việt hiện đại
Chỉ sau 18 năm tính từ ngày boxing được hợp pháp hóa trở lại tại Việt Nam, môn thể thao này đang dần lấy lại vị thế ban đầu của nó. Trên đấu trường khu vực, tính từ chiếc HCV SEA Games đầu tiên kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập trở lại, của võ sỹ Lương Văn Toản (81 kg) vào năm 2011, tổng cộng đã có thêm 6 HCV nữa được các boxer Việt Nam mang về.
Chưa hết, chúng ta đã có tấm HCV châu Á (năm 2017), HCĐ thế giới (2019) và nhiều thành tích khác ở các cấp độ trẻ. Đặc biệt, hiện tại, chỉ trong vòng 2 năm trở lại, boxing Việt đã xuất hiện mô hình thi đấu chuyên nghiệp.
Võ sĩ Việt cũng bắt đầu "chuyển mình" hướng đến mô hình boxer chuyên nghiệp đúng nghĩa khi tham dự các trận tranh đai (WBA, WBO...) trong phạm vi khu vực. Trong sự phát triển như xu thế tất yếu đó, không thể không nhắc tới hình thức xã hội hóa thể thao mà nhờ đó đã thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh doanh võ thuật, mở ra nhiều các giải đấu hơn cho các võ sỹ thi đấu cọ xát nâng cao trình độ. Các phòng tập tư nhân, đơn vị tư nhân, rõ ràng, đã phối hợp với ban ngành thể thao nhà nước để đào tạo, phát triển võ sĩ ngày một toàn diện.
Cho đến ngày hôm nay, khi Nguyễn Văn Đương giành được tấm vé tham dự Olympic 2020, có thể nói rằng boxing Việt đang đi vào đúng quỹ đạo phát triển vốn có của nó. Tấm vé vào Olympic của Nguyễn Văn Đương cũng chính là thành quả của sự phối hợp nhịp nhàng: quản lý nhà nước và xã hội hóa thể thao.
Có thể, đã từng một thời Boxing Việt Nam "chết yểu"! Nhưng bây giờ và tương lai, NHM Boxing nước nhà có thể tự tin sống với những hy vọng rằng môn thể thao vua ngày nào sẽ còn phát triển rực rỡ hơn nữa. Và tấm vé dự Olympic của Văn Đương sẽ là cầu nối giúp các võ sỹ Việt Nam tự tin hơn trên hành trình tìm đường hội nhập đẳng cấp Boxing thế giới.