Dấu ấn điền kinh châu Á tại Olympic Tokyo 2021

thứ ba 10-8-2021 10:02:00 +07:00 0 bình luận
Môn thể thao nữ hoàng của Thế vận hội đã để lại nhiều dấu ấn khó quên với hàng loạt thông số thú vị. Dấu ấn đọng lại của điền kinh châu Á, Đông Nam Á hay Việt Nam tại Olympic Tokyo là gì?

Điền kinh Olympic Tokyo diễn ra từ 30/7 đến 8/8/2021 tại hai địa điểm là sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo (tất cả các nội dung chạy, nhảy, đẩy, ném) và Sapporo (đi bộ và marathon). Đã có 48 bộ huy chương được trao, 3 kỷ lục thế giới, 12 kỷ lục Olympic, 28 kỷ lục châu lục và 151 kỷ lục quốc gia đã được thiết lập.

Mỹ vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng toàn đoàn dù đánh mất vị thế số 1 ở nhiều nội dung, trong đó thua toàn bộ tại các nội dung chạy ngắn 100m, 200m hay 4x100m, cũng như không có tấm huy chương vàng nào từ nhảy xa, nội dung cũng từng ghi dấu ấn đoàn Mỹ nhiều Olympic qua.

Còn ở châu Á, gần hơn là Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam thì dấu ấn điền kinh như thế nào tại Olympic lần này?

Quách Thị Lan ấn tượng với 400m rào nữ

Quách Thị Lan (giữa) lọt vào bán kết 400m rào nữ tại Olympic Tokyo - Ảnh: AP

VĐV của Việt Nam tham dự Thế vận hội lần này ở nội dung 400m rào. Cô gái sinh năm 1995 không chỉ là người Đông Nam Á duy nhất mà còn là người gốc Á duy nhất tranh tài nội dung này. Với thành tích xếp thứ tư ở lượt chạy vòng loại cùng thông số 55 giây 71 (55.71), Quách Thị Lan giành quyền vào thẳng vòng bán kết, trở thành nữ VĐV châu Á thứ 5 vào đến bán kết 400m rào nữ kể từ lần đầu nội dung này góp mặt ở Olympic 1984.

Quách Thị Lan cũng trở thành VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam vào đến bán kết một nội dung chạy có đấu vòng loại của Thế vận hội. Dù dừng bước ở bán kết với thông số 56.78 trong một ngày mưa gió, nhưng cô gái xứ Mường vẫn có những mốc son mới trong sự nghiệp của mình.

Kỷ lục quốc gia đáng khen cho Đông Timor

Ít ai ngờ rằng, Cộng hòa Đông Timor, quốc gia nhỏ xíu tại Đông Nam Á lại có kỳ tích này, dù hầu như không ai để ý tới. Chỉ có một VĐV điền kinh duy nhất tham dự, nhưng Felisberto de Deus đã xuất sắc lập kỷ lục quốc gia mới ở nội dung chạy 1500m với thành tích 3:51.03, dù bị loại ngay ở vòng 1 và cũng chỉ về cuối cùng trong số 16 VĐV chạy lượt 1 vòng loại.

Felisberto de Deus phá kỷ lục quốc gia Đông Timor chạy 1500m nam ở Olympic Tokyo - Ảnh: W.A

Đây là kỷ lục quốc gia duy nhất ở môn điền kinh của các nước Đông Nam Á tại Olympic Tokyo. Và thậm chí, 3:51.03 còn là thông số đủ để cạnh tranh HCV SEA Games khi nhà vô địch SEA Games 30 Dương Văn Thái giành về nhất với thông số thấp hơn là 4:06.63.

2 nữ VĐV Đông Nam Á vượt qua vòng sơ loại

Ngoài Quách Thị Lan (400m rào), Đông Nam Á có hai nữ VĐV khác tham dự nội dung chạy 100m cũng ở diện đặc cách. Alvin Tehupeiory (Indonesia) và Azreen Nabila Alias (Malaysia) đều qua vòng sơ loại nhưng dừng bước ở vòng loại.

Tehupeiory xếp thứ 3 lượt chạy của mình ở vòng sơ loại với thành tích 11.89 và giành vé vào vòng loại, nhưng dừng bước khi về cuối lượt chạy với thông số 11.92.

Azreen Nabila Alias (Malaysia) có thông số chạy 100m nữ tốt hơn SB của Lê Tú Chinh - Ảnh: Malaysia Athletics

Trong khi đó, Alias đặc biệt hơn một chút khi cô về nhì lượt chạy sơ loại của mình với thành tích 11.77, nhỉnh hơn cả thông số tốt nhất mùa giải (SB) của Lê Tú Chinh, nhà vô địch 100m SEA Games 30, người có thành tích 11.79 tại Cúp Tốc độ 2021 hồi tháng 4. Nhưng Alias cũng dừng bước tại vòng loại khi về cuối lượt chạy với thành tích 11.91.

Một VĐV đáng chú ý khác của Đông Nam Á là Kristina Knott (Philippines), nhà vô địch kiêm kỷ lục gia SEA Games 30 chạy 200m, đã bị loại ngay ở vòng sơ loại với thành tích kém xa mong đợi.

Thành tích chung của điền kinh châu Á

14 VĐV điền kinh Đông Nam Á không tạo ra bất ngờ đặc biệt nào và dĩ nhiên không thể giành huy chương. Vì vậy, những tấm huy chương đều đến từ các cường quốc châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Bahrain, Qatar hay mới nhất là Ấn Độ.

Các VĐV điền kinh châu Á đã giành tổng cộng 10 huy chương các loại, trong đó có 4 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ.

4 tuyển thủ châu Á giành vàng là: Gong Lijiao (Trung Quốc, đẩy tạ nữ, 20.58m), Mutaz Essa Barshim (Qatar, nhảy cao nam, 2.37m), Liu Shiying (Trung Quốc, ném lao nữ, 66.34m) và Neeraj Chopra (Ấn Độ, ném lao nam, 87.58m).

Đáng chú ý là Mutaz Essa Barshim đã cùng Gianmarco Tamberi (Italia) tạo ra một sự kiện nhiều cảm xúc nhất ở môn nhảy cao nam khi cùng nhau chia sẻ tấm HCV. Lần đầu tiên trong lịch sử điền kinh Thế vận hội có một nội dung có đến 2 VĐV cùng giữ HCV.

Neeraj Chopra đi vào lịch sử điền kinh Ấn Độ và Thế vận hội với tấm HCV ném lao nam - Ảnh: IOC

Còn với Neeraj Chopra, anh đi vào lịch sử khi là người Ấn Độ đầu tiên giành HCV điền kinh sau hơn 100 năm quốc gia này tham dự Thế vận hội.

4 VĐV giành HCB gồm: Wang Zheng (Trung Quốc, ném tạ xích nữ, 77.03m), Zhu Yaming (Trung Quốc, nhảy 3 bước nam, 17.57m), Koki Ikeda (Nhật Bản, đi bộ 20km nam, 1:21:14) và Gezahegne Kalkidan (Bahrain, 10000m nữ, 29:56.18).

Còn lại, hai tấm HCĐ của các VĐV điền kinh châu Á tại Olympic Tokyo thuộc về Toshikazu Yamanishi (Nhật Bản, đi bộ 20km nam, 1:21:28) và Liu Hong (Trung Quốc, đi bộ 20km nữ, 1:29:57).

Khang Vinh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội