Gặp gỡ cặp "vợ chồng" đồng tính đi vào lịch sử Olympic
Với việc cùng ra sân thi đấu trong trận đấu tại bảng B môn khúc côn cầu Rio 2016 giữa Vương Quốc Anh và Argentina, Kate và Helen Richardson-Walsh vừa trở thành cặp đôi đồng tính đã kết hôn đầu tiên thi đấu cùng nhau tại một kỳ Olympic.
Thật ra, Rio 2016 đã là kỳ Olympic thứ 4 mà Kate và Helen góp mặt. Tình yêu giữa hai người bắt đầu nảy nở cách đây khoảng 8 năm, trước thời điểm diễn ra Bắc Kinh 2008. Sau một khoảng thời gian dài tìm hiểu, cặp này đã quyết định "góp gạo thổi cơm chung" vào năm 2013.
Sống trong một căn hộ tại thành phố Reading, việc lái xe từ nhà đến Trung tâm Bisham Abbey Sports để tập luyện đã trở thành thói quen của đôi này. Mặc dù đã thành hôn, Kate và Helen đều thừa nhận rằng không bao giờ có chuyện tình yêu đôi lứa khi tập luyện và thi đấu trong đội tuyển.
Để giữ được sự cân bằng giữa việc công và việc tư, hai người đặt ra quy định rất rõ ràng về việc lúc nào nên và lúc nào không nên nói chuyện về khúc côn cầu khi ở nhà.“Trong đội tuyển, chúng tôi là hai cá thể riêng biệt, và đó cũng là cách mà các đồng đội cũng như ban huấn luyện nhìn nhận chúng tôi”, Kate cho biết.
“Chúng tôi thi thoảng cũng nói chuyện về khúc côn cầu khi ở nhà. Cả hai đều mong muốn giúp cho đội tuyển trở nên mạnh mẽ nhất có thể. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng hạn chế nói về những chuyện đó một cách tối đa để tận hưởng nhiều hơn không khí gia đình”, Helen chia sẻ thêm. “Chúng tôi muốn giành được HCV Olympic. Đó là mơ ước mang tính cá nhân, vì vậy, chúng tôi không bao giờ để mối quan hệ tình cảm ảnh hưởng đến mục tiêu đó”.
Cùng được gọi lên đội tuyển U.18 khúc côn cầu Vương Quốc Anh lần đầu tiên vào năm 1999, Kate và Helen bắt đầu sống cùng nhau từ năm 2001. Đến năm 2008, hai người chính thức tìm hiểu nhau sau khi cả Kate và Helen đều trả qua một cuộc đổ vỡ trong tình cảm. Với Kate, đó là một tình yêu sâu đậm với một người đàn ông, còn Helen thì vừa quyết định chấm dứt tình yêu với một người cùng giới.
“Ở thời điểm đó, chúng tôi không phải là những người đồng nghiệp quá thân thiết với nhau. Tuy nhiên, cả hai đều đã quyết định tiến sâu hơn về vấn đề tình cảm. Helen và tôi có những điểm chung về tư tưởng và cách sống, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều điều xung khắc nhau”, Kate nhớ lại.
Trong khi đó, Helen cảm thấy rất vui khi nhìn lại quãng thời gian đã qua, kể từ khi bắt đầu tình cảm với Kate. “Khi chúng tôi bắt đầu công khai tình cảm, các đồng đội nhìn chúng tôi theo kiểu ‘Trời ơi, thật không thể tin nổi’. Nhưng đến bây giờ, mọi người rất đón nhận chuyện này, điều đó thật tuyệt”.
Sau khi giành được chiếc HCĐ tại London 2012 cùng đội tuyển khúc côn cầu Vương quốc Anh, Kate và Helen đã đi tới hôn nhân vào năm 2013. Helen cho biết, cô cảm thấy tự hào về môn thể thao mình theo đuổi và những người đồng nghiệp thi đấu bên cạnh mình. Bởi lẽ, không một ai cảm thấy nghi ngờ hay không hài lòng về chuyện tình cảm của cô với Kate.
Sau khi Rio 2016 kết thúc, đôi này sẽ rời khỏi CLB Reading để chuyển tới Hà Lan. Đội bóng đang được cả hai nhắm đến là HC Bloemendaal. Về kế hoạch dài hơi, Kate đang có ý định học thêm một bằng cử nhân tâm lý tại trường Đại học Open. Trong khi đó, cầu thủ có số lần khoác áo đội tuyển khúc côn cầu Vương quốc Anh nhiều nhất, Helen đang vun đắp ước mơ theo nghiệp huấn luyện.
Tại kỳ Olympic lần này, đội tuyển khúc côn cầu Vương quốc Anh đang nhận được rất nhiều sự kỳ vọng trong việc mang “vàng” về cho quê hương. Tuy nhiên, theo quan điểm của Kate, mọi người cần có một cái nhìn thực tế hơn với lứa cầu thủ trẻ hiện tại.
“Mọi người đang muốn những cô gái trẻ này trở nên hoàn hảo ngay lập tức. Truyền thông đang đưa sự việc theo chiều hướng xa rời thực tế. Với tôi, hãy để cho các cô gái cảm thấy hạnh phúc và tự tin khi thi đấu. Chỉ có như vậy, họ mới có thể phát huy hết khả năng của mình và làm được những điều không thể”, Kate nhấn mạnh.
Kết quả trận đấu giữa ĐT Vương Quốc Anh và Argentina:
Với kết quả này, các nữ cầu thủ Vương quốc Anh đã chính thức lọt vào vòng tứ kết môn khúc côn cầu tại Rio 2016.