Khả năng Việt Nam giành huy chương Olympic mới dừng ở mức hy vọng
Dù khẳng định quyết tâm “mang huy chương về” song trong cuộc trao đổi với webthethao, ông Trần Đức Phấn -Trưởng đoàn TTVN tại Olympic 2016 thừa nhận khả năng đó mới chỉ dừng lại ở mức hi vọng và phấn đấu. Sứ mệnh tranh chấp huy chương vẫn được đặt vào đô cử Thạch Kim Tuấn, người mới bị tái phát chấn thương đầu gối.
*
**
* Xin được hỏi ông về một nội dung thời sự đang được quan tâm đặc biệt, chuyện tái phát chấn thương đầu gối của đô cử Thạch Kim Tuấn?
- Cách đây vài ngày, Tuấn đã bị đau đấu gối trở lại, khiến anh phải điều chỉnh kế hoạch, khối lượng tập luyện để tập trung điều trị. Rất may qua một ngày nhập Làng Olympic, với các điều kiện, liệu pháp y học đặc biệt, Tuấn đã không còn đau, lại bắt đầu có thể tập luyện bình thường. Tuy nhiên, phải thừa nhận Tuấn khó thể bình phục hoàn toàn, và gần như chắc chắn phải chấp nhận nén đau để tranh tài. Chúng tôi sẽ bám sát mọi diễn biến để luôn kịp thời ứng phó. Một bác sĩ đã được cử để theo dõi, chăm sóc riêng cho Tuấn.
* Từ đây ông đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng, cũng như khả năng tranh chấp huy chương của Tuấn?
- Rất đáng tiếc vì Tuấn tái phát đau, nhất là thời điểm Olympic đã cận kề. Chúng ta cũng không thể không tính đến những diễn biến khó lường có thể xảy ra nơi cái đầu gối của Tuấn. Khả năng tranh chấp của Tuấn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Thế nhưng, tôi cho rằng, Tuấn vẫn sẽ có thể vượt khó để kịp chứng tỏ tài năng, sức vươn của mình đúng thời điểm quyết định. Hi vọng Tuấn sẽ tái lập được tinh thần, ý chí tuyệt vời, chí ít như giải vô địch thế giới 2015 khi giành 1 tấm HCĐ trong tình trạng đang bị chấn thương hành hạ.
* Có nghĩa là Tuấn vẫn được xem như niềm hy vọng lớn nhất cho một tấm huy chương, thưa ông?
- Đúng vậy. Dù đang gặp phải khó khăn rất lớn cả về mặt khách quan lẫn chủ quan, song cơ hội của Tuấn vẫn cao hơn hẳn một số niềm hy vọng còn lại như Vương Thị Huyền cũng ở môn cử tạ, hay Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng. Tuấn vẫn đang là một trong 3 đô cử nam có thành tích tốt nhất và phong độ ổn định nhất hạng 56kg.
* Sao không thấy ông nhắc tới ngôi sao Ánh Viên trong số những niềm hi vọng?
- Chúng tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Ánh Viên có thể lọt vào chung kết một vài nội dung song để phấn đấu đoạt huy chương là rất khó. Tất nhiên, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tin tưởng Viên sẽ đột phá để làm được điều gì đó đáng kể.
* Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất đối với các tuyển thủ Việt Nam khi tranh tài tại Olympic?
- Đó là vấn đề tâm lý mà chúng tôi đang rất lo lắng. Có lẽ phần nào đó ngoại trừ Thạch Kim Tuấn, còn lại các tuyển thủ đều có hạn chế này, mà có thể sẽ bộc lộ rõ nhất ở một đấu trường đỉnh cao như Olympic. Không chỉ một người lần đầu dự Olympic như đô cử Vương Thị Huyền mà cả một cựu binh như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Do điều kiện nên VĐV Việt Nam không có bác sĩ hay chuyên gia chuyên về tâm lý trong tập luyện bình thường hay tại các cuộc đấu.
Để khắc phục, chúng tôi đã có phương án chuẩn bị thi đấu cho từng tuyển thủ, đặc biệt những niềm hi vọng, trong đó có việc làm sao để giải tỏa áp lực, nâng cao tinh thần thi đấu.
* Trong quá trình chuẩn bị cũng như trước ngày lên lên đường, ngành thể thao và bản thân ông đều chỉ đề cập đến chuyện phấn đấu có huy chương, chứ đó chưa phải là một chỉ tiêu cụ thể. Ông nghĩ gì khi nhiều người cho rằng đó là một sự nửa vời?
- Chúng tôi hiểu rõ kỳ vọng và đòi hỏi chính đáng của mọi người về một tấm huy chương sau 8 năm. Và chính những người làm thể thao chúng tôi còn khát khao, mong muốn hơn ai hết. Thế nhưng, việc đặt ra mục tiêu phải dựa trên thực tế, và thực sự khả năng tranh huy chương của chúng ta dù có nhưng mới chỉ dừng lại ở mức hy vọng và phấn đấu.
Nói như thế không có nghĩa là e ngại gì cả, mà hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi sẽ quyết tâm, nỗ lực “chiến đấu tới cùng” để có huy chương mang về.
* Xin cảm ơn ông.