Olympic 2016: Mo Farah hoàn thành "cú đúp vàng" 5.000m và 10.000m
Bảo vệ thành công HCV 5.000m, Mo Farah đã hoàn thiện bộ sưu tập 2 "cú đúp" 5.000m và 10.000m ở 2 kỳ Olympic liên tiếp - kỳ tích sau 40 năm mới có ở Olympic.
Mo Farah không có thêm bất cứ cú vấp ngã nào khi giành HCV 5.000m với thời gian 13 phút 3 giây 30. Đây là tấm HCV thứ 2 của Mo Farah ở Olympic 2016, giúp anh hoàn thiện bộ sưu tập 2 "cú đúp" 5.000m và 10.000m ở 2 kỳ Olympic liên tiếp.
Muốn tìm được người làm điều tương tự Mo Farah phải ngược dòng thời gian về 40 năm trước, khi Lasse Viren (Phần Lan) lập kỳ tích tại Munich 1972 và Montreal 1976.
Nhưng dù không vấp ngã thêm thì tại vòng loại 5.000m, Mo Farah lại khiến những người hâm mộ anh thót tim khi có va chạm với Hassan Mead (Mỹ) lúc cách đích 150m. Rất may, Mo Farah lấy lại thăng bằng kịp thời và về đích thứ 3, đủ tiêu chuẩn để lọt vào chung kết.
Trước đó, Mo Farah đã có tấm HCV Olympic 2016 đầu tiên ở cự ly 10.000m đầy trắc trở nhưng cũng giàu cảm xúc trong hoàn cảnh anh bị vấp chân ngã vào người bạn Rupp (Mỹ) khi đang chạy.
Sau khoảng 3.000m, Mo Farah đã lần lượt loại bỏ một loạt đối thủ để vươn lên tốp đầu. Trong vòng cuối, Mo Farah hoàn thành với thời gian 52 giây 83 bằng những bước nước rút thần tốc. Anh dễ dàng vượt qua Paul Chelimo (Mỹ) ở 100m cuối cùng.
Paul Chelimo (Mỹ) đoạt HCB với thời gian 13 phút 3 giây 90. Đây mới là chiếc huy chương đầu tiên của Mỹ ở nội dung này kể từ Tokyo 1964. Hagos Gebrhiwet (Ethiopia) nhận HCĐ.
“Với tôi, điều này có ý nghĩa rất lớn. Tôi không thể nào tin rằng tôi đã làm được”, Mo Farah bộc lộ cảm xúc sau chiếc HCV lịch sử. “Tôi chưa bao giờ từng mơ tưởng ai đó gọi mình là VĐV vĩ đại. Tôi vẫn thường nghĩ như cách mọi đứa trẻ vẫn nghĩ, giá mà có thể giành 1 chiếc HCV và giờ tôi có đến 4 chiếc. Thật không thể tin nổi”.
Tương tự Usain Bolt, Mo Farah từng tuyên bố anh sẽ từ giã sự nghiệp của một VĐV chuyên nghiệp sau giải VĐTG 2017. Nếu không có gì bất ngờ, đây là giải Olympic cuối cùng của anh.
Chiến thắng của Mo Farah củng cố thêm vị thế của đoàn Anh trên bảng tổng sắp huy chương. Hiện đoàn Vương quốc Anh vẫn hơn Trung Quốc 2 HCV trong khi Trung Quốc chỉ còn 4 trận chung kết (bóng chuyền nữ, marathon nam, vật tự do 86kg, đua xe đạp MTB)
4x400m nam, nữ: Người Mỹ lên tiếng
Ở nội dung 4x400m, người Mỹ đã gỡ gạc thể diện được phần nào với 2 tấm HCV ở cả hai nội dung nam và nữ sau khi họ bị thất thế so với các đội tuyển khác ở các cự ly ngắn, đặc biệt là đội tuyển Jamaica. Đội tiếp sức 4x400m nam của Mỹ đã vượt qua đối thủ Jamaica với thời gian 2 phút 57 giây 30.
Allyson Felix giúp Mỹ giành thêm chiếc HCV thứ 6 ở nội dung 4x400m nữ. Mỹ vẫn thống trị nội dung 4x400m nữ kể từ sau giải Barcelona 1992, nơi họ chỉ có HCB. Trước đó, Allyson Felix cũng tỏa sáng khi dẫn đầu đội tuyển Mỹ đánh bại đội tuyển Jamaica ở nội dung 4x100m nữ. Với 6 chiếc HCV, Allyson Felix là một trong những VĐV nữ vĩ đại nhất trong lịch sử của điền kinh Mỹ.
Nhảy cao: Không bao giờ là muộn
Ở môn nhảy cao, Ruth Beitia đã khiến giới chuyên môn bất ngờ khi cô đạt thành tích 1,97m. Nhảy cao là môn thể thao mà nhiều người cho rằng tuổi trẻ có nhiều lợi về sức bật. Điều thú vị là VĐV Tây Ban Nha làm được kỳ tích ở tuổi 37. Đây cũng là chiếc huy chương Olympic đầu tiên của cô trong sự nghiệp.
800m nữ: Chiến thắng của VĐV lưỡng tính
Ở nội dung 800m nữ, Caster Semenya giành thêm 1 HCV cho đoàn Nam Phi. Đáng chú ý Semenya là VĐV lưỡng tính. Cô từng giành HCB tại London 2012 cũng ở nội dung này. Giới tính Semenya là chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều năm qua, sau mỗi cuộc thi đấu điền kinh đỉnh cao.
Sau hơn 11 tháng điều tra, IAAF kết luận Semenya là người lưỡng tính với kết quả xét nghiệm cho thấy Semenya có lượng testosterone (hormone nội tiết nam) cao gấp nhiều lần mức bình thường ở cơ thể nữ, đồng thời không có tử cung và ống dẫn trứng.