Olympic mùa đông 2022: Những độc, lạ biến Na Uy bé nhỏ thành cường quốc số 1
Trong thế giới thể thao nơi tài chính từ lâu đã trở thành yếu tố quyết định nhất đối với thành công của một đội hoặc quốc gia thì với dân số chỉ hơn năm triệu người, Na Uy đang thách thức tất cả và chắc chắn lại tìm cách nhấn mạnh sự thống trị của họ ở Bắc Kinh - chủ nhà Olympic mùa đông 2022 diễn ra từ 4-20/2. Đất nước Bắc Âu này hiện được xem như một mô hình độc, lạ để thành công của thể thao thế giới.
Vì với dân số vỏn vẹn 5,4 triệu người và ngân sách khiêm tốn so với các cường quốc thể thao thế giới, họ lại đang có tổng số huy chương nhiều nhất trong lịch sử Olympic mùa đông với 368 chiếc tính từ năm 1924.
Độc đáo hơn nữa, như tại PyeongChang 2018, Na U đứng đầu bảng xếp hạng với 39 huy chương. Con số đó gấp đôi thành tích của Mỹ, mặc dù lực lượng của Mỹ gấp đôi Na Uy.
Càng ấn tượng hơn nếu biết Na Uy không dùng tiền để chạy đua thành tích. Trong năm 2018, ngân sách hàng năm được duyệt cho các môn thể thao mùa hè và mùa đông vỏn vẹn 13,7 triệu bảng. Tương ứng của Anh là 137,5 triệu bảng, bao gồm 8 triệu bảng dành cho thể thao mùa đông.
Không xây dựng thành công bằng nguồn tài trợ khổng lồ, Na Uy chọn cách trở thành cường quốc thể thao bằng cách tiếp cận toàn diện để thu hút số lượng người tham gia rất cao.
Trong khi môi trường đóng một yếu tố rất quan trọng để thành công với Olympic mùa đông - tất nhiên là phần lớn Na Uy được tuyết bao phủ, cách tiếp cận toàn diện của đất nước Bắc Âu đối với thể thao đóng vai trò là nền tảng để khuyến khích thanh niên thử sức với các thể loại vận động càng nhiều càng tốt.
Chủ tịch Ủy ban Olympic của Na Uy Tom Tvedt cho biết: "Tầm nhìn của chúng tôi là thể thao cho tất cả mọi người. Trước khi 12 tuổi, bạn nên chơi thể thao chỉ cho vui. Vì vậy trước độ tuổi đó, chúng tôi không quan tâm ai là người xuất sắc.
Thay vào đó, chúng tôi chú ý đến việc đưa trẻ em gia nhập 11.000 câu lạc bộ thể thao địa phương. Hiện nay, chúng tôi có 93% trẻ em và thanh niên thường xuyên chơi thể thao trong các tổ chức này.
Tất cả các huy chương của chúng tôi đều đến từ các vận động viên đã bắt đầu ở các câu lạc bộ địa phương. Nếu nhận thấy vận động viên giỏi, sau đó chúng tôi sẽ đưa họ đến Olympiatoppen, trung tâm thể thao ưu tú của Na Uy, nơi họ được tiếp cận với khoa học thể thao hàng đầu".
Thể thao cũng đã ăn sâu vào văn hóa của Na Uy. Johannes Hosflot Klaebo - người đã giành 3 huy chương vàng tại Hàn Quốc - khẳng định trượt tuyết nói riêng là một phần của cuộc sống hàng ngày: "Chúng tôi luôn nói rằng bạn được sinh ra với chiếc ván trượt của riêng mình. Vào Chủ nhật, mọi người đi vào rừng với ván trượt của họ. Mọi người đều muốn làm điều đó".
Được xây dựng sau Olympic 1988, Olympiatoppen cung cấp một trung tâm cho các vận động viên tiếp cận với các cơ sở vật chất, huấn luyện viên và khoa học thể thao tốt nhất tại Na Uy. Tuy nhiên, bước tiến từ các câu lạc bộ địa phương đến trung tâm ưu tú này không đem tới cho vận động viên thay đổi trong tư duy hoặc tâm lý độc hại.
Vì thực tế, Na Uy có chính sách "không có kẻ ngốc". Kjetil Jansrud, người đã giành huy chương bạc và đồng ở Pyeongchang xác nhận: "Chúng tôi tin rằng không có lời giải thích thỏa đáng nào cho việc tại sao bạn là một vận động viên giỏi hoặc một kẻ ngốc. Ttrong đội của chúng tôi không có những suy nghĩ như vậy".
Một độc đáo khác biến Na Uy thành cường quốc thể thao dù ngân sách khiêm tốn có lẽ do đất nước nhỏ bé này có chất lượng cuộc sống quá cao. Tore Ovrebe, trưởng đoàn thể thao Na Uy năm 2018 tin rằng mức sống cao của quốc gia của ông ấy giúp tạo ra những vận động viên đẳng cấp thế giới, đặc biệt tất cả được hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định rằng Na Uy "là một ngôi sao trên hầu hết các chỉ số của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cả về điều kiện vật chất và chất lượng cuộc sống". Ovrebe phân tích: "Điều đó khiến mọi người khá giả ngay từ đầu. Nó có nghĩa là họ có thể làm theo sở thích của họ. Đó là một cách tiếp cận thể thao rất nhân văn".
Thực trạng này giải thích tại sao Na Uy thành công ở Olympic mùa đông không dàn trải ở nhiều môn, mà hơn một nửa số huy chương đó đến từ trượt tuyết băng đồng và trượt băng tốc độ. Cựu vận động viên Olympic Morten Aasen giải thích: "Chúng tôi không chơi những môn tốn quá nhiều tiền như người Anh. Đó là một nghịch lý ở Na Uy. Chúng tôi là một quốc gia rất giàu có nhưng chúng tôi tin tưởng vào cách làm của xã hội chủ nghĩa. Thành công đó có được tạo dựng nhờ cùng nhau làm việc chăm chỉ".