Rio 2016: Vì sao các VĐV giành huy chương không được tặng hoa?
Đây chính là một trong những điểm khác biệt giữa Rio 2016 và các kỳ Olympic khác trong lịch sử.
Thông thường tại Olympic - cả mùa đông lẫn mùa hè, các VĐV giành huy chương sẽ được nhận một bó hoa từ ban tổ chức. Tuy nhiên, điều này đã và đang không được xuất hiện tại Rio 2016.
Thay vào đó, những VĐV này sẽ được nhận một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ có in hình logo của Olympic 2016. Theo người phát ngôn của BTC Rio 2016, việc sử dụng hoa tặng cho các VĐV là hết sức lãng phí và không dùng được lâu dài.
Sự thay đổi ấy nằm trong một chiến lược dài hơi của BTC Olympic và Paralympic 2016 nhằm góp phần hạn chế việc phá hoại môi trường của đất nước Nam Mỹ này. Thông qua chương trình “Abraça” (tạm dịch là “Cái ôm”), BTC muốn tất cả mọi người hãy tiết kiệm trong việc sử dụng nước, nguồn năng lượng, thức ăn và các vật liệu thô trong suốt 45 ngày diễn ra hai kỳ Thế vận hội.
Theo ước tính của BTC Rio 2016, kỳ Olympic lần này sẽ tiêu tốn lượng điện khoảng 29.500 megawatts, gấp đôi lượng điện mà đập thủy điện Itaipu có thể sản xuất.
Trong khi đó, các phương tiện sử dụng tại Rio 2016 sẽ “ngốn” khoảng 23,5 triệu lít nhiên liệu, đủ để đổ đầy 500.000 chiếc Honda Civic. Bên cạnh đó, BTC Rio 2016 sẽ tận dụng tối đa những nguồn năng lượng như gió, thủy điện, nhiên liệu sinh học và các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Các thành viên trong BTC Olympic 2016 cũng cho biết, hơn 2.500 huy chương (812 HCV, 812 HCB và 864 HCĐ) đều được sản xuất từ các vật liệu có độ bền cao. Ví dụ, 4 chiếc HCV mà huyền thoại Michael Phelps giành được đều không chứa thủy ngân độc hại. Trong khi đó, những chiếc dây đeo huy chương đều được tái chế từ các chai nhựa đã qua sử dụng.
Chưa biết tình hình tiết kiệm sẽ đi đến đâu, nhưng theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Olympic 2016 đã xả ra gần 19.000 tấn thức ăn thừa, rác và các chất thải rắn, gấp 5 lần số lượng chất thải mà 6,3 triệu dân tại Rio de Janeiro xả ra trong 1 năm.
Một số ý kiến cho rằng, cách tiết kiệm trên của BTC Rio 2016 chỉ mang tính hình thức và không đủ để giải quyết những vấn đề đang nổi cộm trong suốt thời gian diễn ra Olympic, điển hình là sự ô nhiễm nguồn nước tại vịnh Guanabara, việc xây dựng sân golf lấn vào môi trường sống của các loài sinh vật quý hiếm hay sự bùng phát các loại tảo trong những bể bơi thi đấu được sử dụng tại Rio 2016.