Sự khác biệt giữa bóng rổ NBA và Olympic: Điều tuyển Mỹ non trẻ phải vượt qua
Trong trận đấu giao hữu cuối cùng tại Las Vegas trước khi lên đường sang Tokyo dự Olympic 2021, Zach LaVine và Ricky Rubio đã có một cuộc trò chuyện nhỏ ngay trên sân.
Cả hai đều là những cầu thủ NBA, hiện đang khoác áo đội tuyển quốc gia Mỹ và Tây Ban Nha, chuẩn bị tranh tài cho thế vận hội mùa hè trên đất Nhật Bản.
“Mọi thứ khác biệt nhỉ. Khác rõ rệt là đằng khác", Zach LaVine nói.
Ricky Rubio gật đầu trước khi chia sẻ khá nhiều điều với LaVine. Là một cầu thủ có rất nhiều năm thi đấu bóng rổ quốc tế, hậu vệ người Tây Ban Nha hiểu rõ sự khác nhau giữa bóng rổ NBA và bóng rổ Olympic (quy chuẩn FIBA).
Bóng rổ tại Olympic vẫn sử dụng sân thi đấu có kích cỡ tương đương với NBA và chiều cao vành rổ vẫn là 3m05. Tuy nhiên, mỗi hiệp đấu chỉ kéo dài 10 phút so với 12 tại NBA, đi kèm là số lần hội ý ít hơn.
Vòng 3 điểm theo quy chuẩn FIBA gần rổ hơn so với vòng 3 điểm NBA, không có luật phòng thủ 3 giây và độ va chạm cũng rất khác biệt.
Với những cầu thủ đã quen với những tiếng còi ở NBA, họ sẽ cần một khoảng thời gian để làm quen với luật bóng rổ FIBA.
“Thực ra thì nó cũng là bóng rổ thôi, nhưng vẫn có vài sự khác biệt. Tại đây sẽ có rất nhiều va chạm mà các trọng tài sẽ xử lý khác so với NBA. Các cầu thủ sẽ thi đấu rát và tác động nhiều hơn đến tâm lý đối thủ", Ricky Rubio chia sẻ.
“Không chỉ khác về luật hay cảm giác về không gian mà vai trò của cầu thủ trong đội cũng thay đổi. Bạn có thể ném 5-6 quả trong khoảng 5 phút tại NBA. Còn ở bóng rổ FIBA, bạn chỉ có thể ném 1-2 lần", hậu vệ của Utah Jazz và ĐTQG Tây Ban Nha nói thêm.
Cũng trong loạt trận giao hữu, một tình huống hài hước đã xuất hiện khi Keldon Johnson bất ngờ vì bị truất quyền thi đấu sau khi phạm đủ 5 lỗi cá nhân.
Tại NBA, anh chỉ chịu hình phạt tương tự nếu phạm 6 lỗi, nhưng con số này tại bóng rổ FIBA chỉ là 5.
“Càng thi đấu, chúng tôi càng hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa bóng rổ quốc tế và bóng rổ NBA mà chúng tôi đã chơi nhiều năm qua", hậu vệ Damian Lillard chia sẻ.
“Luôn có những khoảnh khắc cả đội khựng lại rồi nhìn nhau, hỏi xem chuyện gì đã thực sự xảy ra vì chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn về luật. Đây là một trải nghiệm vừa học, vừa làm thực thụ".
PHẢI TẬP TRUNG TUYỆT ĐỐI VÌ RẤT ÍT CƠ HỘI SỬA SAI
HLV trưởng đội tuyển Mỹ là ông Gregg Popovich đã từng chỉ ra một số điểm khác biệt. Ông từng tích lũy những kinh nghiệm không mấy tốt đẹp tại FIBA World Cup 2019.
“Không giống như tuyển Mỹ khi các cầu thủ chỉ thực sự tập trung khi được triệu tập ngắn hạn, các đội tuyển khác có những đợt tập trung dài hạn và dày đặc để xây dựng đội hình, tạo sự kết nối cũng như lập một hệ thống chung cho toàn đội.
Ngoài ra, các đội tuyển với nhiều cầu thủ đã thi đấu dưới luật FIBA ở châu Âu hoặc châu Á. Điều này giúp họ quen với bóng rổ Olympic hơn các cầu thủ chơi tại NBA", HLV trưởng đội tuyển Mỹ chia sẻ.
Và khi thời gian thi đấu được giảm từ 48 phút xuống chỉ còn 40 phút, số tình huống tấn công sẽ ít hơn. Lúc này, từng pha bóng cần được chắt chiu và các cầu thủ phải hạn chế sai lầm cá nhân đến mức tối thiểu.
“Bạn thậm chí còn không được phép của một hiệp thi đấu tệ", Popovich nói. “Ở NBA, bạn có thể làm điều đó và sửa sai ở hiệp sau. Ở đây thì không thể làm như vậy. Cũng phải nói đến tính chất các trận đấu khi mỗi lần ra sân đều như chơi một trận chung kết, đây là khác biệt rất lớn nếu so với NBA".
Mỗi sai lầm sẽ đều có thể bị trừng phạt và mỗi thất bại đều có thể phải trả giá bằng tấm vé về nước. Vì vậy, HLV Popovich cho rằng sự tập trung của các cầu thủ là điều vô cùng quan trọng.
“Bạn sẽ phải thi đấu nghiêm túc và máu lửa ngay từ đầu. Sự tập trung cần được duy trì ngay từ những giây đầu tiên, kéo dài xuyên suốt đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
Bất kỳ đội bóng nào cũng muốn đánh bại đội tuyển Mỹ. Chúng tôi hiểu rõ điều này. Vì thế tôi mong các cầu thủ đừng suy nghĩ quá nhiều, thay vào đó phải tập trung vào mục tiêu, thực hiện đúng yêu cầu chiến thuật và thi đấu hết sức mình".