Taekwondo Việt Nam: Tìm lại cơ hội từ đâu và nhờ ai?
Khi thể thao Việt Nam tiếp tục có một kỳ Olympic Paris 2024, câu hỏi về bộ môn mang lại tấm huy chương đầu tiên tại Thế vận hội - Taekwondo tiếp tục được nhắc đến.
Nguyên nhân cho những con số liên tục đi xuống
Từ tấm huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000, Taekwondo Việt Nam liên tiếp có đại diện ở Athens 2004, Bắc Kinh 2008 và London 2020. Nhưng từ đó đến nay, chúng ta chỉ có một đại diện duy nhất là Trương Thị Kim Tuyền ở Tokyo 2020 sau ba kỳ Thế vận hội.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Xuân Thành - Phó trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 - Cục Thể dục Thể thao nhận định sự phát triển của bộ môn Taekwondo khiến nhiều quốc gia đầu tư vào môn võ này, biến sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.
Ngoài ra, việc Taekwondo liên tục cập nhật về luật - thiết bị thi đấu với giáp điện tử, trang phục cũng khiến nguồn đầu tư của Việt Nam không đáp ứng được theo thời cuộc, tạo ra khoảng trống lớn trong giai đoạn từ 2010-2020.
Bài toán giải quyết chưa triệt để
Về vấn đề xã hội hóa, Taekwondo Việt Nam đã có sự đầu tư của tập đoàn CJ Hàn Quốc từ năm 2011. Chúng ta được tài trợ ở các giải vô địch trẻ, vô địch quốc gia và các chuyến tập huấn - thi đấu quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, tập đoàn CJ cũng đài thọ cho việc mời chuyên gia Kim Kil Tae đến làm việc tại đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) - ông Trương Ngọc Để vẫn cho rằng sự hỗ trợ này chưa thể giải quyết hết những vấn đề.
Võ sư Trương Ngọc Để nhấn mạnh ba điểm mà Taekwondo Việt Nam đang gặp phải: bị loại ra khỏi nhóm 1 đầu tư trọng điểm, dời đội tuyển quốc gia từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội và dựa hoàn toàn vào nguồn đầu tư từ tập đoàn CJ là không đủ.
Bộ môn Taekwondo - Cục thể dục thể thao là đơn vị đang quản lý các hoạt động của đội tuyển quốc gia. Theo ông Trương Ngọc Để, Taekwondo Việt Nam chỉ nhận khoảng 2,5 tỷ VNĐ cho các chuyến tập huấn quốc tế, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là quốc gia đã có 2 HCV Olympic.
Việc VTF không có quyền tác động vào các hoạt động của đội tuyển quốc gia, khiến những sự trợ giúp từ các liên đoàn quốc tế không còn. Đây tiếp tục là một vấn đề quen thuộc, khi bộ môn và liên đoàn không có được quan điểm đồng nhất.
Tìm đâu, nhờ ai?
Đầu tư trọng điểm, tập trung những hạng cân nhẹ và đặc biệt là duy trì sự có mặt của chuyên gia nước ngoài, cũng như các chuyến tập huấn quốc tế là vấn đề đã được nhắc lại rất nhiều lần của không chỉ Taekwondo, mà cả những môn thể thao khác.
Theo võ sư Trương Ngọc Để, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã chủ động đề xuất mời chuyên gia từ Iran sang thử việc tại đội tuyển TP Hồ Chí Minh. Iran là đội tuyển xếp thứ hai tại Olympic Paris 2024 với 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ chỉ kém Hàn Quốc: 2 HCV, 1 HCĐ. Đây có thể là nước đi ban đầu để tìm những cơ hội mới cho Taekwondo Việt Nam.
Trong khi các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia đầu tư các môn đầu tư trọng điểm có kết quả, Taekwondo Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất để ghi dấu ấn tại các đấu trường lớn như ASIAD và Olympic. Đây dường như là thời điểm để Bộ môn Taekwondo - Cục thể dục thể thao và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cùng ngồi lại để tìm hướng đi cho Taekwondo nước nhà.