Olympic 2016: Thảm họa nước bẩn khác gì... Formosa!
Sau những rắc rối về làng VĐV, Brazil lại tiếp tục phải nhận những chỉ trích dữ dội khi môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chuột trở thành một phần “cư dân” của Rio
Đây chẳng phải vấn đề mới mẻ ở Rio. Bảy năm trước, khi Brazil giành quyền đăng cai Olympic 2016, chính phủ đã hứa sẽ ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ở khu vực vịnh Guanabara, địa điểm tổ chức nội dung đua thuyền buồm.
“Tôi đã rất vui khi Olympic về tới Rio. Khi đó tôi có thể theo dõi môn đua thuyền buồm ưa thích”. Đó là cảm nhận của Luiz Goldfeld, một người dân sống tại vịnh Guanabara.
“Tôi thường không hy vọng quá nhiều vào những lời hứa từ các chính trị gia, nhưng lần này, tôi đã tin tưởng một điều gì đó sẽ thay đổi khi Olympic đến”, Goldfeld trả lời phỏng vấn USA Today.
Thế nhưng cho đến lúc này, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện. Thậm chí, những chuyên gia, nhà môi trường học tại Rio còn nhận định tình trạng hiện tại càng tồi tệ hơn trước.
Hàng nghìn tấn rác thải thô vẫn đều đặn chảy theo đường cống khổng lồ từ thành phố ra biển mỗi ngày. Chuột đã trở thành một phần “cư dân” của Rio quanh những bãi rác, trong khi du khách mới tới chưa kịp thích ứng dễ có cảm giác buồn nôn vì mùi hôi thối, nhất là vào buổi tối.
Sự sống của các sinh vật biển chỉ còn là thứ xa xỉ
Goldfeld từng nhìn thấy những con cá cố gắng thoát khỏi mặt nước rồi tìm chỗ nấp trong những mai rùa. Giờ đây, cá đã ít đi, sự sống của những động vật biển khác cũng chỉ còn là thứ xa xỉ.
“Họ có cơ hội làm nơi này tốt hơn, nhưng đã lãng phí nó”, Goldfeld không giấu nổi sự thất vọng khi từng mường tượng ra cảnh theo dõi cuộc đua từ ngôi nhà thuyền của mình.
Cũng theo Goldfeld, chính quyền chỉ thực sự làm việc khi có những đoàn kiểm tra của Ủy ban Olympic quốc tế đến thanh tra: “Khi IOC đến, họ sẽ thấy nước biển đẹp như ở Caribbê vậy”.
Sau khi đoàn kiểm tra đi, mọi thứ lại đâu vào đó. Ban tổ chức Olympic 2016 cũng làm điều tương tự, với những đợt xử lý “đối phó” để các chương trình truyền hình đến quay phim.
Hứa 4 tỷ, chi trăm triệu
Nhớ lại thời điểm cách đây 7 năm, Ban vận động đăng cai cho Olympic 2016 của Brazil cam kết sử dụng 4 tỷ USD để xử lý 80% lượng rác thải trước khi xả ra vịnh.
Nhưng trên thực tế, chính quyền liên bang mới chi 170 triệu USD với lý do khủng hoảng ngân quỹ, trong khi số liệu về lượng rác thải qua xử lý không đáng tin cậy.
Trong khoản chi 170 triệu USD, phần lớn được dùng để thu gom vỏ chai hoặc lắp đặt những đường rãnh lưu động để ngăn chặn mảnh vỡ, cặn bẩn khỏi chảy ra biển. Nhiều người đã chỉ trích cách chi tiêu của chính quyền.
“Họ có thể dùng số tiền đó để xử lý những thứ lớn hơn, như là ghế sofa hay xác người trôi nổi. Những biện pháp thiếu hợp lý càng làm cho vi khuẩn và virus phát triển”, kỹ sư Stelberto Soares bày tỏ quan điểm.
Theo tiết lộ của Soares - người đã giành 3 thập kỷ nhằm cải thiện vấn đề môi trường, những nhà tài trợ quốc tế đã bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư 35 máy móc xử lý rác thải, 800 km đường ống dẫn và 85 máy bơm.
Tuy nhiên, trong cuộc kiểm tra gần đây, Soarez chỉ thấy có 3 máy bơm và 2 trong số đó dùng để tưới cây trồng là còn hoạt động được. Số còn lại bị “niêm phong” và phần lớn đã hư hỏng nặng.
Du khách có thể nhiễm bệnh khi tắm biển
Những lần kiểm tra gần đây của chính quyền địa phương và các nhà khoa học cho thấy nguồn nước tại nhiều khu vực trong thành phố có chứa rất nhiều mầm bệnh với những loại virus đường ruột gây tiêu chảy, nôn mửa cho đến những siêu khuẩn kháng kháng sinh, làm suy yếu sức khỏe những người có hệ miễn dịch yếu.
Nghiên cứu của trường Đại học Liên Bang Rio chỉ ra ô nhiễm đã lan rộng ra những bãi biển ở Ipanema và Leblon, nơi ước tính sẽ đón khoảng nửa triệu du khách đến vui chơi và trực tiếp theo dõi Olympic.
“Nhiều nơi đang ngập trong chất thải do chính con người, và những VĐV, du khách có thể sẽ bị bệnh khi tắm biển”, tiến sĩ Daniel Becker nói.
Nhà vi trùng học Renata Picao thậm chí còn không dám đặt chân lên bãi biển sau một đợt kiểm tra lấy mẫu thử chất lượng nước 3 năm về trước.
Chính quyền Rio thừa nhận không phải mọi nơi trong thành phố đều có nguồn nước sạch, nhưng họ hứa rằng ít nhất địa điểm thi đấu của các VĐV sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Riêng bờ biển Copacabana, nơi diễn ra nội dung 3 môn phối hợp, sẽ được tập trung làm sạch.
Virus nguy hiểm gấp 1,7 triệu lần so với đồng loại ở nơi khác
Các quan chức tại Rio còn nói rằng, kể cả khu vực vịnh Guanabara có mức độ ô nhiễm cao hơn thì điều đó cũng không gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe VĐV đua thuyền buồm, vì họ không trực tiếp tiếp xúc với mầm bệnh.
Lý lẽ của BTC chẳng thể che giấu được sự thật rằng, họ vẫn chưa tìm ra được biện pháp tối ưu để xử lý lượng chất thải từ 12 triệu người dân sinh sống trước khi để chúng đổ ra biển.
Những VĐV đua thuyền buồm đương nhiên là những người lo lắng nhất. Theo điều tra của hãng tin AP, virus gây bệnh tại vịnh Guanabara nguy hiểm gấp 1,7 triệu lần so với chủng loại tương tự tại bờ biển nam California, Mỹ.
“Chúng tôi chỉ còn cách là ngậm miệng lại mỗi khi nước bắn lên”, thành viên đội đua thuyền buồm của Hà Lan, Afrodite Zegers cho biết khi đang tập luyện tại vịnh Guanabara. Không may mắn như Zegers, một số thành viên của đội tuyển Tây Ban Nha và Áo đã dính phải virus dạ dày khi tới Rio.
“Thật kinh tởm. Chúng tôi vô cùng lo lắng”, HLV đội đua thuyền buồm nữ Tây Ban Nha, Nigel Cochrane nói.
Romario Monteiro, một ngư dân đã dành cả cuộc đời ở vịnh Guanabara nhớ lại: “Nước biển đã từng trong như pha lê. Cá thì rất dồi dào”.
Giờ đây, sau những lần quăng chài, thay vì cá, người đàn ông 45 tuổi này lại nhận về những chiếc TV hỏng, thỉnh thoảng là xác cá heo do ăn phải túi bóng và khủng khiếp hơn là thi thể người.