Tokyo 2020: Thử thách đang bủa vây Nhật Bản
Sau Rio 2016, 3 kỳ Olympic tiếp theo đều được tổ chức ở các quốc gia châu Á, cụ thể gồm có Hàn Quốc 2018 (mùa đông), Tokyo 2020 (mùa hè) và Bắc Kinh 2022 (mùa đông).
Theo đánh giá của các chuyên gia, 3 kỳ Olympic sắp tới có thể giúp cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cảm thấy bớt đau đầu hơn sau những gì đã diễn ra tại Sochi 2014 và Rio 2016. Tuy nhiên, theo ông John Coates, thành viên của IOC góp mặt trong đoàn thanh tra Tokyo 2020, lại có suy nghĩ khác.
“Mọi chuyện sẽ không đơn giản, đặc biệt là với Tokyo”, ông Coates nhận định. "Việc đăng cai Olympic 2020 sẽ khiến cho Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn”.
Để dẫn chứng, ông Coates đã đưa ra một số vấn đề cần phải xem xét:
Chi phí
Theo kế hoạch ban đầu, chi phí để xây dựng SVĐ mới rơi vào khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên gấp 3 lần trong bản thiết kế của kiến trúc sư Zaha Hadid. Mức chi phí quá lớn khiến cho BTC Tokyo phải chuyển sang “phương án B”, đó là bản thiết kế của kiến trúc sư Kengo Kuma với mức chi phí tăng 50% so với dự tính.
Trước khi được bầu làm Thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike cho biết: “Người dân Tokyo là những người phải nộp thuế. Do đó, chúng tôi sẽ không bao giờ để phí phạm những đồng tiền ấy. Điều quan trọng là chúng tôi nhận được sự đồng thuận của người dân trong mọi hành động, mọi kế hoạch”.
Theo dự tính ban đầu của BTC, chi phí tổ chức Tokyo 2020 là khoảng 350 tỷ yên (tương đương 3,5 tỷ USD). Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ tăng lên bởi lạm phát và các khoản chi phí phát sinh, bởi lẽ, 3,5 tỷ USD chưa bao gồm các chi phí nâng cấp đường bộ cũng như các cơ sở hạ tầng khác.
Việc xây dựng các địa điểm thi đấu với quy mô nhỏ như tại Rio 2016 cũng đã được tính tới. Thế nhưng, chi phí sẽ không rẻ đi là bao bởi các công trình ở Nhật luôn phải đảm bảo khả năng chống động đất. Bên cạnh đó, người Nhật không bao giờ chấp nhận những công trình theo kiểu “mỳ ăn liền”, chỉ sử dụng trong dịp Olympic rồi bỏ đi như ở Rio 2016.
Giao thông
Các địa điểm thi đấu của Olympic 2020 sẽ được trải rộng trên khắp thủ đô Tokyo với mục đích tiết kiệm chi phí và tận dụng những công trình kiến trúc hiện có.
Những địa điểm thi đấu tại Tokyo 2020 sẽ được phân bổ ở hai khu vực. Khu vực thứ nhất bao gồm các điểm thi đấu xung quanh Vịnh Tokyo (hay còn gọi là Vùng Di Sản). Trong khi đó, khu vực còn lại gồm các điểm thi đấu môn xe đạp tại bán đảo Izu và các SVĐ phục vụ cho môn bóng đá tại các thành phố như Sapporo, Miyagi, Saitama và Yokohama.
“Bạn sẽ phải di chuyển rất nhiều vì các địa điểm thi đấu sẽ không tập trung hết ở một khu vực cụ thể”, ông Coates cho biết. “Nếu bạn đến Vùng Di Sản, tất cả các địa điểm thi đấu đều nằm tách biệt nhau”.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông tại Tokyo rất phức tạp và đông đúc, không mang lại cảm giác thân thiện với các du khách nước ngoài. Ông Coates nhận định, hệ thống giao thông ở Tokyo còn phức tạp hơn ở Rio de Janeiro do thành phố này bị chia cắt bởi biển, núi và những đoạn đường khúc khuỷu.
“Không thể phủ nhận rằng, họ có một hệ thống đường giao thông rất hợp lý”, ông Coates cho biết. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ có thể hoàn toàn yên tâm về chuyện này. Với khoảng 3 triệu người di chuyển từ ngoại thành vào trung tâm thành phố mỗi ngày, những con đường chật hẹp chính là vấn đề cần phải suy nghĩ”.
Các bộ môn thi đấu
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã đồng ý đưa thêm 5 môn thể thao vào Tokyo 2020, gồm: bóng chày, trượt ván, lướt sóng, karatedo và leo núi trong nhà. Điều này sẽ khiến cho ngày hội thể thao lớn nhất thế giới trong 4 năm tới sẽ có tổng cộng 33 môn thi đấu với hơn 11.000 VĐV từ khắp các quốc gia đến tranh tài.
Tại Rio 2016, Nhật Bản giành được tổng cộng 41 huy chương, vượt qua kỷ lục 38 huy chương tại London 2012. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng cao trong 4 năm tới, không chỉ bởi Nhật Bản là nước chủ nhà, mà Tokyo 2020 còn có thêm sự xuất hiện của môn bóng chày, môn thể thao rất được ưa chuộng ở xứ sở mặt trời mọc.
Các môn thể thao diễn ra vào buổi chiều tối bên Nhật thì những khán giả Bắc Mỹ phải theo dõi vào lúc sáng sớm. Sự chênh lệch múi giờ khiến cho NBC, đơn vị nắm bản quyền phát sóng Olympic, gặp khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch truyền thông. Do đó, một số môn chắc chắn phải thay đổi lịch để đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người xem.
Đó là một vấn đề không còn xa lạ vơi Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản, Tsunekazu Takeda - người từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc thể thao Olympic mùa đông năm 1998.
“Đầu tiên chúng ta cần phải lắng nghe ý kiến của các VĐV”, ông Takeda cho biết. “Sự công bằng cho họ là điều tiên quyết. Tất nhiên, điều này sẽ được đưa ra sau khi bàn thảo một cách kỹ càng. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng quyền lợi của VĐV sẽ được đưa lên hàng đầu”.