Tranh cãi về "super spike" - đôi giày như lắp... lò xo tại Olympic Tokyo

thứ tư 4-8-2021 16:20:21 +07:00 0 bình luận
Phá kỷ lục thế giới và đoạt huy chương vàng, nhà vô địch 400 mét rào Karsten Warholm vẫn lập tức chỉ về đôi giày Nike Zoom Victory của đối thủ và cho rằng chúng không hợp lệ.

Nội dung 400 mét rào nam của bộ môn điền kinh Olympic 2021 vừa được chuyên gia đánh giá là một trong những cuộc đua đáng xem nhất thế kỷ. Tuy nhiên khi chưa kết thúc được lâu, nó đã chìm trong sự tranh cãi.

Trong lượt chạy chung kết. VĐV Rai Benjamin đã có thành tích đủ để phá kỷ lục thế giới trước đó, thế nhưng anh chỉ về nhì khi bị Karsten Warholm đánh bại. VĐV người Na Uy đã đoạt tấm huy chương vàng khi phá sâu kỷ lục của chính mình (nhanh hơn đến 0.76 giây).

Warholm và Benjamin so kè ở nội dung 400 mét rào nam tại Olympic 2021

Dù vượt qua đối thủ, Warholm vẫn hướng sự chỉ trích về phía Benjamin, cụ thể là tố cáo chân chạy người Mỹ sử dụng một đôi giày Nike không hợp lệ.

“Thật nực cười. Đôi giày đó như một trò đùa vậy. Bạn nhét cả một tấm đệm lò xo xuống dưới chân như vậy thì nó chả khác nào một trò đùa", chủ nhân tấm huy chương vàng 400m rào nam chia sẻ.

“Tôi không hiểu vì sao người ta cứ phải đặt một thứ gì đó xuống bên dưới chân của một VĐV điền kinh chạy cự ly ngắn. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng đôi giày đó là gian lận, lấy đi những yếu tố cơ bản và nét đẹp vốn có của bộ môn thể thao này".

Đôi giày được Rai Benjamin cùng rất nhiều VĐV thuộc hệ thống được tài trợ bởi Nike sử dụng là Nike Air Zoom Victory và Air Zoom Dragonfly. Hai mẫu giày này được gọi là “super spike”, nói lái từ “superbike", ám chị một chiếc siêu xe trong thế giới giày chạy bộ.

Câu chuyện của những đôi “super spike" đã được nhắc đến khá nhiều bởi độ tranh cãi mà nó gây ra. Nhưng lần này, mọi thứ nghiêm trọng hơn khi Victor Warholm đã đánh bại được một VĐV sử dụng “super spike" và lập tức chỉ trích ngay sau khi đoạt huy chương vàng.

Nike Zoom Victory, một trong hai đôi giày "super spike" gây tranh cãi

Vậy giày “super spike" có gì đặc biệt? Chúng có sai luật hay tạo nên lợi thế đặc biệt nào cho các VĐV không? Và vì sao chúng lại gây tranh cãi? Hãy cùng giải đáp một số thắc mắc xoay quanh những mẫu giày này.

Như đã nhắc đến ở trên, “super spike" bao gồm 2 mẫu giày của Nike là Air Zoom Victory (chuyên chạy cự ly ngắn) và ZoomX Dragonfly (chuyên dùng cho cự ly dài), những phiên bản giày chạy siêu nhẹ áp dụng công nghệ mới nhất đến từ nhãn hàng thể thao Mỹ.

Vốn dĩ nó gây tranh cãi là vì một loạt VĐV dùng Air Zoom Victory hoặc ZoomX Dragonfly đều có sự cải thiện đáng kể về thành tích cá nhân. Riêng với những VĐV đẳng cấp cao, họ thậm chí còn phá nhiều kỷ lục.

Mo Farah, Letesenbet Giday, Joshua Cheptegei hay Sifan Hassan là những ví dụ điển hình khi liên tục phá kỷ lục với giày “super spike" vào tháng 9 và tháng 10 năm trước.

Cấu trúc của hai mẫu giày có điểm chung là mang một bộ đế đúc bằng chất liệu nhựa tổng hợp có tên gọi là Pebax. Chúng có khả năng phản hồi lực rất cao để khiến mặt đế trở về vị trí ban đầu nhanh hơn khi bị uốn cong, hỗ trợ người mang có những cú bứt tốc tốt hơn.

Bên cạnh đó, điều được Warholm nhắc đến đó là giày của Benjamin có một lớp đệm ở dưới ức chân. Trong phiên bản Nike Zoom Victory sẽ có một túi khí nén sử dụng công nghệ Zoom, tăng tối đa khả năng phản hồi lực cho VĐV.

Dưới ức chân của Air Zoom Victory là một túi khí Air Zoom

Nhiều VĐV cho rằng nếu nghiên cứu kỹ từng bước chạy và ứng dụng khoa học, họ hoàn toàn có thể cải thiện từ 1-3 giây trong mỗi dặm chạy với những đôi “super spike" này.

Một trong những màn trình diễn gây nhiều sự chú ý nhất diễn ra vào tháng 2 năm 2021. VĐV người Anh Elliot Giles cùng đôi Air Zoom Victory đã hoàn tất 800 mét với thời gian 1 phút 43 giây 63, phá sâu kỷ lục quốc gia đã tồn tại gần 4 thập kỷ.

Trước đây, Giles chưa bao giờ đạt thành tích đủ tốt để có mặt tại Olympic hay chung kết thế giới. Vị trí cao nhất mà anh từng đạt được là huy chương đồng tại giải vô địch châu Âu năm 2016.

Kết quả này lập tức bị “soi" và đôi giày Air Zoom Victory bắt đầu bị nghi ngờ. Rất nhiều VĐV đã lên tiếng phản đối và cho rằng thành tích tốt là kết quả của nhiều năm tháng khổ luyện, đương nhiên là bao gồm cả Elliot Giles.

“Việc quy chụp tôi mang giày không hợp lệ để phá kỷ lục là một sự xúc phạm với cá nhân tôi. Chỉ vì tôi có thành tích tốt, mọi người đã lập tức cho rằng nhờ đôi giày. Như vậy rất vô lý”, VĐV điền kinh 25 tuổi chia sẻ.

Một VĐV khác gây chú ý là Marc Scott sau khi đạt thành tích cá nhân tốt nhất ở nội dung 10.000 mét, vượt mốc cũ đến 46 giây trong lúc sử dụng Air Zoom Dragonfly. 

Bình luận viên lập tức nhắc đến câu chuyện đôi giày và Scott phản ứng rất mạnh mẽ: “Tại sao mọi người cứ nhắc đến yếu tố công nghệ, còn sức tập luyện và sự khổ cực của VĐV thì không ai kể công nhỉ?”

Liệu những đôi "super spike" có thực sự phạm luật như Warholm nói?

Trở lại với hai nhân vật chính là nhà vô địch Karsten Warholm và chủ nhân tấm huy chương bạc Rai Benjamin.

Warholm cho rằng việc Benjamin sử dụng đôi “super spike" thi đấu là một việc làm gây “mất giá trị của điền kinh".

Với việc liên đoàn điền kinh thế giới không hề cấm các VĐV sử dụng 2 mẫu giày của Nike, nhiều người cho rằng Warholm đang có ý định hạ bệ đối thủ để thu hút sự chú ý đến đôi giày PUMA trên chân anh.

Chân chạy người Na Uy đang có hợp đồng với PUMA và sử dụng một phiên bản giày chạy điền kinh đặc biệt, được kết hợp phát triển giữa nhãn hàng đến từ Đức với đội đua xe F1 Mercedes AMG.

“Nếu là chạy đường dài thì tôi còn thông cảm được và những đôi giày đường dài sẽ cần sự êm ái. Còn đây là chạy cự ly ngắn và người ta không nên đặt thêm bất kỳ thứ gì xuống dưới chân VĐV cả”, Karsten Warholm nói thêm.

Ở chiều ngược lại, Rai Benjamin rất điềm tĩnh giải thích và đưa ra luận điểm của mình:

“Tôi sẽ bắt đầu với bề mặt đường chạy ở đây. Nó rất mềm và mang đến cảm giác chạy rất tuyệt. Từ bề mặt, điều kiện thi đấu đến thời tiết, mọi thứ đều rất tốt để VĐV đạt tốc độ cao nhất có thể..

Tôi có thể mang bất kỳ đôi giày nào khác và vẫn chạy nhanh như vậy. Sẽ không ai có thể chạy tốt được như chúng tôi (ám chỉ bản thân Benjamin và đối thủ Warholm, hai VĐV đã vượt qua được kỷ lục cũ). Bề mặt đường chạy ở đây giúp người ta đạt tốc độ rất cao và tôi cảm thấy mình có thể chạy tốt, đó là lý do tôi đạt thành tích như vậy".

Đây có thể chỉ là màn đấu khẩu giữa hai VĐV đại diện cho hai nhãn hàng khác nhau là PUMA và Nike

Suy cho cùng, đây có lẽ chỉ là màn đấu khẩu đến từ hai VĐV khi nói về đôi giày mà họ mang. 

Ở mỗi kỳ Olympic như thế này, các nhà sản xuất giày bao gồm Nike, Adidas, Puma hay New Balance như bước vào một cuộc chạy đua vũ trang thực thụ. Luôn có những sự kèn cựa giữa các nhãn hàng và rất có thể đây là một ví dụ điển hình.

“Khi công nghệ phát triển giày chạy điền kinh (spike) ngày càng tân tiến, đi kèm với sự thay đổi về công nghệ bề mặt đường chạy, thành tích của các VĐV đang được cải thiện như một điều tiết yếu”, cây bút Madeleine Kelly của tờ Running Magazine viết.

“Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ trên các mẫu giày, nhưng đó chắc chắn không phải lý do duy nhất giúp các VĐV giảm thời gian hoàn thành các cự ly. 

Đừng quên sự tích cực của việc tập luyện giữa mùa đại dịch mang lại (phát triển chuyên sâu một số nhóm cơ, cải thiện thể lực, không phải dàn trải sức vì thi đấu nhiều giải). Khi cuộc sống và mọi thứ chậm đi cũng chính là lúc mà các VĐV tăng tốc”.

Việt Long
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội