Vì sao 5 nước Đông Nam Á có huy chương Olympic Paris 2024 mà Việt Nam "trắng tay"?

thứ ba 13-8-2024 21:20:57 +07:00 0 bình luận
Cùng chung các đấu trường từ SEA Games đến Asian Games và Olympic, thế nhưng, Paris 2024 đã phải chứng kiến cảnh thể thao Việt Nam tay trắng trong Thế vận hội thành công của Đông Nam Á với 3 đoàn có Vàng.

Thể thao Việt Nam vừa kết thúc Olympic Paris 2024 không có huy chương, khác với một số láng giềng Đông Nam Á. Philippines có 2 huy chương vàng đều của ngôi sao thể dục dụng cụ Carlos Yulo và 2 huy chương đồng từ các tay đấm boxing Aira Villegas với Nesthy Petecio. Indonesia lần đầu có HCV không từ cầu lông do Veddriq Leonardo ở môn leo tường và lực sĩ cử tạ Rizki Juniansyah, kèm HCĐ cầu lông đơn nữ của Gregoria Mariska Tunjung.

Thái Lan có HCV nhờ ngôi sao Taekwondo Panipak Wongpattanakit bảo vệ danh hiệu, cùng HCB cầu lông đơn nam của đương kim vô địch thế giới Kunlavut Vitidsarn, trong lúc cử tạ đem về 2 HCB do Theerapong Silachai và Weeraphon Wichuma, còn Surodchana Khambao đoạt HCĐ. Họ có thêm HCĐ môn boxing từ Janjaem Suwannapheng. Malaysia có 2 HCĐ cầu lông nhờ Lee Zii Jia ở đơn nam và đôi nam Aaron Chia / Soh Wooi Yik. Singapore cũng có HCĐ môn đua thuyền buồm từ Maximilian Maeder.

Vấn đề đang được quan tâm gần đây là tại sao thể thao Việt Nam "trắng tay" cho dù đứng đầu toàn đoàn tại 2 SEA Games gần nhất, trong lúc 5 nước bạn có huy chương, thậm chí 3 đoàn có HCV?

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt chia tay Olympic Paris 2024 dù ghi 10 điểm ở loạt bắn quyết định.

Trước hết, có thể thấy rằng thông qua các môn thi đấu tại Paris 2024, thể thao Việt Nam chưa có định hướng chuẩn bị cho đấu trường Olympic. Bởi lẽ, các nước Đông Nam Á giành huy chương chủ yếu dựa vào những môn mạnh truyền thống của họ, như Indonesia với cầu lông, leo núi và cử tạ, Philipiines với boxing, Malaysia cũng dựa vào cầu lông, Thái Lan trông cậy vào boxing, cầu lông và cửa tạ.

Đây là những môn mà họ không chỉ mạnh trong khu vực, mà còn là những cường quốc ở châu Á và thế giới. Ví dụ như Kunlavut Vitidsarn vào chung kết đơn nam cầu lông Olympic sau khi giành ngôi vô địch thế giới cho Thái Lan. Carlos Yulo từng đoạt được vô số ngôi vô địch thể dục dụng cụ cho Philippines. Veddriq Leonardo của Indonesia từng lập kỷ lục thế giới môn leo tường. Thậm chí, các vận động viên này đã ở trên đỉnh cao thế giới trong nhiều năm, hễ cứ dự giải quốc tế là đều được xem như một trong những ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch. Đây là điều mà không có đại diện nào của thể thao Việt Nam ở Paris 2024 làm được.

Song song đó, thể thao Việt Nam chịu áp lực không cần thiết khi đứng đầu toàn đoàn ở các SEA Games gần đây. Bởi lẽ, rất nhiều môn đem về nhiều HCV cho Việt Nam tại SEA Games những năm qua hiện không nằm trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024. Đây là thông số không thể xem nhẹ do chiếm tới 47 HCV tại SEA Games 23 và 74 HCV ở SEA Games 22:

- Muay Thai 4 HCV SEA Games 22.

- Cờ tướng 2 HCV SEA Games 23 - 3 HCV SEA Games 22.

- Kun Khmer 5 HCV SEA Games 23.

- Thể hình 5 HCV SEA Games 22.

- Dancesport 5 HCV SEA Games 22.

- Kickboxing 5 HCV SEA Games 22.

- Pencak Silat 6 HCV SEA Games 22.

- Kun Bokator 6 HCV SG 23.

- Cờ vua 7 HCV SEA Games 22.

- Kurash 7 HCV SEA Games 22.

- Karate 6 HCV SEA Games 23 - 7 HCV SEA Games 22.

- Wushu 6 HCV SEA Games 23 - 10 HCV SEA Games 22.

- Vovinam 7 HCV SEA Games 23 - 6 HCV SEA Games 22.

- Vòi hơi chân vịt 14 HCV SEA Games 23 - 10 HCV SEA Games 22.

Và dĩ nhiên cũng tại SEA Games, Việt Nam có những môn được tổ chức tại Paris 2024 đã đem về đến 53 HCV ở SEA Games 23 và 91 HCV tại SEA Games 22. Ngặt nỗi, rõ ràng đó là các môn mà chúng ta lấn lướt tại khu vực, nhưng không chỉ Việt Nam mà những nước Đông Nam Á khác cũng đều chưa thật sự tự tin cầm chắc huy chương khi ra đấu trường Thế vận hội:

- Xe đạp: 1 HCV SEA Games 23 - 4 HCV SEA Games 22.

- Taekwondo: 4 HCV SEA Games 23 - 9 HCV SEA Games 22.

- Rowing 8 HCV SEA Games 22.

- Canoeing: 8 HCV SEA Games 22.

- Thể dục dụng cụ: 9 HCV SEA Games 23 - 7 HCV SEA Games 22.

- Judo: 8 HCV SEA Games 23 - 9 HCV SEA Games 22.

- Bơi: 7 HCV SEA Games 23- 11 HCV SEA Games 22.

- Điền kinh: 12 HCV SEA Games 23 - 22 HCV SEA Games 22.

- Vật: 13 HCV SEA Games 23 - 17 HCV SEA Games 22.

Với những môn còn lại tại Olympic Paris 2024 mà Việt Nam có đại diện tham dự, thật chất chúng ta đã bị ảnh hưởng từ SEA Games, hoặc đó không phải là môn thế mạnh. Thiệt thòi nhất là bắn súng, bộ môn làm rạng danh thể thao Việt Nam tại Olympic và đem về 7 HCV ở SEA Games 22 nhưng không được tổ chức ở SEA Games 23, nên phần nào chịu ảnh hưởng trong quá trình chuẩn bị và giành suất dự Thế vận hội năm nay. Trong khi đó, cử tạ có tới 14 nội dung thi đấu, nhưng Việt Nam chỉ có thể giành 4 HCV ở SEA Games 23 và 3 HCV tại SEA Games 22. Bắn cung cũng không được tổ chức tại SEA Games 23, sau khi Việt Nam không có ngôi vô địch ở SEA Games 22.

Minh Châu
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội