Arsenal: Xin đừng là "tù nhân" của Wenger
Năm nay, Arsene Wenger đã bước sang tuổi 66. Tất nhiên, “Giáo sư” sẽ không thể dẫn dắt Pháo thủ mãi mãi. Suốt 12 năm qua, việc Arsenal không thể giành được bất kỳ chức vô địch Premier League nào đã khiến giới mộ điệu có thừa lý do để mà phán xét nhà cầm người Pháp. Thời gian không còn nhiều và lịch sử chắc chắn sẽ ghi nhận Wenger dưới danh nghĩa của một “kẻ thất bại vĩ đại”, nếu đội bóng chủ sân Emirates vẫn tiếp tục trượt ngã ở mùa giải năm nay.
Trước mắt Arsenal chính là cuộc chạm trán đội đầu bảng Leicester City vào ngày Chủ nhật tới đây, một trận đấu có thể quyết định số phận không chỉ trong mùa bóng 2015/2016, mà thậm chí cả một triều đại, một thời kỳ chứng kiến CLB thành London trở thành “nhà tù” dưới sự cai trị của người đàn ông mang tên Wenger.
Nếu như để thua Leicester, khoảng cách giữa Arsenal và đội bóng của HLV Claudio Ranieri sẽ được nới rộng lên thành 8 điểm. Đặt trong bối cảnh giải Ngoại hạng Anh khi ấy cũng chỉ còn 12 vòng đấu nữa là kết thúc, mục tiêu vô địch xem như sẽ trở thành nhiệm vụ quá đỗi bất khả thi đối với Pháo thủ. Mặc dù vậy, trong trường hợp thầy trò HLV Wenger giành chiến thắng, chức vô địch Premier League mùa này sẽ lại trở thành cuộc đua “tứ mã” giữa Leicester, Man City, Tottenham và Arsenal.
Đánh giá từ một góc độ nào đó, kinh nghiệm luôn được xem là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng quyết định đến khả năng thành công của một đội bóng lớn. Bản thân Wenger, đương nhiên cũng là một vị chiến lược gia có thừa “kinh nghiệm” sau hơn hai thập kỷ làm việc trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Thế nhưng, khi mà những thứ triết lý của “Giáo sư” đã phần nào trở nên lỗi thời và lạc hậu, đồng nghĩa rằng sự bảo thủ đến từ nhà cầm quân 66 tuổi cũng đang trở thành một “sức ép vô hình” kìm hãm quá trình phát triển của Arsenal.
Cụ thể, dưới triều đại Wenger, đội bóng thành London luôn chủ trương theo đuổi chính sách xây dựng một bộ khung đội hình dựa trên các cầu thủ nhỏ con, sáng tạo đồng thời sở hữu thêm nền tảng kỹ thuật cá nhân khéo léo. Hệ quả, điều này cũng khiến cho Arsenal thường xuyên gặp khó khăn trước những đối thủ chơi thiên về sức mạnh và thể lực, một thứ “đặc sản” của Premier League nói riêng cũng như bóng đá “thuần Anh” nói chung.
Mặt khác, công tác chuyển nhượng cũng chưa bao giờ được “Giáo sư” thực sự xem trọng, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của Pháo thủ trước các đội bóng lớn khác, đặc biệt là khi bóng đá thế giới đang ngày càng có xu hướng bị tác động đáng kể bởi sức mạnh tài chính.
Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích vì sao đội bóng chủ sân Emirates liên tục tỏ ra thua thiệt trong cuộc đua cạnh tranh các danh hiệu, qua đó dẫn tới tình cảnh “trắng tay” suốt nhiều năm liền (9 năm) và không thể vô địch nước Anh trong 12 mùa giải gần nhất.
Phải thừa nhận rằng Wenger từng giải quyết thành công vô số vấn đề của Arsenal trong quá khứ. Tuy nhiên, khi mà vị chiến lược gia người Pháp ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi triết lý cũng như những gì thuộc về “kinh nghiệm” của mình, đội bóng thành London đã nhanh chóng trở thành một hình mẫu có phần hơi độc đoán do chính thứ chủ nghĩa “Wengerian” đầy bảo thủ và giáo điều gây nên.
Đáng chú ý là nhà cầm quân 66 tuổi này cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ những nguyên tắc cứng nhắc của mình. Hệ quả, sự “bướng bỉnh” không mấy cần thiết của “Giáo sư” đã tồn tại giống như một chướng ngại vật đích thực, sẵn sàng thách thức và ngăn cản Arsenal trên con đường tìm đến thành công.
Trên một phương diện khác, Wenger có thể được người hâm mộ sân Emirates “thần tượng hóa” sau khi chấp nhận quyết tâm theo đuổi lý tưởng của mình đến cùng. Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp của một đội bóng chơi cống hiến bậc nhất châu Âu, Pháo thủ dưới triều đại của “Giáo sư” cũng thực sự trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết. Do đó, nếu như Arsenal vẫn tiếp tục thất bại và không thể vươn đến ngai vàng Premier League mùa giải năm nay, chắc chắn vị chiến lược gia người Pháp sẽ là nhân tố đầu tiên phải chịu trách nhiệm.
Xét ở một mức độ có phần “vĩ mô” hơn nữa, khi mà cuộc đấu tranh nhằm duy trì bản ngã đã không còn phát huy được tác dụng cần thiết, đồng nghĩa rằng thời điểm hiện tại cũng chính là lúc mà người Arsenal nên nhận ra rằng họ cần phải thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện, thậm chí là sẵn sàng đánh dấu sự tan rã của thứ tư tưởng “Wengerian” nặng nề, từng góp phần làm kìm hãm Pháo thủ trong suốt cả thập kỷ vừa qua…