BQTH NHA: 3 chiến lược chinh phục châu Á
Có lẽ, hiếm có giải đấu nào mà bản quyền truyền hình được đấu thầu kéo dài như Premier League bởi kể từ khi Sky và BT Sport công bố gói hợp đồng trị giá 5,136 tỷ bảng trong nước hồi tháng 2 (Vương quốc Anh và Ireland) cho đến khi gói hợp đồng tương tự được bán ra nước ngoài, người Anh mất gần 1 năm đàm phán.
Nghĩa là ở thời điểm này, một số khu vực đã đàm phán xong và một số khu vực khác thì chưa. Tuy nhiên, khi Sky và BT Sport công bố gói hợp đồng trị giá 5,136 tỷ bảng trong nước, các chuyên gia đã dự báo báo hợp đồng bản quyền truyền hình Premier League trên toàn thế giới có thể tăng 30% từ mức 2,2 tỷ bảng của giai đoạn 2013-2016 lên 3,25 tỷ bảng của giai đoạn 2016-2019.
Nếu nhìn từ giai đoạn 2013-2016, có thể thấy rõ châu Á và châu Âu là những thị trường trọng điểm của Premier League với số tiền thu được lần lượt là 940,8 triệu bảng và 607,2 triệu bảng. Liệu trong giai đoạn 2016-2019, châu Á có vượt mốc 1 tỷ bảng hay không, Premier League cũng đang triển khai một số cách tiếp cận mới và linh hoạt cho những thị trường được đánh giá là quan trọng với gói hợp đồng 6 năm thay vì 3 năm thông thường. Chẳng hạn như các cuộc đàm phán ở Australia, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan đã hoàn tất. Malaysia chưa xong, trong khi Ấn Độ dự kiến kết thúc trong tháng 12 và Indonesia vào đầu năm mới…
Nhìn qua thì có thể thấy rõ Premier League đang áp dụng 3 cách tiếp cận khác nhau ở thị trường châu Á:
- Tại Australia, Malaysia, và Thái Lan, lần đầu tiên Premier League không cho các công ty tiếp thị như IMG và MP & Silva tham gia đấu thầu. Thay vào đó, người Anh muốn trực tiếp đàm phán với các kênh truyền hình tại đây nhằm củng cố quan hệ và tăng ảnh hưởng.
- Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, các công ty tiếp thị (và kênh truyền hình) được phép tham gia đấu thầu. Có lẽ, cho đến khi giá trị hợp đồng của những thị trường này cao như những thị trường đầu tiên, sự có mặt của IMG và MP & Silva sẽ không còn cần thiết nữa và các kênh truyền hình của Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc mới có thể đàm phán trực tiếp được với Premier League.
- Tại Singapore và Ấn Độ - lần đầu tiên xuất hiện ở châu Á - Premier League bán theo thời hạn 3 năm và 6 năm (Như Trung Quốc đã có gói 6 năm nhưng vẫn đang đàm phán để gia hạn thêm 3 năm). Dĩ nhiên, mang danh nghĩa là 6 năm nhưng tiền trả trước cho Premier League chỉ là 3 năm và cách tiếp cận này giúp các kênh truyền hình có một chiến lược đầu tư dài hạn hơn nếu như họ nhận được sự đảm bảo về bản quyền trong một giai đoạn như vậy.